Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Lịch sử 6

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Lịch sử 6


Đề bài

Câu 1. Dưới ách đô hộ của nhà Đường, về mặt hành chính nước ta có thay đổi như thế nào?

Câu 2. Hãy nêu những biểu hiện cụ thể của những chuyển biến về kinh tế, văn hoá của nước ta trong thời Bắc thuộc?

Câu 3. Hơn 1000 năm đấu tranh giành lại độc lập, tổ tiên đã để lại cho chúng ta những gì?

Câu 4. Vì sao lại nói: trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta?

Lời giải chi tiết

Câu 1. Dưới ách đô hộ của nhà Đường, về mặt hành chính nước ta có thay đổi:

Về mặt hành chính, nhà Đường chia lại khu vực hành chính và đặt tên mới. Nhà Đường đổi Giao Châu thành Giao Châu đô hộ phủ, đến năm 679, đổi thành An Nam đô hộ phủ và chia thành 12 châu. Ngoài ra còn có Châu Ki mi ở miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ.

-  Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên đô hộ người Hán.

-  Đứng đầu châu là một viên Thứ sử người Hán.

- Dưới châu là huyện, dưới huyện là hương, xã. Các huyện lệnh do người Hán nắm, còn hương, xã do người Việt tự quản.

Nhà Đường siết chặt ách đô hộ rất tàn bạo nắm quyền cai trị trực tiếp tới cấp huyện để dễ bề kiểm soát, áp bức nhân dân ta.

Câu 2. Hãy nêu những biểu hiện cụ thể của những chuyển biến về kinh tế, văn hoá của nước ta trong thời Bắc thuộc?

-  Về kinh tế: Nghề rèn sắt vẫn phát triển. Trong nông nghiệp, nhân dân đã biết sử dụng sức kéo của trâu bò, biết làm thủy lợi, trồng lúa một năm hai vụ.

Các nghề thủ công cổ truyền vẫn được duy trì, phát triển: nghề gốm, dệt vải và giao lưu buôn bán.

- Về văn hoá: Chữ Hán và đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão được truyền vào nước ta. Bên cạnh đó, nhân dân ta vẫn sử dụng tiếng nói của tổ tiên và sống theo nếp riêng với những phong tục cổ truyền của dân tộc.

- Về xã hội: Xã hội phân hoá sâu sắc.

Câu 3. Hơn 1000 năm đấu tranh giành lại độc lập, tổ tiên đã để lại cho chúng ta:

-  Lòng yêu nước, những tấm gương của các anh hùng dân tộc.

- Tinh thần đấu tranh bền bỉ chống ngoại xâm của nhân dân ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

-  Ý thức vươn lên, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống lại chính sách đồng hoá của chính quyền đô hộ.

Câu 4. Vì sao lại nói: trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta ?

Trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta bởi vì: đây là lần thứ hai nhà Nam Hán đem quân sang xâm lược nước ta, mặc dù sau trận này, nhà Nam Hán còn tồn tại một thời gian nữa nhưng không dám đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ ba. Với chiến thắng này, nhân dân ta đã đập tan hoàn toàn mưu đồ xâm chiếm nước ta của bọn phong kiến phương Bắc, khẳng định nền độc lập của dân tộc, chiến thắng Bạch Đằng mở ra thời kì độc lập lâu dài của Tổ quốc.

Bài giải tiếp theo