Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 2 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc các văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.
– Chiếc xe này của bạn đấy à? – Cậu bé hỏi.
– Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. – Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.
– Ồ, ước gì tôi… – Cậu bé ngập ngừng.
Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.
– Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! – Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:
– Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.
(Theo Hạt giống tâm hồn, tập 4, nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên.
Câu 2: Cậu bé ước mơ trở thành người anh như thế nào?
Câu 3: Theo anh/chị, câu nói “Cậu ấy nói chậm rãi và gươn mặt lộ rõ vẻ quyết tâm “ có ý nghĩa gì?
Câu 4: Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì? (Viết một đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy (Ngữ văn 10, tập 1, NXBGD)
Lời giải chi tiết
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: tự sự
Câu 2:
- Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.
- Cậubé ước trở thành người anh nhân hậu, được bù đắp, chia sẻ, yêu thương.
- Cậu bé ước trở thành người anh giống như người anh của nhân vật tôi.
- Cậu bé ước trở thành người anh có chiếc xe lăn lắc tay để tặng người em tật nguyền của mình.
Câu 3:
- Câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm” có ý nghĩa là: Cậu bé có lòng quyết tâm cao độ muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hoặc:
- Cậu bé đang nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là tặng xe lăn cho người em tật nguyền.
Câu 4:
Có thể theo hướng
- Thông điệp: Sống phải biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ.
- Nêu suy nghĩ: Tình yêu thương, sự quan tâm sẽ phần nào bù đắp những thiệt thòi và mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người có hoàn cảnh éo le… Người biết yêu thương, quan tâm người khác cũng sẽ được nhận lại niềm vui, tình yêu và sự kính trọng. Trong cuộc sống, cần biết vị tha, bao dung; phê phán lối sống vô cảm, vị kỉ…)
PHẦN II: LÀM VĂN
1. Mở bài
- Giới thiệu nhân vật An Dương Vương
2. Thân bài
a. An Dương Vương xây thành, chế tạo nỏ thần, đánh giặc
- An Dương Vương xây thành cổ Loa nhiều lần nhưng đắp tới đâu thì lại lở tới đấy. Nhà vua được thần linh giúp đỡ đã xây xong thành.
- Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn khẳng định An Dương Vương là vị vua có tinh thần yêu nước, bảo vệ đất nước.
b. Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện bản chất như thế nào?
- Sự mất cảnh giác vì nhà vua không phát hiện bản chất của Triệu Đà. Triệu Đà không chỉ muốn thôn tính Âu Lạc mà còn cho Trọng Thủy cầu hôn Mị Châu để biến người Âu Lạc thành người phương Bắc.
- Trọng Thủy đã lừa Mị Châu, xem trộm nỏ thần và đã tìm cách đánh tráo lẫy nỏ, Mị Châu đã tiết lộ bí mật quốc gia để Trọng Thủy biết được vũ khí lợi hại của đất nước.
- Khi Triệu Đà sang xâm lược, An Dương Vương cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: Đà không sợ nỏ thần sao?. Chứng tỏ nhà vua chủ quan không biết rằng việc bảo vệ đất nước phải luôn luôn cảnh giác với kẻ thù mọi nơi, mọi lúc. Vì vậy đất nước phút chốc rơi vào bi kịch nước mất, nhà tan.
=> Đây là bài học thời sự trong việc bảo vệ đất nước.
c. Thái độ, tình cảm của nhân dân đối với An Dương Vương
- Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái, nhân dân ta muốn biểu lộ thái độ công bằng trước lịch sử. Rùa Vàng - biểu tượng dân tộc - giúp nhà vua xây thành, chế nỏ là trí tuệ, sức sáng tạo, công sức bền bỉ của cha ông ta trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước. Rùa Vàng gọi Mị Châu là giặc vì chính nàng là người có Trái tim nhầm chỗ để trên đầu nên phải chịu nhận cái chết do chính cha mình với tư cách người đứng đầu quốc gia trừng phạt. Cũng chứng tỏ thái độ không khoan nhượng của nhân dân đối với bất kì hành động nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
- Việc mất nước Âu Lạc, người chịu trách nhiệm chính là An Dương Vương. Ông vua tuy có công xây dựng, bảo vệ đất nước nhưng đã chủ quan, mất cảnh giác xem thường kẻ địch dẫn đến bi kịch quốc gia, gia đình, cá nhân. Thảm họa xảy ra, An Dương Vương đã đặt việc nước lên trên việc nhà, quan hệ vua - tôi trên quan hệ cha con (chém chết Mị Châu). Rùa Vàng dẫn lối cho nhà vua xuống biển, không để ông chết, không cho quân thù lấy được xác vua.
=> Chi tiết này thể hiện lòng tự tôn dân tộc, thể hiện sự cảm thông, kính trọng của nhân dân đối với An Dương Vương, dẫu ông có tội lớn - để mất nước. Đó cũng là sự phán xét công bằng của cha ông ta.
3. Kết bài
- Nêu cảm nhận chung
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 2 có lời giải chi tiết timdapan.com"