Đề thi học kì 2 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi: Các dấu câu đã tề tựu đông đủ, buổi hội thảo bắt đầu. Dấy phẩy, hùng hồn:


Đề thi

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Các dấu câu đã tề tựu đông đủ, buổi hội thảo bắt đầu. Dấy phẩy, hùng hồn:

- Các bạn ạ! Trong các dấu câu, tôi có vai trò quan trọng nhất đất! Khi tôi xuất hiện, những vấn đề phong phú cũng xuất hiện theo. Nếu vắng bóng tôi, tất cả lại trở nên vô cùng nghèo nàn. Khi đó ý nghĩ của con người cũng rất nghèo nàn, đơn giản.

Dấu hai chấm vội vàng lên tiếng:

- Anh quên là còn có tôi hay sao? Khi có tôi, mọi vấn đề được liệt kê cụ thể, tất cả được giải thích hết sức rõ ràng. Tôi thật có ý nghĩa biết bao!

- Ô hay! Các anh nói gì lạ vậy? – Dấu chấm hỏi giương đôi mắt trong xoe.

- Không có tôi liệu có các hỏi: “Tại sao?”, “Vì sao thế?”, “Sao không thế này mà lại thế kia?” … Nhờ có tôi mà con người mới quan tâm đến mọi vấn đề, có khả năng học hỏi và tìm hiểu các sự kiện xung quanh. Tôi mưới là quan trọng nhất.

- Sai bét! Sai bét! – Dấu chấm than giận dữ quát to.

- Ta mới thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời này. Nhờ có ta mà con người mới bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của mình: mừng rỡ, vui sướng hay phẫn nộ, buồn đau. Ta nêu ra các yêu cầu, mệnh lệnh để mọi người thực hiện.

Cả phòng im lặng suy nghĩ: Ừ! Có lẽ đúng như vậy thật!

Lúc này dấu chấm mới lên tiếng:

- Các anh ơi! Cuộc sống này cần đến tất cả các dấu câu chúng ta. Mỗi chúng ta đều góp phần làm cho cuộc sống sinh động hơn và ý nghĩa hơn. Ví như tôi ghi dấu chấm hết ngay từ đầu, thì liệu còn gì để nghĩ, để nói, để bàn bạc nữa.

Các dấu câu gật gù tán thưởng. Dấu chấm lại rành rẽ:

- Con người mới là quan trọng nhất, họ sử dụng dấu câu như thế nào cho đúng, họ sống như thế nào cho có ý nghĩa mới là điều đáng nói. Chúng ta hãy mong tất cả mọi người – đặc biệt là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước – hãy dùng chính xác các dấu câu, hãy là con người có ý thức nhất trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

(Nguồn trích dẫn Sống đẹp tập II)

Câu 1. Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?

A. Văn bản tự sự

B. Văn bản miêu tả

C. Văn bản nghị luận

D. Văn bản thông tin

Câu 2. Văn bản được kể theo ngôi kể thứ mấy?

Câu 3. Liệt kê các nhân vật trong văn bản được nhắc tới.

Câu 4. Dấu ngoặc kép được dùng trong văn bản trên có tác dụng gì?

A. Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp

B. Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai

C. Đánh dấu tên các tác phẩm, tờ báo, tập san… dẫn trong câu văn

D. Cả ba đáp án A, B, C đều đúng

Câu 5. Nêu tóm tắt vai trò của mỗi nhân vật (dấu câu)

Câu 6. Em đồng ý với quan điểm của nhân vật nào? Vì sao?

Câu 7. Nếu được làm một trong các nhân vật trên, em sẽ chọn nhân vật nào? Giải thích lí do em lựa chọn.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Con người mới là quan trọng nhất, họ sử dụng dấu câu như thế nào cho đúng, họ sống như thế nào cho có ý nghĩa mới là điều đáng nói. Chúng ta hãy mong tất cả mọi người – đặc biệt là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước – hãy dùng chính xác các dấu câu, hãy là con người có ý thức nhất trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Đây là lời của dấu chấm. Vậy, em cần phải làm gì để thực hiện được mong ước của dấu chấm? Viết đoạn văn (150 chữ) chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Câu 2. Sau cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những ngày tháng phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng cũng hết sức thú vị. Tuy vậy, bài học đường đời đầu tiên sau sự việc xảy ra với Dế Choắt vẫn ám ảnh Dế Mèn. Em hãy đóng vai nhân vật Dế Mèn, tưởng tượng và kể lại cuộc nói chuyện của Dế Mèn với Dế Choắt nhân một ngày Dế Mèn về thăm mộ Dế Choắt.


Đáp án

Phần I:

Câu 1 (0.25 điểm):

Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?

A. Văn bản tự sự

B. Văn bản miêu tả

C. Văn bản nghị luận

D. Văn bản thông tin

Phương pháp giải:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản tự sự

=> Đáp án: A

Câu 2 (0.25 điểm):

Văn bản được kể theo ngôi kể thứ mấy?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích, chú ý lời kể của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Văn bản được kể theo ngôi kể thứ ba

Câu 3 (0.25 điểm):

Liệt kê các nhân vật trong văn bản được nhắc tới.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích và xác định các nhân vật xuất hiện

Lời giải chi tiết:

Các nhân vật trong văn bản được nhắc tới: dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu chấm

Câu 4 (0.25 điểm):

Dấu ngoặc kép được dùng trong văn bản trên có tác dụng gì?

A. Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp

B. Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai

C. Đánh dấu tên các tác phẩm, tờ báo, tập san… dẫn trong câu văn

D. Cả ba đáp án A, B, C đều đúng

Phương pháp giải:

Nhớ lại chức năng của dấu ngoặc kép

Lời giải chi tiết:

Dấu ngoặc kép được dùng trong văn bản trên có tác dụng: Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp

=> Đáp án: A

Câu 5 (0.5 điểm):

Nêu tóm tắt vai trò của mỗi nhân vật (dấu câu)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích để xác định được vai trò của mỗi nhân vật

Lời giải chi tiết:

Vai trò của mỗi nhân vật:

- Dấu phẩy: làm những vấn đề phong phú thêm

- Dấu hai chấm: mọi vấn đề được liệt kê cụ thể, tất cả được giải thích hết sức rõ ràng

- Dấu chấm hỏi: con người mới quan tâm đến mọi vấn đề, có khả năng học hỏi và tìm hiểu các sự kiện xung quanh

- Dấu chấm than: con người mới bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của mình: mừng rỡ, vui sướng hay phẫn nộ, buồn đau. Ta nêu ra các yêu cầu, mệnh lệnh để mọi người thực hiện

- Dấu chấm: ghi dấu chấm hết ngay từ đầu, thì liệu còn gì để nghĩ, để nói, để bàn bạc nữa

Câu 6 (0.5 điểm):

Em đồng ý với quan điểm của nhân vật nào? Vì sao?

Phương pháp giải:

Tự chia sẻ suy nghĩ của mình theo hướng tích cực

Lời giải chi tiết:

Em đồng ý với quan điểm của dấu chấm vì: Cuộc sống này cần đến tất cả các dấu câu. Mỗi dấu câu đều góp phần làm cho cuộc sống sinh động hơn và ý nghĩa hơn

Câu 7 (1.0 điểm):

Nếu được làm một trong các nhân vật trên, em sẽ chọn nhân vật nào? Giải thích lí do em lựa chọn.

Phương pháp giải:

Tự chia sẻ suy nghĩ của mình theo hướng tích cực

Lời giải chi tiết:

Nếu được chọn làm một dấu câu em sẽ chọn mình làm dấu cảm thán vì như vậy sẽ giúp được con người bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của mình: mừng rỡ, vui sướng hay phẫn nộ, buồn đau. Đồng thời nêu ra các yêu cầu, mệnh lệnh để mọi người thực hiện.

Phần II (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Con người mới là quan trọng nhất, họ sử dụng dấu câu như thế nào cho đúng, họ sống như thế nào cho có ý nghĩa mới là điều đáng nói. Chúng ta hãy mong tất cả mọi người – đặc biệt là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước – hãy dùng chính xác các dấu câu, hãy là con người có ý thức nhất trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Đây là lời của dấu chấm. Vậy, em cần phải làm gì để thực hiện được mong ước của dấu chấm? Viết đoạn văn (150 chữ) chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Phương pháp giải:

1. Mở đoạn: dẫn dắt vấn đề

2. Thân đoạn: bàn luận vấn đề

3. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn: dẫn dắt vấn đề

Cuộc hội thảo của các dấu câu để lại cho chúng ta nhiều bài học cuộc sống có giá trị

2. Thân đoạn: bàn luận vấn đề

- Các dấu câu đều rất quan trọng, tuy nhiên nó chỉ là hình thức. Điều cần thiết trong cuộc sống này là: Con người mới là quan trọng nhất, họ sử dụng dấu câu như thế nào cho đúng, học sống như thế nào cho có ý nghĩa mới là điều đáng nói.

- Cuộc sống này cần đến tất cả các dấu câu. Cũng như mỗi chúng ta đều góp phần làm cho cuộc sống sinh động hơn và ý nghĩa hơn

- Hãy sử dụng các dấu câu cho chuẩn xác trong văn nói và văn viết thì mới đem lại hiệu quả cao trong cách diễn đạt

- Bài học ẩn dụ: hãy phát huy những tiềm năng của mình để tô điểm vào bức tranh cuộc sống muôn màu bằng những gam màu đặc sắc nhất

3. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề

Qua đây, thầm cảm ơn các dấu câu đã nói hộ được tấm lòng của con người. Tự hứa sẽ học tập thật tốt để sử dụng dấu câu trong văn bản cũng như trong cuộc sống được chuẩn xác.

Câu 2 (5 điểm):

Sau cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những ngày tháng phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng cũng hết sức thú vị. Tuy vậy, bài học đường đời đầu tiên sau sự việc xảy ra với Dế Choắt vẫn ám ảnh Dế Mèn. Em hãy đóng vai nhân vật Dế Mèn, tưởng tượng và kể lại cuộc nói chuyện của Dế Mèn với Dế Choắt nhân một ngày Dế Mèn về thăm mộ Dế Choắt.

Phương pháp giải:

1. Mở bài: giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện

2. Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện

3. Kết bài: Kết thúc và nhận xét câu chuyện

Lời giải chi tiết:

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: thời gian, khung cảnh, các nhân vật tham gia

Sau khi chôn cất Dế Choắt, tôi đứng lặng hồi lâu trước nấm mộ mới đắp của người bạn xấu số; suy nghĩ về việc làm dại dột, ngông cuồng của mình và cảm thấy hổ hẹn, ân hận vô cùng.

2. Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện

- Dế Mèn nhớ lại ngày xưa

+ Biết mình có ưu thế về sức khỏe nên tôi thích bắt nạt những người hàng xóm nhỏ bé xung quanh

+ Tôi đã quát những chị Cào Cào ngụ ngoài dầu bờ ao.

+ Thỉnh thoảng tôi còn ngứa chân đá anh Gọng Vó vừa ngơ ngác dưới đầm lên

+ Không có ai dạy dỗ, ngăn cản, tôi cứ tưởng thế là hay, là giỏi

- Dế Mèn tự ăn năn hối hận

+ Chuyện bắt nạt mọi người là đáng trách, song cũng còn có thể tha thứ được; nhưng việc tôi bày trò tinh nghịch trêu chọc chị Cốc khiến Dế Choắt bị hiểu lầm dẫn đến cái chết thì quả là tội của tôi quá lớn, không thể tha thứ được.

+ Tôi tự nguyền rủa mình là thằng hèn nhát, xấu xa.

+ Nếu tôi không hát ghẹo chị Cốc bằng những lời lẽ hỗn xược thì chị đâu có nổi giận, Dế Choắt đâu có bị đòn oan

+ Lúc này tôi tự trách mình và ân hận vô cùng nhưng mọi việc đều đã muộn. Dế Choắt ốm yếu và đáng thương đã nằm yên trong lòng đất

+ Tôi thành tâm xin lỗi Dế Choắt và hứa sẽ quyết tâm thay đổi tính nết, từ bỏ thói hung hăng, ngỗ nghịch, kiêu ngạo để trở thành người có ích cho đời

+ Tôi sẽ khắc ghi câu chuyện đau lòng này và lấy đó làm bài học đường đời đầu tiên thấm thía

3. Kết bài: Kết thúc và nhận xét câu chuyện

- Khuyên mọi người đừng có thói hung hăng, hống hách sớm muộn sẽ mang vạ vào thân

- Bài học về sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống