Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi có ý nghĩa gì?

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 09 Tháng hai, 2021

Ý nghĩa đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

Ông cha ta có câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", mua muối vào ngày đầu năm là tập tục từ xa xưa của người Việt nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết về ý nghĩa của nó. Dưới đây là cách giải thích ý nghĩa đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, cho các bạn cùng tham khảo.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no. Còn trong ngày cuối năm, người ta mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi hay ngụ ý làm nhà làm cửa.

Vì thế, sáng mùng 1 Tết hay ngay sau giao thừa, tại một số vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều người đi bán muối dạo quanh khắp cách đường làng, ngõ xóm. Tại đền, chùa, muối được bày bán kèm với hoa quả, hương đăng, vàng mã...

1. Đầu năm mua muối

Muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết cũng là biểu tượng cho tình cảm tốt đẹp.

Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.

Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ họ hàng, làng xóm và quan hệ làm ăn. Vì thế, ngay vào sáng mùng một Tết, nhiều người bán muối dạo qua các con phố, đường làng hay trước các cổng chùa để bán. Hầu hết, ai cũng háo hức, vui vẻ mua cho mình một túi muối nhỏ để lấy may mắn cho cả năm.

2. Cuối năm mua vôi

Người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo (bạc như vôi). Vì thế, đầu năm tránh mua vôi, ngụ ý để tránh những rạn nứt, đổ vỡ trong gia đình, quan hệ tình cảm hay những rủi ro đáng tiếc trong năm mới.

Người ta thường mua vôi vào cuối năm để quét lại nhà không chỉ cho sạch sẽ, trắng tinh tươm mà còn có ý nghĩa là xóa đi những điều không hay trong năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới. Ở nông thôn, nhiều gia đình có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.

Với những gia đình có người già, người ta thường hay mua vôi cuối năm để tiếp thêm cho ông bình vôi, là vật dụng bằng sành, sứ để đựng vôi ăn trầu. Khi lấy vôi trong bình cũng phải hết sức thận trọng, bởi người xưa quan niệm khi dùng dao vôi để lấy vôi, nhất thiết không được ngoáy chìa vôi vào lòng ông vì nếu thế sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan, phải dùng chìa đưa thẳng rồi rút ra.

Ông bình vôi là vật thiêng trong nhà người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho ông ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên do “bạc như vôi” nên người ta chỉ cho ông ăn vào cuối năm chứ không ai cho ông ăn đầu năm vì vậy mới có tục “cuối năm mua vôi”.

Ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” để xây nhà.

Theo quan niệm của người Việt Nam từ xưa đến nay, việc xuất hành đầu năm mới rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai và thành công của gia chủ cả năm. Xuất hành nghĩa là chúng ta đi ra khỏi nhà sau lúc giao thừa. Cũng có người thì đi ngay sau khi giao thừa để xuất hành đi lễ đền, chùa. Có người đến sáng mùng Một, mùng Hai, mùng Ba Tết thì họ mới bắt đầu đi. Ngoài ra nhiều gia chủ còn cẩn thận chọn tuổi xông nhà năm Tân Sửu 2021 để mong một năm mới bình ăn may mắn. Khi xuất hành vào đầu năm, người ta thường chọn những giờ thiêng, ngày thiêng, hướng tốt để xuất hành với mong muốn cả năm được “thuận buồm xuôi gió”.

09 Tháng hai, 2021