Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 9 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 9 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề bài

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“ Con gà cục tác lá chanh”

 

… Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao

 

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa”

( “Trong lời mẹ hát”- Trương Nam Hương)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ. ( 0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của các biện pháp tu từ trong khổ thơ thứ 2 (1,0 điểm)

Câu 4. Đoạn thơ nào gợi cho anh/ chị ấn tượng sâu sắc nhất? ( trình bày từ 5- 7 dòng) (1,0 điểm)

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung của phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng” trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu

Câu 1.

- Thể thơ 6 chữ

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 3:

- Nhân hóa: thời gian chạy qua tóc mẹ

- Tương phản: lưng mẹ còng xuống >< con thêm cao

- Tác dụng: Nhấn mạnh thời gian trôi qua nhanh kéo theo sự già nua của mẹ. Qua đó thể hiện tình yêu thương, biết ơn của con đối với mẹ.

Câu 4:

HS có thể chọn câu thơ hoặc đoạn thơ bất kì để cảm nhận: ấn tượng về lời ru của mẹ, về công lao của mẹ, về sự biết ơn đối với mẹ…

II. Làm văn

Câu 1:

- Giải thích: Tình mẫu tử là tình mẹ con, nhưng thường được hiểu là tình cảm thương yêu, đùm bọc, che chở… người mẹ dành cho con.

- Bàn luận:

+ Tình mẫu tử có vị trí đặc biệt, thiêng liêng nhất đối với mỗi con người.

+ Tình mẫu tử còn là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

+ Tình mẫu tử là sức mạnh giúp con người vượt lên những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống….

- Phê phán những hiện tượng trái đạo lí: những người mẹ vứt bỏ con mình, những người con bất hiếu, …

- Bài học nhận thức và hành động của bản thân.

Câu 2:

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích Chí khí anh hùng.

- Giới thiệu nhân vật Từ Hải

II. Thân bài

1. Từ Hải với những ý chí, khát vọng vùng vẫy giữa trời đất.

- “Trượng phu”: Cách gọi thể hiện sự trân trọng đối với những bậc anh hùng có tài năng, đức độ hơn người

- Hai không gian đối lập:

+ “Hương lửa đương nồng”: Mái ấm gia đình với tình yêu, hạnh phúc ngọt ngào

=> Không gian nhỏ hẹp, gắn với thói thường

+ “Bốn phương”, “trời bể mênh mang”: Không gian vũ trụ mênh mông, rộng lớn nâng tầm vóc người anh hùng lên tầm vũ trụ.

=> Thể hiện ước mơ, khát vọng lớn lao của người anh hùng.

=> Từ Hải quyết tâm từ bỏ không gian gia đình ấm êm để đến với không gian vũ trụ để vùng vẫy với những khát vọng.

- Tính từ “thoắt”: Sự mau lẹ, quyết đoán, tự tin không phân vân

=> Sự thức dậy của lí trí, khí phách anh hùng vượt lên những điều bình thường để làm những điều phi thường.

- Ánh mắt “trông vời” và tư thế “thẳng dong”: Khắc họa hình tượng người tráng sĩ với khát vọng vùng vẫy giữa trời cao

=> Người tráng sĩ lên đường với tư thế dứt khoát, mạnh mẽ đi liền một mạch không ngoảnh lại

2. Từ Hải với chí khí, hoài bão, lớn lao, phi thường.

- Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường”:

=> Thể hiện hoài bão phi thường của Từ Hải, muốn xây dựng cơ đồ của một bậc đế vương, chí khí xứng đáng tầm vóc của một bậc anh hùng.

- Hình ảnh “bốn bể không nhà” kết hợp với câu hỏi tu từ “theo càng thêm bận biết là đi đâu”

=> Cảm giác cô đơn thấp thoáng của bậc anh hùng khi thực hiện hoài bão. Nhưng càng cô đơn, quyết tâm càng lớn.

- Khoảng thời gian “một năm”: Thái độ tự tin, quyết tâm thực hiện lí tưởng anh hùng.

=> Với những hình ảnh ước lệ đã cho thấy chí khí hoài bão, khát vọng lớn lao phi thường của người anh hùng Từ Hải.

3. Từ Hải với tình yêu và khát vọng hạnh phúc phi thường.

- Trước lời nói của Kiều, Từ Hải đã trách móc nhẹ nhàng:

+ “Tâm phúc tương tri”: Là người tri kỉ, hiểu rõ lòng dạ của nhau.

=> Từ Hải lấy đạo tri kỉ ra để thuyết phục Kiều ở lại, với Từ Hải Kiều không phải người vợ, người tình mà là một người tri kỉ

+ “Nữ nhi thương tình”: Thói nữ nhi tầm thường

=>  Với Từ Hải, Kiều không phải cô gái tầm thường mà là người thông minh, sắc sảo, tinh tế.

=>  Lời trách móc của Từ Hải cho thấy tình yêu của chàng đối với Thúy Kiều không phải tình cảm tầm thường mà hết sức phi thường. Đó là mối tình tri kỉ, trân quý lẫn nhau.

- Khát vọng hạnh phúc phi thường của Từ Hải:

+ “Làm cho rõ mặt phi thường”: Thực hiện được hoài bão, lí tưởng anh hùng.

+ “Rước nàng nghi gia” Rước Thúy Kiều danh chính ngôn thuận về làm vợ, cho nàng một danh phận.

=> Từ Hải ra đi không chỉ hướng đến sự nghiệp của một bậc anh hùng mà còn hướng đến khát vọng hạnh phúc phi thường của “trai anh hùng với gái thuyền quyên”

4. Từ Hải - con người dứt khoát, tự tin, đầy bản lĩnh

- “Quyết lời”: Lời nói dứt khoát, quyết đoán

- “Dứt áo ra đi”: Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm, dứt khoát.

- “Gió mây bằng đã...đến kì dặm khơi”: Bút pháp lí tưởng hóa đã cực tả dáng vẻ tựa như cánh chim bằng cất mình bay thẳng vào muôn trùng dặm khơi của người anh hùng

=> Từ Hải là người có chí khí anh hùng, hoài bão lớn lao cùng bản lĩnh phi thường.

5. Ý nghĩa hình ảnh Từ Hải

- Thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của thời đại: chí khí, hoài bão lớn lao, khát vọng phi thường

- Là biểu tượng về khát vọng tự do và lẽ công bằng.

6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Bút pháp miêu tả, khắc họa nhân vật qua dáng vẻ, hành động, lời nói

- Ngôn ngữ đối thoại trực tiếp

- Hình ảnh ước lệ với các danh từ, động từ, tính từ giàu giá trị biểu đạt.

III. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề




Từ khóa phổ biến