Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Lịch sử 6

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Lịch sử 6


Đề bài

Câu 1. Trong các thế kỉ I - VI, chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nước ta có gì thay đổi?

Câu 2. Trình bày diễn biến trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938?

Câu 3. Theo em, sau hơn 1000 năm bị đô hộ, tổ tiên ta vẫn giữ được những phong tục, tập quán gì? Ý nghĩa của điều này.

Lời giải chi tiết

Câu 1. Trong các thế kỉ I - VI, chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nước ta có gì thay đổi?

Chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc rất nham hiểm và tàn bạo: chúng âm mưu thực hiện chính sách "đồng hoá" dân ta:

-  Thay đổi bộ máy cai trị đến chức huyện lệnh là của người Hán.

-  Bắt dân ta học chữ Hán, xoá bỏ phong tục tập quán của người Việt.

- Bắt dân ta phải cống nạp sản vật quý hiếm.

- Thực hiện chính sách cướp đoạt, bắt dân ta phải nộp đủ thứ thuế và làm các công việc lao dịch nặng nề.

- Chúng còn giữ độc quyền về sắt để kìm hãm sự sản xuất của nhân dân ta —> Những việc làm đó chứng tỏ chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc trong các thế kỉ I - VI rất nguy hiểm, tàn bạo.

Câu 2. Trình bày diễn biến trận chiến trên sông Bạch Đằng (năm 938)?

Diễn biến trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng:

+ Tháng 10 - 938, Ngô Quyền đem quân đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn cho người sang cầu cứu Nam Hán. Lợi dụng cơ hội đó, quân Nam Hán kéo vào xâm lược nước ta lần thứ hai.

+ Sau khi giết xong Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền ổn định tình hình đất nước, cùng quân dân chuẩn bị chống giặc. Ngô Quyền xây trận địa ở sông Bạch Đằng, bố trí quân mai phục.

Vào cuối năm 938, đoàn thuyền chiến Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy kéo vào vùng biển nước ta. Ngô Quyền cho một toán thuyền nhẹ ra đánh nhử quân Nam Hán vào sông Bạch Đằng lúc nước triều đang lên.

Lưu Hoằng Tháo hăm hở dốc quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc ngầm mà không biết.

Nước triều bắt đầu rút, Ngô Quyền hạ lệnh dốc toàn lực lượng đánh quật trở lại. Quân Nam Hán chống không nổi phải rút chạy ra biển.

Đúng lúc nước triều rút nhanh, bãi cọc dần dần nhô lên. Quân ta từ phía thượng lưu đánh mạnh xuống, quân mai phục hai bên bờ đánh tạt ngang. Quân Nam Hán rối loạn, thuyền xô vào bãi cọc nhọn. Quân ta, với thuyền nhỏ, đã nhẹ nhàng luồn lách, xông vào đánh giáp lá cà rất quyết liệt. Quân địch bỏ thuyền chạy xuống sông, phần bị giết, phần bị chết đuối, bị hại đến quá nửa. Hoằng Tháo cũng bị thiệt mạng trong đám loạn quân.

Vua Nam Hán, được tin bại trận trên sông Bạch Đằng, con trai là Hoằng Tháo bị chết, đã hốt hoảng, vội hạ lệnh thu quân về nước.

Trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.

Câu 3. Theo em, sau hơn 1000 năm bị đô hộ, tổ tiên ta vẫn giữ được những phong tục, tập quán gì? Ý nghĩa của điều này.

Sau hơn 1000 năm đô hộ:

- Tổ tiên ta vẫn giữ được tiếng nói và các phong tục, nếp sống với những đặc trưng riêng của dân tộc: xăm mình, nhuộm răng, ăn trầu, làm bánh giầy, bánh chưng.

Chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tiếng nói, phong tục, nếp sống của dân tộc không có gì có thể tiêu diệt được

Bài giải tiếp theo
Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Lịch sử 6