Bài 2: Ong xây tổ


Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hoạt động khởi động

Nói với bạn về nơi ở của các con vật em biết.

Gợi ý:

- Con cá voi sống dưới biển

- Con giun sống dưới đất

- Con chim sống trong cái tổ trên cành cây

- Con rắn sống trong hang đất

1.2. Khám phá và luyện tập

1.2.1. Đọc

Ong xây tổ

Khi bắt đầu xây tổ, ong bám nhau thành chuỗi. Rồi từng chú ong thợ trẻ lần lượt rời khỏi hàng, lấy giọt sáp dưới bụng trộn với nước bọt tạo thành một chất đặc biệt để xây tổ. Hết sáp, chú tự rút lui về phía sau, chú khác tiến lên xây tiếp. Còn những bác ong thợ già, những anh ong non thì dùng sức nóng của mình sưởi ấm cho những giọt sáp đã nhào nước bọt của ong thợ trẻ. Chất sáp lúc đầu dính như hồ, sau khô đi thành một chất xốp, bền và khó thấm nước.

Chỉ vài ba tháng sau, tổ ong đã xây xong. Đó là một "toà nhà đặc biệt", ngăn nắp, trật tự, có hàng ngàn căn phòng giống hệt nhau.

Theo Tập đọc lớp 3, 1983

* Giải nghĩa từ khó

- Sáp: chất mềm không thấm nước, được một số sâu bọ tạo ra để xây tổ.

- Hồ: chất dính được làm từ bột và nước khuấy chín, dùng để dán.

Câu 1. Khi bắt đầu xây tổ, ong làm gì?

Khi bắt đầu xây tổ, ong bám nhau thành chuỗi, thành hàng.

Câu 2. Ong thợ già, ong thợ trẻ và ong thợ non thực hiện công việc gì để xây tổ?

Các công việc khi xây tổ:

- Ong thợ trẻ: lần lượt rời khỏi hàng, lấy giọt sáp dưới bụng trộn với nước bọt tạo thành một chất đặc biệt để xây tổ.

- Ong thợ già và ong thợ non: dùng sức nóng của mình sưởi ấm cho những giọt sáp đã nhào nước bọt của ong thợ trẻ.

Câu 3. Tổ ong được miêu tả như thế nào?

Tổ ong được miêu tả là một “tòa nhà đặc biệt”, ngăn nắp, trật tự, có hàng ngàn căn phòng giống hệt nhau.

Câu 4. Khi xây tổ, những chú ong có điểm gì đáng khen?

Khi xây tổ, những chú ong đáng khen bởi “Đoàn kết, kỉ luật, cùng nhau xây tổ”

1.2.2. Viết

a. Nghe - viết: Ong xây tổ (từ đầu đến xây tiếp).

b. Chọn những tổ ong có từ ngữ viết đúng:

Các từ  viết đúng là: xua tay, huơ vòi, khua nước, muôn thuở

c. Quan sát hình ảnh câu c phần viết để chọn tiếng ở từng hũ mật phù hợp với tiếng ở mỗi con ong:

Từ ngữ ở hũ mật phù hợp với tiếng ở mỗi con ong là: 

- Gieo hạt, reo vui, dang tay và rang lạc.

- Dập dềnh, bệnh viện, rau rền và bện thừng.

1.2.3. Luyện từ

Kể tên các tháng trong năm. Mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông thường bắt đầu từ tháng nào, kết thúc vào tháng nào?

- Tên các tháng trong năm là: 

+ tháng 1 (tháng giêng), tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12 (tháng chạp).

- Mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông thường bắt đầu và kết thúc vào tháng: 

   + Mùa xuân: từ tháng 1 đến tháng 3.

   + Mùa hạ: từ tháng 4 đến tháng 6.

   + Mùa thu: từ tháng 7 đến tháng 9.

   + Mùa đông: từ tháng 10 đến tháng 12.

1.2.4. Luyện câu

Thực hiện các yêu cầu dưới đây:

a. Tìm từ ngữ trả lời câu hỏi Khi nào? ở từng câu trong đoạn văn sau:

     Mùa đông, cây vươn dài những cành khẳng khiu, trụi lá. Xuân sang, cành trên, cành dưới chi chít những lộc non. Hè về, những tán lá xanh um che mát một khoảng sân trường. Thu đến, từng chùm quả chín vàng khẽ trong lá.

Theo Hữu Tưởng

- Từ ngữ trả lời câu hỏi Khinào? ở trong đoạn văn là: 

+ mùa đông, xuân sang, hè về, thu đến.

b. Thay những dấu ba chấm bằng từ ngữ trả lời câu hỏi Khi nào? 

..., muôn hoa đua nở.

..., những đám mây trắng bồng bềnh trôi.

Hướng dẫn trả lời:

-  Từ ngữ thay thế thích hợp là:

+ Xuân sang, muôn hoa đua nở.

+ Hè về, những đám nay trắng bồng bề trôi.

1.2.5. Nói và nghe 

a. Cùng bạn đóng vai hoa hồng và vàng anh để nói và đáp lời đồng ý phù hợp với tình huống.

- Vàng anh ơi, hót cho mình nghe được không?

- Bạn muốn mình hót bài gì?

- Bạn hót bài nào cũng hay hết. Bạn hót bài bạn yêu thích nhất đi.

- Được, bạn lắng nghe nhé!

b. Đóng vai, nói và đáp lời bày tỏ ý kiến không đồng ý trong từng trường hợp sau:

- Anh trai rủ em trèo cây hái quả chín.

- Bạn rủ em đi tắm sông.

Hướng dẫn trả lời:

- Anh trai rủ em trèo cây hái quả chín: 

+ Trèo cây rất nguy hiểm, dễ bị ngã xuống dẫn đến gãy chân tay, em nghĩ chúng mình nên đợi bố về hái cho.

 - Bạn rủ em đi tắm sông: 

+ Tắm sông vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta không nên đi tắm sông vì nước rất sâu và siết, rất dễ bị đuối nước.

1.2.6. Thuật việc được tham gia

a. Quan sát tranh ở câu a bài tập 6 và nói về việc làm của mỗi người trong tranh.

- Việc làm của từng người trong bức tranh là: 

    + Bố đang lau dọn bàn thờ

    + Mẹ đang cắm hoa và 

    + Bé gái đang lau kệ tivi

b. Viết 4 -5 câu về việc doạn dẹp nhà cửa để đón Tết của gia đình em dựa vào gợi ý:

- Việc doạn dẹp nhà cửa đón Tết diễn ra vào lúc nào?

- Những ai tham gia?

- Công việc của từng người thế nào?

- Em thực hiện công việc đó như thế nào?

- Em cảm thấy thế nào sau khi thực hiện công việc?

Hướng dẫn trả lời:

 Mỗi năm, cứ vào ngày 23 tháng chạp - ngày ông công ông táo là cả gia đình em cùng dọn dẹp đón Tết. Ai nấy đều làm việc nhà. Bố thì dọn bàn thờ tổ tiên, em và em trai thì dọn phòng khách, còn căn bếp là nơi mẹ phụ trách tất cả mọi thứ. Em dọn dẹp cẩn thận, sạch sẽ để căn nhà thơm tho đón Tết. Em cảm thấy vừa mệt vừa vui sau khi dọn xong, vui vì gia đình cùng nhau chia sẻ công việc hằng ngày, tưởng như chỉ có mẹ làm.

Bài tập minh họa

Câu 1. Đọc một truyện về thiên nhiên: 

a. Chia sẻ về truyện đã đọc.

Hồ nước và mây

 Vào một ngày cuối xuân, những tia nắng đua nhau nhảy nhót trên mặt hồ nước. Mặt hồ lung linh, rạng rỡ dưới ánh mặt trời. bỗng nhiên trời nổi gió. Chị Mây sà thấp xuống mặt hồ. Hồ nước cuộn sóng nói với chị Mây: “Khi có ánh nắng, tôi lóng lánh đẹp hẳn lên, thế mà chị lại che nắng của tôi”. Chị Mây tung tà áo đen kịt và nói:

- Cô bé ơi! Nếu không có tôi thì sao có cô?

- Tôi cần gì chị - Hồ nước lớn tiếng nói.

Chị Mây tức giận bỏ mặc Hồ nước và bay lên tận trời xanh.

Những ngày hè trời nắng chang chang. Hồ nước bị nung nóng bốc hơi dần lên nên ngày càng bé lại. Chị Mây vẫn giận hồ nước nên ở tít trên cao. Hồ nước bị cạn kiệt dần. Nó cầu cứu: “Chị Mây ơi! Không có chị tưới nước xuống tôi chết mất”. Bầy cá tôm trong hồ cũng than vãn: “Chúng tôi chết mất vì thiếu nước…”

Nghe tiếng gọi của Hồ nước và tiếng than vãn của bầy cá tôm…Chị Mây bay về tưới nước xuống Hồ cả một ngày đêm. Hồ nước lớn dần lên. Mặt hồ lao xao song: “ Cảm ơn chị Mây!Cảm ơn chị Mây!”. Hồ nước im lặng suốt cả mùa thu và mùa đông. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ cho bầu trời xanh ngát cao vời vợi soi mình. Tà áo đen của chị Mây nhỏ dần. Mùa xuân sang, tà áo của chị Mây chỉ còn bằng dải lụa. Chị vội sà tấm thân mỏng tang, bé nhỏ xuống hồ nước mà nói:

- Không có cô bé, tôi cũng teo tóp dần không sống nổi đâu!.

Hồ nước lao xao sóng. Ông mặt trời tốt bụng rọi những tia nắng ấm đầu hè xuống mặt hồ. Hồ nước bốc hơi. Trên trời cao, chị Mây lớn dần lên. Từ đó Hồ nước và Mây không bao giờ tranh cãi kể công với nhau nữa. Cả hai đều thấm thía bài học: “Ở đời không ai sống được một mình”.

b. Viết vào phiếu đọc sách những điều em đã chia sẻ.

Câu 2. Chơi trò chơi Nhà thơ nhí:

a. Thi đọc các bài thơ về loài vật.

b. Nói 1-2 câu về loài vật được nhắc đến trong bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

- Bài thơ: “Con cá vàng”

Con cá vàng

Bơi nhẹ nhàng

Trong bể nước

Đố ai bơi được

Như con cá vàng

- Con cá vàng rất đẹp. Ngắm nhìn nó bơi trong bể nước có thể giúp ta thư giãn.

Luyện tập

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.

+ Viết các hoạt động về ngày Tết

Bài học bổ sung