Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam năm 2018

Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy? Từ nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?


Đề bài

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

TRƯỜNG CHUYÊN HÀ NỘI AMSTERDAM

Thời gian làm bài: 45 phút

Phần I. Trắc nghiệm (4,0 điểm)

Khoanh vào một chữ cái (A, B, C hoặc D) đứng trước đáp án đúng ở mỗi câu dưới đây:

Câu 1. Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Lạ lẫm, lạnh lùng, lần lượt, lanh lảnh, lú lẫn

B. Héo hắt, hì hục, hả hê, ham hố, hòa hoãn

C. Mênh mông, mê man, mong muốn, mịn màng, méo mó

D. Nhí nhảnh, nhẹ nhõm, nhốn nháo, nhạt nhẽo, nhấm nháp

Câu 2. Từ nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Vi vu

B. Vo ve

C. Vòng vèo

D. Vi vút

Câu 3. Trong hai câu văn: “Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm mọi người sửng sốt, thậm chí còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời”, cụm từ “phát hiện của nhà thiên văn học” được dùng để thay thế cho:

A. “trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời”

B. “trái đất mới là một hành tinh”

C. “cuốn sách”

D. “tà thuyết”

Câu 4. Có mấy quan hệ từ trong các câu sau: “Cành cây mập mạp, nằm ngang, vươn tỏa như những gọng ô. Trên cái gọng ô xòe tròn một chiếc ô xanh ngút ngát. Lá trám đen chỉ to bằng bàn tay đứa trẻ lên ba, nhưng dài chừng một gang”?

A. Ba                    B. Bốn                  C. Năm                 D. Sáu

Câu 5. Dòng nào sau đây chứa các từ đồng nghĩa hoàn toàn?

A. Cầm, nắm, giữ

B. Tàu hỏa, xe lửa, hỏa xa

C. Tử vong, qua đời, hi sinh

D. Nhìn, xem, ngắm

Câu 6. Chủ ngữ của câu: “Và khi dãy đèn bên đường bắt đầu thắp lên những quả tròn màu tím nhạt, chuyển dần sang màu xanh lá cây và cuối cùng nở bung ra trong màu trắng soi rõ mặt người qua lại thì khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều cũng chấm dứt” là:

A. “dãy đèn bên đường”

B. “những quả tròn màu tím nhạt”

C. “khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều”

D. “mặt người qua lại”

Câu 7. Dấu phẩy trong câu: “Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra, và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy trên cỏ, trườn theo những thân cành” dùng để làm gì?

A. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ - vị ngữ và ngăn cách các vế trong câu ghép

B. Ngăn cách các đối tượng trong dãy liệt kê và ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

C. Ngăn cách các vế trong câu ghép và ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

D. Ngăn cách trạng ngữ với chủ  ngữ - vị ngữ và ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

Câu 8. Trong bài thơ Về ngôi nhà đang xây (Đồng Xuân Lan), câu thơ nào không sử dụng biện pháp tu từ so sánh?

A. “Giàn giáo tựa cái lồng chê chở”

B. “Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc”

C. “Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong”

D. “Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây”

Phần II. Tự luận (6,0 điểm)

Trình bày nội dung trả lời vào phần để trống ở mỗi câu dưới đây:

Đọc và trả lời các câu hỏi dưới đây:

Bài 1. (1,0 điểm)

a. Gạch một gạch dưới bộ phận chủ ngữ, hai gạch dưới bộ phận vị ngữ của câu văn sau: “Em cứ nghĩ những búp măng ấy chính là những đứa con thân yêu của tre năm năm tháng tháng được mẹ chăm chút, ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành trong bóng mát yêu thương.”

Xét về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu văn trên thuộc kiểu câu gì?

b. Đặt một câu nghi vấn với mục đích đưa ra lời yêu cầu, đề nghị

Bài 2. (2,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Sau này làm công tác Đội ở một phường, có lần tôi phải vận động Lái, một câu bé lang thang, đi học. Tôi đã theo Lái trên khắp các đường phố. Một lần, tôi bắt gặp cậu ngẩn ngơ nhìn theo đôi giày ba ta màu xanh của một cậu bé đang dạo chơi. Tôi quyết định chọn đôi giày ba ta màu xanh để thưởng cho Lái trong buổi đầu cậu đến lớp. Hôm nhận giày, tay Lái run run, môi cậu mấp máy, mắt hết nhìn đôi giày, lại nhìn xuống đôi bàn chân mình đang ngọ nguậy dưới đất. Lúc ra khỏi lớp, Lái cột hai chiếc giày vào nhau, đeo vào cổ, nhảy tưng tưng.”

(Trích Đôi giày ba ta màu xanh, Hàng Chức Nguyên,

Tiếng Việt 4, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a. Chi tiết nào thể hiện sự quan tâm của nhân vật “tôi” dành cho Lái – một cậu bé lang thang?

b. Tại sao khi được tặng giày, nhân vật Lái không xỏ vào chân đi mà “cột hai chiếc giày vào nhau, đeo vào cổ, nhảy tưng tưng”?

c. Câu chuyện trên khiến ta liên tưởng đến một câu nói của nhà văn Mĩ Hellen Keller: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho dến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Từ đó, em rút ra bài học gì cho mình?

Bài 3. (3,0 điểm) Bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật có đoạn:

“Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu

Trỏ lối sang mùa hè,

Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu

Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,

Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu

Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…

Mạch đất ta dồi dào sức sống

Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương.”

a. Trong câu thơ: “Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu/Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng”, có hai từ “chạm”. Em hãy giải nghĩa từng từ “chạm” đó và cho biết đó là hiện tượng từ nhiều nghĩa hay từ đồng âm?

b. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 7 câu) nêu cảm nhận của em về những dòng thơ trên.

----------- Hết ------------


Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Phần I. Trắc nghiệm (4,0 điểm)

Câu 1. D

Câu 2. C

Câu 3. A

Câu 4. B

Câu 5. B

Câu 6. C

Câu 7. D

Câu 8. B

Câu 1. Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Lạ lẫm, lạnh lùng, lần lượt, lanh lảnh, lú lẫn

B. Héo hắt, hì hục, hả hê, ham hố, hòa hoãn

C. Mênh mông, mê man, mong muốn, mịn màng, méo mó

D. Nhí nhảnh, nhẹ nhõm, nhốn nháo, nhạt nhẽo, nhấm nháp

Lời giải chi tiết:

A. lần lượt, lú lẫn là từ ghép

B. hòa hoãn là từ ghép

C. mong muốn là từ ghép

Chọn D.

Câu 2. Từ nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Vi vu

B. Vo ve

C. Vòng vèo

D. Vi vút

Lời giải chi tiết:

Các từ vi vu, vo ve, vi vút đều là từ láy tượng thanh

Từ vòng vèo là từ láy tượng hình

Chọn C.

Câu 3. Trong hai câu văn: “Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm mọi người sửng sốt, thậm chí còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời”, cụm từ “phát hiện của nhà thiên văn học” được dùng để thay thế cho:

A. “trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời”

B. “trái đất mới là một hành tinh”

C. “cuốn sách”

D. “tà thuyết”

Lời giải chi tiết:

Cụm từ “phát hiện của nhà thiên văn học” được dùng để thay thế cho phát hiện vĩ đại của Cô-péc-ních về việc “trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời”

Chọn A.

Câu 4. Có mấy quan hệ từ trong các câu sau: “Cành cây mập mạp, nằm ngang, vươn tỏa như những gọng ô. Trên cái gọng ô xòe tròn một chiếc ô xanh ngút ngát. Lá trám đen chỉ to bằng bàn tay đứa trẻ lên ba, nhưng dài chừng một gang”?

A. Ba                    B. Bốn                  C. Năm                 D. Sáu

Lời giải chi tiết:

Các quan hệ từ có trong đoạn văn là: như, trên, bằng, nhưng

Chọn B.

Câu 5. Dòng nào sau đây chứa các từ đồng nghĩa hoàn toàn?

A. Cầm, nắm, giữ

B. Tàu hỏa, xe lửa, hỏa xa

C. Tử vong, qua đời, hi sinh

D. Nhìn, xem, ngắm

Lời giải chi tiết:

A. Các từ cầm, nắm, giữ diễn tả những hoạt động của tay để cố định đồ vật nhưng vẫn có những nét nghĩa khác nhau về cách thức thực hiện hoạt động

B. Các từ tàu hỏa, xe lửa, hỏa xa có thể thay thế cho nhau trong các ngữ cảnh khác nhau

C. Các từ tử vong, qua đời, hi sinh có nét nghĩa khác nhau ở thái độ, cách đánh giá đối với cái chết

D. Các từ nhìn, xem, ngắm có sự khác nhau trong cách thức thực hiện hành động

Chọn B.

Câu 6. Chủ ngữ của câu: “Và khi dãy đèn bên đường bắt đầu thắp lên những quả tròn màu tím nhạt, chuyển dần sang màu xanh lá cây và cuối cùng nở bung ra trong màu trắng soi rõ mặt người qua lại thì khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều cũng chấm dứt” là:

A. “dãy đèn bên đường”

B. “những quả tròn màu tím nhạt”

C. “khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều”

D. “mặt người qua lại”

Lời giải chi tiết:

Và khi dãy đèn bên đường bắt đầu thắp lên những quả tròn màu tím nhạt, chuyển

dần sang màu xanh lá cây và cuối cùng nở bung ra trong màu trắng soi rõ mặt

TN

người qua lại (thì) khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều // cũng chấm dứt.

                                                CN                                           VN

Chọn C.

Câu 7. Dấu phẩy trong câu: “Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra, và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy trên cỏ, trườn theo những thân cành” dùng để làm gì?

A. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ - vị ngữ và ngăn cách các vế trong câu ghép

B. Ngăn cách các đối tượng trong dãy liệt kê và ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

C. Ngăn cách các vế trong câu ghép và ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

D. Ngăn cách trạng ngữ với chủ  ngữ - vị ngữ và ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

Lời giải chi tiết:

- Dấu phẩy thứ nhất có tác dụng ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ - vị ngữ của câu

- Các dấu phẩy còn lại dùng để ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ là vị ngữ trong câu

Chọn D.

Câu 8. Trong bài thơ Về ngôi nhà đang xây (Đồng Xuân Lan), câu thơ nào không sử dụng biện pháp tu từ so sánh?

A. “Giàn giáo tựa cái lồng chê chở”

B. “Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc”

C. “Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong”

D. “Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây”

Lời giải chi tiết:

- Các câu A, C, D đều có hình ảnh so sánh với các từ so sánh là: tựa, giống, như

- Câu B không có hình ảnh so sánh. Từ tựa trong câu B là động tư, có nghĩa là dựa vào.

Chọn B.

Phần II. Tự luận (6,0 điểm)

Bài 1. (1,0 điểm)

a. Gạch một gạch dưới bộ phận chủ ngữ, hai gạch dưới bộ phận vị ngữ của câu văn sau:

Em // cứ nghĩ những búp măng ấy chính là những đứa con thân yêu của tre năm năm tháng tháng được mẹ chăm chút, ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành trong bóng mát yêu thương.

- Xét về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu văn trên thuộc kiểu câu đơn

b. Đặt một câu nghi vấn với mục đích đưa ra lời yêu cầu, đề nghị

- Cậu có thể cho tớ mượn bút được không?

Bài 2. (2,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

a. Các chi tiết thể hiện sự quan tâm của nhân vật “tôi” dành cho Lái là:

- Đi theo Lái khắp các đường phố

- Mua đôi giày ba ta màu xanh để thưởng cho Lái vào ngày đầu tiên Lái đến lớp học.

b. Lái không xỏ vào chân mà buộc 2 chiếc lại, đeo vào cổ là vì cậu vô cùng vui sướng khi được tặng món quà quý giá mà bản thân đã ước mơ bấy lâu.

c. Gợi ý:

- Phải biết trân trọng những gì mà chúng ta đang có bởi đó là nỗ lực, là tình yêu thương của cha mẹ, của thầy cô, những người xung quanh.

- Cuộc sống còn rất nhiều người bất hạnh, cần biết mở lòng yêu thương và giúp đỡ cho những người không may mắn ấy.

Bài 3. (3,0 điểm) Bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật có đoạn:

“Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu

Trỏ lối sang mùa hè,

Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu

Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,

Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu

Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…

Mạch đất ta dồi dào sức sống

Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương.”

a. Giải nghĩa từ:

- Từ “chạm” thứ nhất: đụng nhẹ vào

- Từ “chạm” thứ hai: tiếp xúc với, cảm nhận được

=> Đây là hiện tượng từ nhiều nghĩa, vì các nghĩa ấy có mối liên hệ với nhau (đều chỉ sự tiếp xúc một cách nhẹ nhàng)

b. Các yêu cầu cần đảm bảo:

* Về hình thức:

- Một đoạn văn hoàn chỉnh (không xuống dòng), dung lượng khoảng 7 câu

- Diễn đạt ngắn gọn, chặt chẽ, logic

- Không sai chính tả, không mắc các lỗi dùng từ, đặt câu

* Về nội dung:

- Đoạn thơ tái hiện những hình ảnh bình dị mà sống động về những loại cây trái quê hương qua biện pháp nhân hóa và so sánh. Ta thấy một bức tranh lung linh sắc màu, ánh sáng, ấm áp và tràn đầy sức sống của làng quê.

- Từ những hình ảnh cụ thể, nhà thơ đã phát hiện ra sức sống mạnh mẽ, dạt dào của đất đai quê mình. Đồng thời, tác giả ca ngợi những điều nhỏ bé, bình dị cũng đã góp phần làm đẹp thêm cho quê hương, đất nước, làm đẹp cho cuộc đời.

- Đoạn thơ vừa thể hiện sự quan sát tinh tế lại vừa thể hiện những phát hiện mới mẻ, sâu xa của nhà thơ, phải có tâm hồn nghệ sĩ và lòng yêu quê hương sâu đậm mới có thể viết được những vần thơ hay, dạt dào cảm xúc như vậy.