Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 14 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 14 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
…ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?
(Mẹ – Đỗ Trung Quân)
Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/ Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Câu 3: Nhà thơ đã nhận ra được điều gì trong những câu thơ sau:
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
Câu 4: Tình cảm, suy tư nào của nhà thơ được bộc lộ trong đoạn thơ trên khiến anh , chị đồng cảm sâu sắc nhất?
Phần II: Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (2 điểm)
Từ lối sống vô tình, thản nhiên của người con với mẹ trong văn bản trên, anh, chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ mình về lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Câu 2: (5 điểm): Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ.
Lời giải chi tiết
Phần I: Đọc hiểu
Câu 1:
- Thể thơ tự do
Câu 2:
- Biện pháp nhân hóa: thời gian….chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua.
- Nêu tác dụng:
+ Thể hiện sự chảy trôi nhanh của thời gian
+ Làm nổi bật tâm trạng hốt hoảng của nhà thơ
Câu 3:
Điều nhà thơ nhận ra trong những câu thơ là: Khi ta thất bại, vấp ngã trên đường đời, trong khi nhiều người xung quanh thờ ơ, dửng dưng thì mẹ dẫu ở cách xa vẫn dõi theo lo lắng.
Câu 4:
- Nêu được một tình cảm suy tư của nhà thơ trong văn bản mà mình đồng cảm.
- Lí giải vì sao tình cảm suy tư đó lại khiến bản thân đồng cảm sâu sắc.
Phần II: Làm văn
Câu 1:
Gợi ý:
a. Giải thích
- Vô cảm là không có cảm giác, không có tình cảm, không xúc động trước một sự vật, hiện tượng, một vấn đề gì đó trong đời sống. Bệnh vô cảm là căn bệnh của những người không có tình yêu thương, sống dửng dưng trước nỗi đau của con người, nhân loại...
- Hiện tượng sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người thân, gia đình của thế hệ trẻ hiện nay là biểu hiện tiêu cực trong đời sống của giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Hiện tượng nà thu hút mối quan tân và gây ra nhiều bức xúc xã hội.
b. Bàn luận
- Thực trạng của lối sống thờ ơ: thể hiện ở lối sống ích kỉ, ham chơi, biết đòi hỏi, hưởng thụ không có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Thậm chí có học sinh nghĩ đến cái chết chỉ vì ba mẹ không đáp ứng các yêu cầu của mình...
- Con người trở thành ích kỉ, vô trách nhiệm, vô lương tâm, chỉ biết sống cho mình, không quan tâm đến người thân và những người xung quanh.
- Không biết cảm thông, chia sẻ, yêu thương với những cảnh ngộ bất hạnh trong cuộc đời
c. Bài viết nhận thức và hành động
- Cần xác định lí tưởng sống, mục đích sống đúng đắn, sống tử tế với người thân và mọi người xung quanh.
- Mọi suy nghĩ, hành động và lời nói của mình đều phải xuất phát từ lòng nhân ái.
Câu 2:
I. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”.
- Giới thiệu về nhân vật Ngô Tử Văn
II. Thân bài
* Lai lịch và tính cách.
- Lai lịch: Tên Soạn người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.
- Tính cách: Khảng khái, cương trực nóng nảy thấy sự gian tà thì không chịu được
- Danh tiếng: Nổi tiếng đến mức vùng Bắc vẫn khen là một người cương trực.
=> Bằng cách giới thiệu trực tiếp, Nguyễn Dữ đã tạo cho nhân vật yếu tố chính xác, qua đó giúp người đọc tin tưởng vào sự có thật của nhân vật này.
=> Lời giới thiệu mang giọng điệu khen ngợi, hướng người đọc vào những hành động chính nghĩa của nhân vật.
* Ngô Tử Văn là người cương trực, chính nghĩa
- Ngô Tử Văn là người rất khảng khái, “thấy sự tà gian thì không thể chịu được” nên đã đốt đền, trừ hại cho dân.
- Sẵn sàng nhận chức phán sự đền Tản Viên để thực hiện công lí.
* Ngô Tử Văn là người dũng cảm, kiên cường
- Không run sợ trước lời đe dọa của hồn ma tên tướng giặc, chàng vạch trần tên hung thần
- Cãi lại quỷ và tên hung thần họ Thôi, dùng lời lẽ cứng cỏi, không chịu nhún nhường để tâu trình Diêm Vương
* Giàu tinh thần dân dộc: Đấu tranh đến cùng để diệt trừ hồn ma tên tướng giặc, làm sáng tỏ nỗi oan và phục hồi danh vị cho thổ thần nước Việt.
=> Chiến thắng của Ngô Tử Văn – một kẽ sĩ nước Việt – là sự khẳng định chân lí, chính sẽ thắng tà và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, quyết tâm đến cùng để bảo vệ công lí và chính nghĩa.
=> Lời bình cuối truyện đề cao bản lĩnh của kẽ sĩ.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật
- Xây dựng cốt truyện hấp dẫn với những xung đột kịch tính
- Xây dựng nhân vật thông qua thông qua hành động, lời nói để xây dựng tính cách
- Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: Đối lập tương phản, liệt kê,..
- Sử dụng các chi tiết kì ảo
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 14 có lời giải chi tiết timdapan.com"