Cách cúng ông Công ông Táo đơn giản mà vẫn được phước
Cúng ông Công ông Táo đơn giản mà vẫn được phước
Ngày 23 tháng Chạp, hàng năm là ngày nhiều gia đình Việt Nam làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, và đây cũng là ngày lễ đã trở thành tục lệ lâu đời của người dân Việt Nam vào mỗi dịp Tết đến. Ngày này hằng năm, hầu hết các gia đình đều lo sửa soạn, bày trí lễ mâm lễ với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình. Vậy cúng ông Công, ông Táo thực chất có ý nghĩa gì? Và nó mang lại phước báu gì đối với mọi người theo cách nhìn của đạo Phật? Mời bạn đọc theo dõi bài viết Cách cúng ông Công ông Táo đơn giản mà vẫn được phước để biết thêm nhiều kiến thức cho ngày Tết ông Công, ông Táo!
- Cách chọn giờ đẹp để làm lễ cúng ông Công ông Táo
- Không cúng ông Công ông Táo có sao không?
- Bản tin Tết 2021: Cúng ông Công ông Táo như nào cho đúng
Tục thả cá chép về chầu trời trong ngày lễ ông Công, ông Táo
Theo phong tục tập quán Việt Nam thì ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Trong quan niệm dân gian, các vị ấy sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc đã diễn ra trong gia đình suốt một năm qua; đây được coi là dịp để tỏ lòng biết ơn tới vị Thần đã cho lửa, mang lại no ấm cho gia đình. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cũng chia sẻ: “Ngày 23 tháng Chạp - ngày ông Công, ông Táo về trời là một truyền thống, một nét văn hóa của dân tộc. Vì thường đến ngày này, con cháu ở xa trở về, cả nhà cùng sum họp và làm lễ”. Tuy nhiên, quan niệm có ông Công, ông Táo về trời bẩm báo với Ngọc Hoàng việc tốt xấu của gia đình mình là đúng hay sai? Và mỗi gia đình nên cúng ông Công ông Táo như thế nào để có được phước báu và được bình an, hạnh phúc, ấm no cho một năm mới sắp đến?
Ông Công ông Táo theo quan điểm của Phật giáo
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Có ông Thần Táo hay không? Thầy nghĩ rằng đúng là có những vị Thần trong bếp. Theo quan niệm của đạo Phật, có rất nhiều các hạng Thần linh. Thế nhưng họ có lên Ngọc Hoàng, họ báo cáo hay không? Thầy nghĩ không hẳn như thế”.
Cúng ông Công, ông Táo thực chất là hướng tâm tới các vị chư Thiên, chư Thần. Đó là những vị có phước báu lớn và có thể tác động một phần nào đó đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, không phải ai cầu điều gì cũng đều được toại ý, không phải sắm lễ to, nhiều mũ áo vàng mã là tốt. Vậy những người như thế nào thì sẽ được chư Thiên, chư Thần hộ trì và cúng lễ thế nào sẽ nhận được phước báu?
Những người thế nào thì được chư Thiên chư Thần hộ trì?
Trong bài Kinh: “Truyện Thiên Hoa Kakaru” đã chỉ rõ bốn hạng người nhận được phước báo của chư Thiên, chư Thần. Thứ nhất là người không trộm cắp, không nói dối. Thứ hai là người kiếm tài sản chân thật, không lừa gạt người khác và tránh đi những thú vui quá độ dẫn đến làm khổ gia đình. Thứ ba là người giữ việc tu tập, không biếng trễ, không vì ham ngũ dục mà rời xa việc tu đạo. Thứ tư là người không phê bình người tốt và hay giữ đúng lời hứa. Những người biết tu thân giới tâm tuệ này, cầu sự gia hộ của các vị chư Thiên, chư Thần sẽ được ứng nghiệm. Bởi các vị chư Thiên, chư Thần chỉ gia hộ được dựa trên nhân quả, phước báu của người mong cầu. Những người gieo nhân ngay thẳng, trung thực lại biết giữ giới thì sẽ nhận được các vị ấy phát tâm bố thí, hộ trì những điều thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, sự bố thí này không nằm ngoài nhân quả của chính những người cúng lễ, bởi gieo nhân thiện thì sẽ gặt được trái ngọt. Chính vì vậy, để cúng lễ ngày 23 tháng Chạp được đúng Pháp cũng như đúng với ý nguyện, mỗi người nên làm việc thiện, bố thí, cúng dường Tam Bảo, cần chuyên giữ giới, bỏ ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch để tăng trưởng phước báu.
Phóng sinh cá chép trong ngày ông Công, ông Táo
Cúng ông Công ông Táo thế nào để có phước báu?
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ: “Chúng ta sống với nhân gian thì chúng ta cũng cúng ông Công, ông Táo theo truyền thống. Nhưng phải biết rằng, ngày đó để sum họp gia đình, động viên, nhắc nhở nhau sống cho tốt. Chứ không phải ngày hôm đó là để hai vị ấy lên trời, báo cáo cho mình chuyện hay dở. Đúng tinh thần của người đệ tử Phật thì ta thấy nhẹ nhàng, không phải sắm lễ vật rườm rà, không phải đặt nặng gì cả”.
Tết ông Công, ông Táo là ngày gia đình sum họp và động viên nhau
Muốn mong cầu sức khỏe, bình an cho bản thân cũng như cho gia đình thì vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi người nên hồi hướng những công đức tốt lành mình làm được trong một năm qua. Bởi muốn cầu những điều như ý mà không tu tập, rời xa sự tu tập, dùng sự tham lam, dối trá để cầu thì không những không được như ý mà còn mất phước. Vì vậy, mỗi người thường nên cúng dường hồi hướng cho các vị chư Thiên, chư Thần và mong cho các vị ấy được tu hành trong giáo Pháp của Phật, mong rằng họ sẽ hộ trì cho mình có nhiều thuận duyên để tu tập. Chúng ta lấy Pháp bố thí, cúng dường, hộ trì Tam Bảo làm công đức để thỉnh các vị chư Thiên, chư Thần hộ trì cho mình. Như vậy mới nhận được phước báu chân thật và những phước báu ấy sẽ là chỗ dựa vững chắc, kiến cố giúp mỗi người trên con đường học Phật cũng như trong cuộc sống gia đình.
Đàn lễ cúng các vị chư Thiên, chư Thần
Cúng lễ ông Công, ông Táo là một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là ngày gia đình sum vầy chuẩn bị đón Tết mà còn giúp mỗi người luôn hằng tưởng niệm biết ơn đến những vị Thần đã hộ trì cho mình. Tuy nhiên, mỗi người con Phật nên hiểu đúng về ý nghĩa của ngày này để thực hành cúng lễ đơn giản mà đúng Pháp; từ đó chăm chỉ tu học giáo lý của Phật, nghiêm trì giữ giới của người tại gia để công đức, phước báu được tăng trưởng và chân thật nhận được sự hộ trì của ông Công, ông Táo - tức các vị chư thiên, chư Thần. Mong rằng, mỗi người con Phật sẽ lan tỏa được nét đẹp văn hóa này một cách đúng đắn đến với xã hội, để ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một ngày thực sự có ý nghĩa không chỉ về mặt tinh thần mà còn về mặt tâm linh.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ Cách cúng ông Công ông Táo như nào để được phước
Sau khi làm lễ cúng Táo công các gia đình thường tất bật để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên, lễ cúng giao thừa. Để biết cách chuẩn bị cho các ngày lễ cuối năm được chu đáo hơn, mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của Tìm Đáp Án:
- Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa
- Chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên như thế nào?
- Bài văn khấn cúng Lễ Tất niên cuối năm
- Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời năm Canh Tý 2020
- Văn khấn cúng giao thừa trong nhà năm Canh Tý 2020
Và còn rất nhiều bài viết hay về Tết âm lịch mời các bạn xem thêm trên chuyên mục Tết nguyên đán 2021 của Tìm Đáp Án.