Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam năm 2020

Từ nào bị dùng sai trong câu văn sau? Từ in đậm trong dòng nào dưới đây là các từ đồng âm?


Đề bài

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

TRƯỜNG CHUYÊN HÀ NỘI AMSTERDAM

Thời gian làm bài: 45 phút

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Khoanh vào một chữ cái (A, B, C hoặc D) đứng trước đáp án đúng ở mỗi câu dưới đây:

Câu 1. Từ nào bị dùng sai trong câu văn sau?

 “Các bạn có nhu cầu, nguyện vọng gì thì cứ mạnh dạn đề cử, ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét, sẽ giải quyết.”

A. “nguyện vọng”

B. “mạnh dạn”

C. “đề cử”

D. “xem xét”

Câu 2. Từ in đậm trong dòng nào dưới đây là các từ đồng âm?

A. địa lí, địa ốc, địa phương, địa chất.

B. nguyên thuỷ, nguyên sinh, nguyên bản, nguyên tác.

C. học liệu, học viên, học thức, học viện.

D. bảo vệ, bảo vật, bảo hiểm, bảo ban.

Câu 3. Dòng nào sau đây chưa viết đúng chính tả?

A. Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội

B. Đài Truyền hình Việt Nam

C. Liên đoàn Bóng đá Thế giới

D. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Câu 4. Từ in đậm trong câu thơ nào sau đây không được dùng với nghĩa chuyển?

A. Tuổi thơ chở đầy cổ tích

B. Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

C. Thời gian chạy qua tóc mẹ

D. Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Câu 5. Quan hệ giữa hai vế trong câu ghép sau là quan hệ gì?

“Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những toà nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét.”

A. Quan hệ nguyên nhân – kết quả.

B. Quan hệ tương phản

C. Quan hệ tăng tiến

D. Quan hệ điều kiện – kết quả

Câu 6. Dòng nào nêu đúng tác dụng của dấu hai chấm (:) trong câu sau?

“- Hai người nói đều có lí nên ta xử thế này: tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa.”

A. Đánh dấu nội dung giải thích cho phần đứng trước.

B. Đánh dấu chuỗi liệt kê.

C. Ngăn cách các vế trong câu ghép

D. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật

Câu 7. Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào chỗ trống trong đoạn thơ sau?

“Em yêu ...(1)..

Đồng bằng, rừng núi

Em yêu ... (2)...

Lúa đồng chín rộ.

Em yêu ...(3)...

Hoa cà, hoa sim

Em yêu ...(4)…

Áo mẹ sờn bạc.”

A. màu vàng – màu xanh – màu nâu – màu tím

B. màu nâu – màu vàng – màu xanh – màu tím

C. màu xanh – màu vàng – màu tím – màu nâu

D. màu tím – màu xanh – màu vàng – màu nâu

Câu 8. Cho câu văn: “Bên bờ nông giang vắt qua cánh đồng, giữa những tốp trẻ con, bay lên những ngọn khói xanh lơ.”

Chủ ngữ của câu văn trên là:

A. “bên bờ nông giang”.

C. “cánh đồng”.

B. “những ngọn khói xanh lơ”.

D. “những tốp trẻ con”.

PHẦN II. TỰ LUẬN (6,0 điểm)

Đọc và trả lời các câu hỏi sau:

Bài 1. (1,0 điểm) Cho câu văn sau:

“Đó là một chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương bằng vàng ông và một nàng công chúa mặt trắng, ngồi trong mái lầu son.”

a. Xác định thành phần câu của câu văn trên và cho biết theo cấu tạo ngữ pháp câu văn trên thuộc kiểu câu gì?

b. Đặt một câu có thành phần trạng ngữ và vị ngữ đứng trước chủ ngữ.

Bài 2. (2,0 điểm) Cho đoạn văn sau:

“Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng lòa cửa biển. Xóm lưới cũng ngập trong nắng đó. Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làng biển. Sứ còn thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng vàng, phất phơi bên cạnh những vạt lưới đen ngăm, trùi trũi.

Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm mướt mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị.”

(Trích Quê hương, Anh Đức,

Tiếng Việt 4, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a. Trong đoạn trích trên, tác giả miêu tả ánh nắng theo trình tự nào? Những chi tiết nào cho em biết điều đó?

b. Ánh nắng chiếu đến đâu, vẻ đẹp của quê hương, của con người cũng toả sáng đến đó. Em hãy nêu cảm nhận của mình về vẻ đẹp của làng chài ven biển và vẻ đẹp của chị Sứ – một người con của làng chài được thể hiện qua các đoạn văn trên.

Bài 3. (3,0 điểm) Đọc bài ca dao sau và trả lời các câu hỏi:

“Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”

a. Ghi lại một cặp từ trái nghĩa có trong bài ca dao trên. Cặp từ trái nghĩa ấy góp phần thể hiện điều gì trong nội dung bài ca dao?

b. Em hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 7 câu) nói về vai trò của lao động đối với con người.

--------- Hết ----------


Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1. C

Câu 2. D

Câu 3. A

Câu 4. D

Câu 5. B

Câu 6. A

Câu 7. C

Câu 8. B

Câu 1. Từ nào bị dùng sai trong câu văn sau?

 “Các bạn có nhu cầu, nguyện vọng gì thì cứ mạnh dạn đề cử, ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét, sẽ giải quyết.”

A. “nguyện vọng”

B. “mạnh dạn”

C. “đề cử”

D. “xem xét”

Lời giải chi tiết:

Từ “đề cử” mang nghĩa giới thiệu ra để lựa chọn, bình bầu nên không phù hợp với nội dung cần diễn đạt trong câu văn trên. Từ đúng cần chọn phải là từ “đề đạt” với nghĩa trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền giải quyết.

Câu 2. Từ in đậm trong dòng nào dưới đây là các từ đồng âm?

A. địa lí, địa ốc, địa phương, địa chất.

B. nguyên thuỷ, nguyên sinh, nguyên bản, nguyên tác.

C. học liệu, học viên, học thức, học viện.

D. bảo vệ, bảo vật, bảo hiểm, bảo ban.

Lời giải chi tiết:

- Tiếng “bảo” trong các từ bảo vệ, bảo hiểm, bảo tàng đều có nghĩa là giữ gìn cho được an toàn, nguyên vẹn.

- Tiếng “bảo” trong từ bảo vật có nghĩa là quý giá.

=> Do đó, đây là hiện tượng từ đồng âm.

Các phương án còn lại đều là các tiếng mang chung một nghĩa: “địa” (đất), “nguyên” (ban đầu), “học” (quá trình tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm).

Chọn D.

Câu 3. Dòng nào sau đây chưa viết đúng chính tả?

A. Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội

B. Đài Truyền hình Việt Nam

C. Liên đoàn Bóng đá Thế giới

D. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Lời giải chi tiết:

Theo quy tắc viết hoa tên các cơ quan tổ chức, phải viết là: Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Chọn A.

Câu 4. Từ in đậm trong câu thơ nào sau đây không được dùng với nghĩa chuyển?

A. Tuổi thơ chở đầy cổ tích

B. Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

C. Thời gian chạy qua tóc mẹ

D. Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Lời giải chi tiết:

- Từ “còng” được dùng theo nghĩa gốc, có nghĩa là cong xuống, không thẳng ra được.

- Các từ in đậm khác đều được dùng với nghĩa chuyển: “chở” (mang chứa), “ngọt ngào” (dịu dàng, đầy tình yêu thương), “chạy” (trôi đi rất nhanh).

Chọn D.

Câu 5. Quan hệ giữa hai vế trong câu ghép sau là quan hệ gì?

“Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những toà nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét.”

A. Quan hệ nguyên nhân – kết quả.

B. Quan hệ tương phản

C. Quan hệ tăng tiến

D. Quan hệ điều kiện – kết quả

Lời giải chi tiết:

- Hai vế của câu ghép được nối với nhau bằng quan hệ từ “nhưng” diễn tả quan hệ tương phản, đối lập.

- Nội dung của hai vế cũng có quan hệ đối lập: mặt trời chưa xuất hiện mà ánh sáng đã lan khắp không gian.

Chọn B.

Câu 6. Dòng nào nêu đúng tác dụng của dấu hai chấm (:) trong câu sau?

“- Hai người nói đều có lí nên ta xử thế này: tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa.”

A. Đánh dấu nội dung giải thích cho phần đứng trước.

B. Đánh dấu chuỗi liệt kê.

C. Ngăn cách các vế trong câu ghép

D. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Dấu hai chấm trong câu văn có tác dụng đánh dấu nội dung giải thích cho phần đứng trước. Vế câu “tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa” giải thích rõ hơn cho cụm từ “xử thế này”.

Chọn A.

Câu 7. Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào chỗ trống trong đoạn thơ sau?

“Em yêu ...(1)..

Đồng bằng, rừng núi

Em yêu ... (2)...

Lúa đồng chín rộ.

Em yêu ...(3)...

Hoa cà, hoa sim

Em yêu ...(4)…

Áo mẹ sờn bạc.”

A. màu vàng – màu xanh – màu nâu – màu tím

B. màu nâu – màu vàng – màu xanh – màu tím

C. màu xanh – màu vàng – màu tím – màu nâu

D. màu tím – màu xanh – màu vàng – màu nâu

Lời giải chi tiết:

Đáp án C chứa các từ chính xác với văn bản bài thơ Sắc màu em yêu của Phạm Đình Ân. Hơn nữa, các từ chỉ màu sắc trong phương án này cũng phù hợp với đặc điểm của các sự vật trong thực tế cuộc sống: rừng núi màu xanh, lúa chín màu vàng, hoa sim màu tím, áo mẹ màu nâu.

Chọn C.

Câu 8. Cho câu văn: “Bên bờ nông giang vắt qua cánh đồng, giữa những tốp trẻ con, bay lên những ngọn khói xanh lơ.”

Chủ ngữ của câu văn trên là:

A. “bên bờ nông giang”.

C. “cánh đồng”.

B. “những ngọn khói xanh lơ”.

D. “những tốp trẻ con”.

Lời giải chi tiết:

Đây là câu có cấu trúc đảo ngữ, chủ ngữ của câu là “những ngọn khói xanh lơ” được đảo xuống đứng sau vị ngữ là “bay lên”.

PHẦN II. TỰ LUẬN (6,0 điểm)

Bài 1. (1,0 điểm)

a. (0,5 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.

- Xác định thành phần câu:

Đó // là một chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương bằng vàng và một                   

 CN                                                    VN

nàng công chúa mặt trắng, ngồi trong mái lầu son” .

- Đây là câu đơn (vì chỉ gồm một cụm chủ – vị làm nòng cốt câu).

b. (0,5 điểm)

Học sinh đặt câu đảm bảo hai yêu cầu của đề bài.

Gợi ý:

- Trên đường, tấp nập người xe.

- Trong lòng tôi, xôn xao một niềm vui khó tả.

Bài 2. (2,0 điểm)

a. (1,0 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.

- Ánh nắng được miêu tả theo trình tự không gian và thời gian, có sự dịch chuyển từ xa tới gần.

- Chi tiết thể hiện: nắng lên tới bờ cát, lướt qua thân tre, sáng loà cửa biển, ngập tràn xóm lưới, nhuộm vàng những vạt lưới, chiếu đẫm người Sứ, chiếu vào mắt, vào tóc, trên vai Sứ.

b. (1,0 điểm)

Học sinh nêu cảm nhận của mình về nội dung của đoạn văn, nhưng cần đảm bảo các ý lớn sau:

- Vẻ đẹp của làng chài ven biển: bình dị,  đơn sơ, thân thuộc với những hàng tre, với làn khói bay lên từ những mái nhà chen chúc, vạt lưới phơi dưới nắng. Tất cả rực lên dưới ánh nắng, dưới cái nhìn đầy trìu mến yêu thương của Sứ, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của chị.

- Vẻ đẹp của chị Sứ: đôi mắt sáng, mái tóc mượt mà đầy sức sống, bờ vai tròn trịa duyên dáng. Tất cả gợi lên vẻ đẹp nhỏ nhắn mà trẻ trung, tràn đầy sức sống.

Bài 3. (3,0 điểm)

a. (1,0 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.

- Cặp từ trái nghĩa: “dẻo thơm” – “đắng cay”.

- Cặp từ trái nghĩa thể hiện sự trân quý đối với mỗi hạt gạo dẻo thơm, là thành quả nhọc nhằn của người nông dân phải đánh đổi bằng bao cay đắng, nhọc nhằn.

b. (2,0 điểm)

Đoạn văn nêu cảm nhận của học sinh về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Yêu cầu về hình thức (0,5 điểm)

- Một đoạn văn hoàn chỉnh (không xuống dòng), dung lượng khoảng 7 câu.

- Diễn đạt ngắn gọn, chặt chẽ, logic.

- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

2. Yêu cầu về nội dung (1,5 điểm)

- Khẳng định lao động có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống mỗi người.

- Nêu rõ những lợi ích của lao động: làm ra của cải vật chất nuôi sống con người, giúp ta có cuộc sống ấm no, đủ đầy; giúp mỗi người phát triển hoàn thiện bản thân và sức khoẻ, trí tuệ, tâm hồn ...

- Lời kêu gọi hãy chăm chỉ, say mê lao động.