Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 10 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 10 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
TỰ SỰ
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta!
Ai trên đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ để dành cho một riêng ai.
(Nguyễn Quang Vũ, Hoa học trò, số 6, 1994)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 câu thơ sau:
"Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng"
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả viết:
"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta!"
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:
"Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?"
Câu 2 (5,0 điểm):
Phân tích bài thơ Nhàn để làm rõ vẻ đẹp cuộc sống và nhân cách trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lời giải chi tiết
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1.
- Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: nghị luận.
Câu 2. Ý nghĩa 2 câu thơ:
"Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng"
"Đất" theo nghĩa đen là nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cho muôn hạt nảy mầm. "Đất" còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ cuộc đời rộng lớn, luôn tạo cơ hội cho mọi người. Hạnh phúc ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp, muốn có hạnh phúc, tự mỗi người phải có suy nghĩ và hành động tích cực, phải nỗ lực vươn lên giống như "Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng".
Câu 3. Tác giả cho rằng:
"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta"
Bởi vì: "Đường đời trơn láng" tức là cuộc sống quá bằng phẳng, yên ổn, thuận lợi, không có khó khăn, giông tố. Con người không được đặt vào hoàn cảnh có vấn đề, có thách thức; không phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại, chinh phục thử thách mới đến được đích. Khi đó con người không có cơ hội để trải nghiệm nên cũng không khám phá hết những gì mình có; không đánh giá hết ưu điểm cũng như nhược điểm của bản thân. Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.
Câu 4. Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về thông điệp ấy:
- Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.
- Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
- Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.
-......
Câu trả lời phải hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục.
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:
"Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?"
a. Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng hình thức một đoạn văn, độ dài khoảng 200 chữ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...
b. Yêu cầu về nội dung:
- Câu này kiểm tra năng lực viết nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, và khả năng bày tỏ thái độ, chính kiến của mình để làm bài.
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Sau đây là một số định hướng:
b.1. Giải thích ý kiến
- "Cuộc đời méo mó": cuộc đời không bằng phẳng, chứa đựng nhiều ngang trái, trớ trêu, thậm chí xấu xa, tồi tệ. Đó là một tất yếu chúng ta phải chấp nhận vì bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn hảo.
- "Tâm": là tấm lòng, tình cảm chân thành. "Tròn tự trong tâm": là cái nhìn, thái độ, suy nghĩ đúng đắn của con người, luôn tích cực, lạc quan trước cuộc đời cho dù hoàn cảnh có như thế nào.
b.2. Bàn luận
- Thói đời, con người thường hay chê bai, oán thán, cay cú, hậm hực khi cuộc sống không được như mong muốn. Chính cái "chê" ấy nhiều khi khiến cuộc đời trở nên "méo mó" hơn trước mắt chúng ta.
- Thái độ "tròn tự trong tâm", sống lạc quan, chủ động trước hoàn cảnh, không gục ngã trước khó khăn, bất công, ngang trái... là thái độ sống tích cực, giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội.
- Con người hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống, chỉ cần mỗi cá nhân chủ động, tích cực từ trong tâm. Thiên đường hay địa ngục đều do mình quyết định. Biết sống "tròn tự trong tâm", cuộc sống sẽ đẹp hơn.
b.3. Bài học nhận thức và hành động
Thí sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp, thuyết phục.
Câu 2 (5,0 điểm)
MB:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và phong cách thơ của ông: Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của văn học dân tộc. Thơ ông mang đậm tính triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.
- Giới thiệu về bài thơ “Nhàn”: “Nhàn” là bài thơ Nôm số 73 trong Bạch Vân quốc ngữ thi, là lời tâm sự nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu sắc về quan niệm sống "nhàn" của tác giả.
TB:
Hoàn cảnh sáng tác bài thơ
Phân tích:
a. Cuộc sống hàng ngày của nhà thơ
* Hai câu đề:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thần dầu ai vui thú nào.”
- “Một mai, một cuốc, một cần câu” trở về với cuộc sống thuần hậu, chất phác của một lão nông, tri điền, đào giếng lấy nước uống và cày ruộng lấy cơm ăn.
- Tác giả sử dụng kết hợp khéo léo thủ pháp liệt kê các dụng cụ lao động cùng với điệp từ “một” và nhịp thơ 2/2/3 cho thấy cuộc sống nơi thôn dã cái gì cũng có, tất cả đã sẵn sàng
- Các vật dụng gắn liền với công việc vất vả của người nông dân đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một cách tự nhiên, thư thái như chính tâm hồn của nhà thơ.
- Con người tìm thấy niềm vui, sự thanh thàn trong cuộc sống, không gợi chút mưu tục. Một mình ta lựa chọn cách sống “thơ thẩn” mặc kệ ai kia “vui thú nào”. Tự mình lựa chọn cho mình một lối sống, một cách sống kệ ai có những thú riêng, âu đó cũng là bản lĩnh của kẻ sĩ trước thời cuộc.
* Hai câu thực:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”
- Thủ pháp đối lập và cách nói ẩn dụ
+ Ta dại ↔ Người khôn
+ Nơi vắng vẻ ↔ chốn lao xao → hình ảnh ẩn dụ: Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi; Chốn lao xao là nơi quan trường, nơi bon chen quyền lực và danh lợi.
- Phác hoạ hình ảnh về lối sống của hai kiểu người Dại – Khôn → triết lí về Dại – Khôn của cuộc đời cũng là cách hành xử của tầng lớp nho sĩ thời bấy giờ => Cách nói ngược, hóm hỉnh.
=> Như vậy: Trong cuộc sống hàng ngày, với Nguyễn Bỉnh Khiêm, lối sống Nhàn là hoà hợp với đời sống lao động bình dị, an nhiên vui vẻ tránh xa vòng danh lợi, bon chen chốn vinh hoa, phú quý.
b. Quan niệm sống và vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ
* Hai câu luận:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”
- Hình ảnh thiên nhiên: bốn mùa tuần hoàn Xuân – Hạ – Thu – Đông
- Món ăn dân dã: măng trúc, giá
- Sinh hoạt: tắm hồ sen, tắm ao
- Sử dụng phép đối + liệt kê => Lối sống hoà hợp, thuận theo tự nhiên
=> Nhàn là “Thu ăn măng trúc đông ăn giá”, mùa nào thức nấy. Những sản vật không phải cao lương mĩ vị mà đậm màu sắc thôn quê. Ngay cả việc ăn uống, tắm táp, làm lụng...đã trở thành nhàn trong cái nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để có được sự an nhiên, tĩnh tại trong tâm hồn như vậy phải là một người có nhận thức sâu sắc của cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhận thấy lòng tham chính là căn nguyên của tội lỗi. Bởi vậy mà ông hướng đến lối sống thanh bạch, giản dị, thuận theo tự nhiên.
* Hai câu kết
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
- Điển tích: Rượu đến cội cây, sẽ uống, Phú quý tựa chiêm bao => Nguyễn Bỉnh Khiêm coi công danh phú quý tựa như giấc chiêm bao, giống như phù du vậy. Khi thể hiện quan điểm của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn mình thế đứng bên ngoài của sự cám dỗ danh lợi, vinh hoa – phú quý, bộc lộ thái độ xem thường.
- Nhìn xem: biểu hiện thế đứng từ bên ngoài, coi thường danh lợi. Khẳng định lối sống mà mình đã chủ động lựa chọn, đứng ngoài vòng cám dỗ của vinh hoa phú quý.
=> Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy an nhiên, vui vẻ bởi thi sĩ được hoà hợp với tự nhiên, nương theo tự nhiên để di dưỡng tinh thần, đồng thời giữ được cột cách thanh cao, không bị cuốn vào vòng danh lợi tầm thường.
=> Như vậy, thú Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là dấu ấn của một thờiđại lịch sử, thể hiện cách ứng xử của người trí thức trước thời loạn: giữ tròn thanh danh khí tiết. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nâng tư tưởng “Nhàn” trở thành một triết lý sống, là cách hành xử trước thời cuộc, coi đây là phương thức hoá giải mâu thuẫn và hoà hoãn những xung đột thờiông đang sống.
KB:
- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ: Với cách sử dụng ngôn ngữ giản dị mà giàu triết lí cùng cách nói đối lập, bài thơ đã dựng nên chân dung cuộc sống, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm: hoà hợp với thiên nhiên, cốt cách thanh cao, không màng danh lợi.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 10 có lời giải chi tiết timdapan.com"