Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 3 - Chương II - Phần 2 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 3 - Chương 2 - Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV - Lịch sử 10


Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Xưởng thủ công (quan xưởng) được thành lập dưới các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê có vai trò gì?

A. Đúc tiền, rèn vũ khí, may mũ áo cho vua quan, quý tộc.

B. Làm đồ trang sức vàng, bạc, làm giấy các loại.

C. Đúc chuông đồng, tượng Phật cho các ngôi chùa.

D. Sản xuất đồ gồm tráng men có chất lượng cao.

Câu 2. Sau khi giành được độc lập vào thế kỉ X, nhân dân cả nước ra sức làm gì để phát triển nông nghiệp?

A. xây dựng các công trình thủy lợi.

B. áp dụng kĩ thuật canh tác mới.

C. khai thác đất hoang, mở rộng ruộng đồng.

D. sản xuất nhiều mặt hàng đem bán.

Câu 3. Các nghề thủ công cổ truyền từ thế kỉ X đến XV bao gồm

A. rèn đúc vũ khí, rèn sắt, làm đồ gốm sứ, xây dựng cung điện.

B. đúc đồng rèn, sắt, ươm tơ dệt lụa, đóng thuyền chiến.

C. đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm sứ, ươm tơ dệt lụa.  

D. đúc tiền, rèn đúc vũ khí, đóng thuyền chiến, đúc đồng.

Câu 4. Nội dung nào thể hiện sự phát triển vượt bậc của thủ công nghiệp nước ta trong các thế kỉ X – XV?

A. Sự phong phú của các mặt hàng mỹ nghệ.

B. Sự ra đời của đô thị Thăng Long.

C. Hệ thống chợ làng, chợ huyện phát triển.

D. Sự hình thành các làng nghề thủ công truyền thống.

Câu 5. Biểu hiện nào sau đây không minh chứng cho sự phát triển của ngoại thương Đại Việt từ thế kỉ X đến XV?

A. Các chợ làng, chợ huyện, chợ chùa mọc lên ở khắp nơi.

B. Nhiều bến cảng được xây dựng để buôn bán với nước ngoài.

C. Thuyền bè nhiều nước đến họp chợ và mở chợ ngay trên thuyền.

D. Hình thành các địa điểm buôn bán với đủ thứ lụa là, giấy bút.

Câu 6. Nhận xét nào không chính xác về đặc điểm thủ công nghiệp Đại Việt từ thế kỉ X đến XV?

A. Thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp dân gian đều phát triển.

B. Trở thành ngành sản xuất chính, tách rời khỏi nông nghiệp.

C. Có tác động tích cực đến sự phát triển của thương nghiệp.

D. Xuất hiện nhiều ngành mới bên cạnh các nghề cổ truyền.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Trình bày tình hình thương nghiệp của nước ta ở các thế kỉ X - XV?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1. A

2. C

3. C

4. D

5. A

6. B

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 93.

Cách giải:

Các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ đều thành lập các xưởng thủ công (quan xưởng) chuyên lo việc đúc tiền, rèn đúc vũ khí, đóng thuyền chiến, may mũ áo cho vua quan, quý tộc hoạt góp phần xây dựng các cung điện, dinh thự.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 91.

Cách giải:

Đầu thế kỉ X, sau khi giành được độc lập, tự chủ, nhân dân cả nước, từ miền ngược đến miền xuôi phấn khởi, ra sức khai phá đất hoang, mở rộng ruộng đồng, phát triển nông nghiệp nhằm nhanh chóng nâng cao đời sống, đưa đất nước ngày càng cường thịnh.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 93.

Cách giải:

Thủ công nghiệp trong nhân dân từ thế kỉ X đến XV có điều kiện phát triển nhanh. Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm sứ, ươm tơ dệt lụa ngày càng phát triển. Chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.

Chọn: C

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 93, suy luận.

Cách giải:

Từ thế kỉ X đến XV, một số làng chuyên làm nghề thủ công đã được hình thành như Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu (Hải Dương), Huê Cầu (Hưng Yên), … Đây là biểu hiện minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của thủ công nghiệp nước ta trong các thế kỉ X đến XV. Các làng nghề thủ công ra đời đã tạo điều kiện cho:

- Thủ công nghiệp phát triển, được tập trung trong các làng nghề, thu hút được nhiều thợ thủ công giỏi.

- Các làng nghề có thể hỗ trợ nhau trong sản xuất.

- Tạo ra thương hiệu cho các sản phẩm

- Thuận lợi cho giao lưu hàng hóa với bên ngoài.

Chọn: D

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 94, suy luận.

Cách giải:

Tình hình ngoại thương Đại Việt từ thế kỉ X đến XV:

- Thời Lý - Trần:

+ Ngoại thương khá phát triển, nhà nước cho xây dựng nhiều bến cảng để buôn bán với nước ngoài Vân Đồn (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Càn Hải (Nghệ An), Hội Thống (Hà Tĩnh), Thị Nại (Bình Định) là những vùng cảng quan trọng.

+ Vùng biên giới Việt - Trung cũng hình thành các địa điểm buôn bán với đủ thứ lụa là, giấy bút, thương hiệu, vải vóc, ngà voi, ngọc vàng, … đến trao đổi.

- Thời Lê: Ngoại thương bị thu hẹp: nhà nước không chủ trương mở rộng giao lưu với thương nhân nước ngoài, thuyền bè chỉ được cập bến một số cảng và bị khám xét nghiêm ngặt.

Đáp án A: là biểu hiện của sự phát triển nội thương.

Chọn: A

Câu 6.

Phương pháp: Nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Những đặc điểm của thủ công nghiệp Đại Việt từ thế kỉ X đến XV bao gồm:

- Thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp dân gian đều phát triển.

- Nhiều ngành nghề thủ công phong phú, bên cạnh các nghề cổ truyền còn xuất hiện nhiều ngành mới yêu cầu kĩ thuật cao như đúc súng, đóng thuyền.

- Thủ công nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển thương nghiệp. Đời sống nhân dân được nâng cao.

=> Đáp án B: Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính và thủ công nghiệp chưa tách rời hẳn khỏi nông nghiệp và có sự chuyên môn hóa như phương Tây.

Chọn: B

II. TỰ LUẬN

Phương pháp: sgk Lịch sử 10 trang 94.

Cách giải:

* Nội thương:

- Các chợ làng, chợ chùa, chợ huyện mọc lên ở nhiều nơi.

- Giao lưu buôn bán các sản phẩm nông nghiệp, thủ công ngày càng nhộn nhịp.

- Kinh đô Thăng Long trở thành đô thị lớn là trung tâm buôn bán và làng nghề thủ công.

* Ngoại thương:

- Giao lưu buôn bán với nước ngoài phát triển, chủ yếu là với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

- Nhiều bến cảng được xây dựng và hoạt động tấp nập như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Thị Nại (Bình Định),…

- Ở vùng biên giới Việt - Trung hình thành nhiều điểm trao đổi hàng hóa. Các mặt hàng trao đổi phong phú: lụa là, giấy bút, hương liệu, vàng ngọc,…

- Tuy nhiên, vào thời Lê sơ, nhà nước không chủ trương phát triển ngoại thương. Thuyền bè nước ngoài chỉ được cập bến một số cảng và bị khám xét nghiêm ngặt.

=> Thương nghiệp của nước ta ở các thế kỉ X - XV phát triển



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến