Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 11 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 11 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện - ác, chân - giả, chính - tà, đúng - sai..., biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.

Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là “nhỏ bé” trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn “nhỏ bé”. Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!.” 

(Để chạm vào hạnh phúc- Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012 )

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? ( 0.5 điểm)

Câu 2: Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0.5 điểm)

Câu 3: Theo tác giả, để có năng lực tạo ra hạnh phúc con người cần có những năng lực gì? Anh chị có đồng ý với quan điểm đó không, vì sao? (1.0 điểm)

Câu 4: Viết một đoạn văn ngắn (10-12 câu) nêu suy nghĩ của mình về ý kiến: “khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. (2.0 điểm)

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Nhận xét về nhân vật Ngô Tử Văn trong tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kì mạn lục – Nguyễn Dữ), Lã Nhâm Thìn khẳng định: “Đây là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.”

 (Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2009)

Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt nghị luận

Câu 3:

- Theo tác giả để có năng lực tạo ra hạnh phúc con người cần có 3 năng lực: năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

-  Hs có thể tán thành hoặc không miễn là có lí lẽ phù hợp.

Gợi ý: đồng tình với quan điểm của tác giả vì khi có 3 năng lực trên con người có thể làm được những việc đúng, việc tốt cho bản thân mình, cho những người xung quanh và cho đất nước. Và khi trở thành người tử tế, sống có ích con người sẽ có được cảm giác hạnh phúc.

Câu 4:

Hs viết đoạn văn thể hiện được quan điểm của mình.

Gợi ý:

- Giải thích: lẽ sống phù hợp là mục đích sống/lí tưởng sống hợp với năng lực của bản thân và đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Ý kiến chỉ ra cách con người có được hạnh phúc trọn vẹn khi con người dồn hết tâm huyết, phát huy tận độ khả năng của mình để theo đuổi thực hiện lẽ sống đúng đắn, phù hợp.

- Bàn luận:

+ Cuộc sống của mỗi người chỉ có ý nghĩa khi có lí tưởng, mục tiêu rõ ràng; có khả năng đạt được mục tiêu ấy; cháy trong tận cùng đam mê với những điều tốt đẹp mà mình theo đuổi.

+ Lựa chọn đúng lẽ sống con người sẽ không bị chới với, hoang mang khi gặp khó khăn trở ngại.

+ Hạnh phúc của con người sẽ trọn vẹn khi họ cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống và mang lại niềm vui cho người khác.

- Liên hệ, bài học:

+ Ý kiến trên có giá trị định hướng đối với tuổi trẻ, những người đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”.

+ Hạnh phúc chỉ thực sự trọn vẹn khi con người có năng lực tạo ra hạnh phúc cho mình và những người xung quanh.

II. LÀM VĂN

a) Vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm “Truyền kì mạn lục”

b) Giải thích :

- Lời nhận định của ông Lã Nhâm Thìn đã khái quát những phẩm chất, tính cách nổi bật của Ngô Tử Văn – nhân vật trung tâm của tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”, đó là “cương trực, khảng khái”. Tính cách ấy được biểu hiện thông qua hành động “chống gian tà” (đốt đền trừ tà) một cách kiên quyết

c) Chứng minh : Tính cách cương trực của Ngô Tử Văn được thể hiện qua :

- Cách giới thiệu nhân vật của tác giả : bên cạnh giới thiệu tên, quê quán là hành trạng, tính cách của nhân vật: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”

- Sự tức giận trước việc “hưng yêu tác quái” của tên hung thần và hành động đốt đền trừ hại cho dân

- Thái độ điềm nhiên, không hề run sợ trước những lời đe dọa của tên hung thần

- Sự gan dạ trước bọn quỷ Dạ Xoa và quang cảnh đáng sợ nơi âm phủ “gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương”

- Thái độ cứng cỏi, bất khuất trước Diêm Vương đầy quyền lực, thẳng thắn tâu trình sự việc để vạch rõ thói gian dối, xảo trá của tên Bách hộ họ Thôi

d) Bình luận :

- Bằng thái độ dũng cảm, cương trực đấu tranh cho công lí, cho lẽ phải đến cùng, cuối cùng Tử Văn đã chiến thắng.

- Chiến thắng ấy giúp giải trừ được tai họa, bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân ; diệt trừ tận gốc thế lực xâm lược gian ác, làm sáng tỏ nỗi oan khuất và phục hồi danh dự cho thổ thần nước Nam

- Phần thưởng mà Tử Văn nhận được là chức quan phán sự ở đền Tản Viên. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những người cương trực, dũng cảm, dám đấu tranh chống lại cái ác, cái bất công ; bất tử hóa khát vọng công lí của con người. Kết thúc có hậu ấy vừa thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà văn, vừa có ý nghĩa củng cố niềm tin về chiến thắng chung cuộc tất yếu của cái thiện…

- Đề cao nhân vật Tử Văn, truyện còn có ý nghĩa thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ

=> Hình tượng nhân vật Tử Văn tiêu biểu cho phẩm chất của kẻ sĩ nước Nam, thấp thoáng bóng dáng của chính tác giả…

Bài giải tiếp theo
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 12 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 13 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 14 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 15 có lời giải chi tiết

Video liên quan



Từ khóa