Sự tích Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch từ lâu đã tồn tại trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Nhân dịp sắp tới Tết Đoan Ngọ, Tìm Đáp Án xin được chia sẻ cho các bạn sự tích Tết Đoan Ngọ để các bạn cùng tìm hiểu.
1. Tết Đoan Ngọ là ngày gì?
Ca dao ta có câu:
Tháng tư đong đậu nấu chè.
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm.
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc.
Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch.
Sở dĩ Tết này được gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng năm là tháng bắt đầu nắng to, khi dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.
Theo địa bàn thì phương Nam là chính Ngọ, mà Ngọ là ngôi dương, cho nên tết này là Tết Đoan Dương. Vả chăng tháng năm cũng lại là tháng Ngọ trong một năm.
Người Trung Hoa còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ hay Đoan ngũ nữa.
Theo sách "Tuế thời lạp ký" thì Trùng Ngũ là hai số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng Năm. Ngoài ra xưa kia ở kinh kỳ, người ta gọi ngày mồng 1 tháng năm là Đoan Nhất, ngày mồng 2 là Đoan Nhị, ngày mồng 3 là Đoan Tam, ngày mồng 4 là Đoan Tứ và ngày mồng 5 là Đoan Ngũ.
Mùng 5 tháng 5 Âm là ngày mấy Dương lịch 2021
Ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch là ngày mấy Dương lịch? Theo lịch vạn niên, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch sẽ rơi vào thứ Hai ngày 14/6/2021. Đây là ngày Quý Tỵ, tháng Giáp Ngọ, thuộc hành Thủy, sao Nguy, trực Bế và là ngày Huyền Vũ hắc đạo, thuộc tiết khí Mang Chủng.
2. Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc
Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là một vị trung thần, đồng thời cũng là một nhà văn hóa nổi tiếng. Tương truyền, ông là tác giả của bài thơ "Ly Tao" nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng đau buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông liền ôm một tảng đá rồi nhảy xuống sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5. Dân chúng địa phương nghe tin, đều hò nhau chèo thuyền đến vớt xác ông nhưng không sao tìm thấy được, họ liền đổ gạo xuống sông, những mong cá không động chạm tới thân xác của ông.
Đến ngày 5 tháng 5 năm sau, người dân địa phương lại chèo thuyền ra giữa sông, mang theo gạo để tế Khuất Nguyên. Về sau, người ta đã dùng thuyền rồng thay thế cho thuyền con, dùng bánh tro thay thế gạo để tế lễ. Hoạt động tế lễ Khuất Nguyên này còn được giữ mãi về sau và được gọi là ngày tết Đoan Ngọ.
Sự tích Khuất Nguyên
Khuất Nguyên, họ Tam Lư làm chức Tả Đồ nước Sở dưới Triều vau Hoài Vương vào thời Thất Quốc bên Tầu (307 – 246 tr Tây Lịch), có tài và liêm chính. Mỗi khi vào Triều bàn bạc quốc sự, ông đều bị vua Hoài Vương bài bác vì những nịnh thần xúi giục.
Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tự tả nỗi oán than ông viết bài thơ " Ly Tao".
Khi vua Sở Hoài Vương sang Tần, ông hết lời can ngăn nhưng Hoài Vương không nghe, rồi bị chết ở đất Tần. Vua Tương Vương kế nghiệp vua Hoài Vương không những không chịu nghe lời ông lại còn bắt ông đi đày.
Ông làm bài thơ " Hoài Sa" rồi đá vào mình nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng Năm.
Được tin đó là vua rất hối hận và thương tiếc sức dân làm cỗ ra tận bờ tận bờ sông cúng ông và ném cỗ xuống sông ông hưởng, nhưng cỗ bị cá tôm ăn hết. Ông báo mộng cho nhà vua hay, và xin với nhà vua nếu nghị tình thương ông thì khi ném cỗ xuống cho ông phải lấy lá bọc lại, buộc bằng chỉ ngũ sắc, cá tôm sẽ không ăn được.
Theo lời báo mộng của ông, vua ra lệnh cho nhân dân làm theo.
Từ đó vào ngày mồng 5 tháng Năm bên Tàu, dân chúng làm cỗ cúng linh đình trên các bờ sông rồi lấy lá bọc lại, buộc ngũ sắc ném xuống dòng nước để làm kỷ niệm ông Khuất Nguyên.
Riêng tại sông Mịch La, người nước Sở mở hội rất vui, ngoài việc cúng lễ Khuất Nguyên còn tổ chức các cuộc đua thuyền, tượng trưng cho ý muốn vớt thây Khuất Nguyên.
Nguồn gốc tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Vào một ngày sau vụ mùa, người nông dân tổ chức ăn mừng vì mùa màng bội thu, tuy nhiên năm đó, vào đầu tháng 5, sâu bọ lại kéo đến nhiều, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Người dân đau đầu không biết phải làm thế nào để giải quyết vấn nạn sâu bọ, bỗng có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng, mỗi nhà lập một đàn cúng gồm có trái cây, bánh tro, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Người dân làm theo và chỉ một lúc sau, lũ sâu bọ té ngã rũ rượi. Ông lão còn dặn thêm, hằng năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì mà ông nói sẽ trị được lũ sâu bọ. Dân chúng biết ơn, định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân gọi ngày này là ngày "giết sâu bọ" hay có người gọi là "tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường là vào giờ Ngọ.
Thực tế, trong văn hóa Việt Nam, ngày 5 tháng 5 trong lịch âm hằng năm là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
"Tháng năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang."
Còn ở vùng đồng bằng Nam Bộ, ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày "Vía Bà" trong tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen.
Tại Đồng Tháp hay một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 5 tháng 5 âm lịch còn được gọi là ngày "nước quay", cứ theo lệ hằng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta, làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày 5 tháng 5 được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hằng năm.
Chính vì vậy, ngày 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm, người dân khắp mọi miền tại Việt Nam đều có thói quen sửa soạn lễ lạt và cúng tế.
Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.
3. Ý nghĩa Tết Đoan ngọ
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ được “Việt hóa” thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân… vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.
Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.
Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...