Đề số 4 - Đề kiểm tra học kì 2 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 4 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 10


Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4:

         Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)

Câu 2. Đoạn văn đề cập đến nội dung gì? (1,0 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: "Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước." (1,0 điểm)

Câu 4. Đoạn văn gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? (Viết một đoạn văn từ 8 đến 10 dòng). (1,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)

Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:

Chiếc vành với bức tờ mây, Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề, Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ Văn 10, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

Lời giải chi tiết

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 

2. Nội dung đoạn văn:

+ Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

+ Chính tinh thần yêu nước đã giúp nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù.

(Học sinh có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục).

3. Học sinh trả lời trong các biện pháp tu từ sau:

+ Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ẩn dụ; Điệp từ; Liệt kê; Lặp cấu trúc;

+ Tác dụng:

- Khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước.

- Tạo nhịp điệu sôi nổi, mạnh mẽ cho câu văn.

-  Thể hiện niềm tự hào của Hồ Chí Minh về truyền thống quý báu của dân tộc ta.

4. Có thể diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Học sinh hướng vào những nội dung sau:

+ Phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta.

+ Cần học tập và rèn luyện để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.

+ Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực xâm lăng.

II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)

Học sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung sau.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. 

+ Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

+ Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Tâm trạng đau đớn, xót xa của Thúy Kiều khi rơi vào bi kịch tình yêu tan vỡ. 

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; Kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

+ Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích. 

+ Thân bài:

* Nêu hoàn cảnh, xuất xứ đoạn trích: 

- Tình yêu của Kim-Kiều đang mặn nồng thì gia đình Kiều gặp tai biến. Kiều quyết định bán mình chuộc cha.

- Đêm trước ngày đi theo Mã Giám Sinh, Kiều đã nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Sau lời trao duyên, Kiều trao kỉ vật tình yêu cho Thúy Vân.

* Kiều trao kỉ vật tình yêu: Những kỉ vật: Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn... những kỉ vật thiêng liêng gắn kết giữa Kim và Kiều khi xa nhau. 

* Tâm trạng của Kiều sau khi trao kỉ vật: Có sự giằng xé giữa từ bỏ và níu kéo càng làm rõ hơn nỗi đau khi mất tình yêu. 

* Sau khi trao kỉ vật tình yêu, Kiều tưởng tượng ra một tương lai xót xa: đó là cái chết, là một oan hồn, cầu xin người thân hãy hóa giải linh hồn đau khổ...

⟶ Tình yêu mãnh liệt, đắm say mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, khi tình yêu không còn thì cũng coi như mình đã chết. 

*   Nghệ thuật của đoạn trích: Phân tích tâm lý tinh tế, kết hợp giữa độc thoại và đối thoại → Làm nổi bật tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ và những phẩm chất đáng quý của Thúy Kiều trong tình yêu. Đoạn trích cũng cho thấy sức cảm thông lạ lùng của Nguyễn Du dành cho Thúy Kiều.

+ Kết bài: Đánh giá những thành công về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

d. Sáng tạo: Sử dụng ngôn ngữ theo cách thức riêng của bản thân để bàn luận vấn đề và thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ.