Ý nghĩa của các loại tín hiệu đèn giao thông đường bộ
- 1. Đèn tín hiệu giao thông chính ba màu xanh, vàng, đỏ
- 2. Đèn tín hiệu phụ hình mũi tên
- 3. Tín hiệu đèn hai màu điều khiển giao thông đối với người đi bộ
- 4. Dạng tín hiệu xanh đỏ không nhấp nháy để điều khiển giao thông ở khu vực đường sắt, phà, cầu
- 5. Loại đèn đỏ nhấp nháy hai bên thường gặp ở những nơi giao nhau với đường sắt
- 6. Dạng đèn 2 hộp được trên ở từng làn đường riêng biệt
Hiện nay khi tham gia lưu thông trên đường, ngoài việc nhìn thấy các cột tín hiệu đèn giao thông cơ bản với 3 màu xanh vàng đỏ thường thấy ở các giao lộ, người tham gia giao thông còn thường xuyên nhìn thấy những loại tín hiệu đèn giao thông khác trên đường như: đèn hình mũi tên, đèn hai màu dành riêng cho người đi bộ hoặc ở những nơi có đường giao nhau với đường sắt, phà, cầu….Vậy thì ý nghĩa của các loại tín hiệu đèn giao thông đường bộ đó là thế nào?
Hầu hết người tham gia giao thông đều chỉ biết loại đèn tín hiệu có 3 màu xanh, vàng và đỏ mà không để ý nhiều loại khác nữa. TimDapAnđã tổng hợp ý nghĩa của hệ thống đèn tín hiệu giao thông để bạn đọc tham khảo.
Căn cứ:
- Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
- Quy chuẩn 41:2016/BGVT về báo hiệu đường bộ.
Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Trong đó đèn tín hiệu giao thông được quy định như sau:
1. Đèn tín hiệu giao thông chính ba màu xanh, vàng, đỏ
Các loại tín hiệu đèn giao thông đường bộ
Tín hiệu đèn xanh: cho phép xe đi.
Tín hiệu đèn vàng: tín hiệu cảnh báo cho sự luân chuyển tín hiệu, báo hiệu người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường giảm tốc độ và phải dừng lại ở trước vạch sơn “Dừng lại” theo quy định. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện và người đi bộ đã vượt quá vạch sơn thì phải nhanh chóng vượt qua khỏi giao lộ để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông khác.
Tín hiệu đèn đỏ: dừng lại.
2. Đèn tín hiệu phụ hình mũi tên
Nếu ở cột đèn tín hiệu giao thông chính được lắp đặt thêm tín hiệu đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện tham gia giao thông chỉ được phép di chuyển khi tín hiệu đèn phụ hình mũi tên bật sáng. Tín hiệu phụ hình mũi tên cho phép rẽ trái cũng đồng nghĩa với việc được phép quay đầu.
Trong trường hợp tín hiệu mũi tên màu xanh bật sáng cùng thời điểm mà tín hiệu đèn vàng hoặc đèn đỏ bật sáng thì người điều khiển phương tiện giao thông các loại được phép đi theo hướng của mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đến từ các hướng khác đang được ưu tiên đi.
Trong trường hợp tín hiệu mũi tên màu đỏ bật sáng cùng với tín hiệu đèn chính màu xanh thì người điều khiển phương tiện không được đi theo hướng tín hiệu đèn mũi tên. Người tham gia giao thông cần phải chú ý để đi đúng làn đường chờ rẽ cho hướng đường bị cấm.
3. Tín hiệu đèn hai màu điều khiển giao thông đối với người đi bộ
Đèn có hai tín hiệu màu xanh, đỏ. Tín hiệu đèn màu đỏ có hình người với tư thế đứng có ý nghĩa dừng lại. Tín hiệu đèn màu xanh có hình người với tư thế đi có nghĩa được phép đi.
Người đi bộ chỉ được phép băng qua đường khi tín hiệu đèn xanh bật sáng và đi trên vạch đinh gắn trên đường hoặc vạch sơn. Nếu tín hiệu đèn xanh nhấp nháy liên tục nghĩa là báo hiệu tín hiệu đèn sắp chuyển sang màu đỏ.
4. Dạng tín hiệu xanh đỏ không nhấp nháy để điều khiển giao thông ở khu vực đường sắt, phà, cầu
- Đèn xanh sáng: các phương tiện được phép đi.
- Đèn đỏ sáng: các phương tiện phải dừng lại.
5. Loại đèn đỏ nhấp nháy hai bên thường gặp ở những nơi giao nhau với đường sắt
- Đèn bật sáng: mọi phương tiện lưu thông trên đường phải dừng lại.
- Đèn tắt: phương tiện được phép di chuyển.
6. Dạng đèn 2 hộp được trên ở từng làn đường riêng biệt
Nhằm điều khiển từng loại phương tiện riêng biệt tham gia giao thông trên từng làm đường riêng và có thể áp dụng đèn tín hiệu 2 hộp treo trên từng làn đường:
- Tín hiệu đèn xanh: cho phép chạy ở làn đường được mũi tên chỉ.
- Tín hiệu đèn đỏ: cấm chạy ở làn đường được mũi tên chỉ.
- Trong trường hợp cả hai tín hiệu đèn đều tắt: Cấm tất cả các loại phương tiện đi vào làn đường trên nếu làn đường được đánh dấu bằng vạch 1.9
P/S: Vạch 1.9 có kí hiệu 2 hai vạch liên tiếp đứt khúc song song màu trắng nhằm quy định ranh giới làn xe dự trữ đề tang làn cho chiều xe có lưu lượng giao thông lớn. Làn đường này có thể thay đổi hướng xe bằng tín hiệu đèn xanh đỏ.
Trên đây là toàn bộ Ý nghĩa của các loại tín hiệu đèn giao thông đường bộ là một trong những yếu tố giúp đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông, hạn chế ùn tắt giao thông vào những giờ cao điểm, nó mang ý nghĩa quan trọng để giúp bạn đảm bảo tuân thủ đúng quy định.