Top 7 biện pháp, sáng kiến kinh nghiệm tiểu học hay nhất
- 1. Biện pháp tính nhanh tính nhẩm cho học sinh lớp 5
- 2. Một số biện pháp rèn phát âm chuẩn cho học sinh lớp 1
- 3. Một số biện pháp giúp học sinh viết đúng chính tả
- 4. Một số biện pháp dạy tốt môn Tin học ở Tiểu học
- 5. Một số giải pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học
- 6. Một số biện pháp nâng cao chất lượng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 2
- 7. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả rèn chữ viết cho học sinh lớp 2
TimDapAnxin được chia sẻ cùng các thầy cô Top 7 biện pháp, sáng kiến kinh nghiệm tiểu học hay nhất trong giảng dạy dành cho giáo viên. Tổng hợp các đề tài sáng kiến kinh nghiệm Tiểu Học hay nhất trong giảng dạy dành cho giáo viên thảm khảo.
1. Biện pháp tính nhanh tính nhẩm cho học sinh lớp 5
Việc nâng cao chất lượng học tập tính nhanh, tính nhẩm cho học sinh là vấn đề đáng quan tâm trong nhà trường tiểu học nhằm giúp các em rèn luyện kỹ năng tính toán trong học tập và khả năng ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày. Để đạt được điều đó, cần những biện pháp gì?
Biện pháp 1: Phân dạng nội dung tính nhanh, tính nhẩm.
Nếu chúng ta rèn cho học sinh giải bài tập tính nhanh, tính nhẩm mà không nhớ dạng, giải toán tràn lan, rời rạc thì không những sẽ khó khăn mà còn không đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, biện pháp đầu tiên của chúng tôi là áp dụng phân dạng để có cơ sở rèn luyện một cách có hệ thống.
Căn cứ vào nội dung chương trình, căn cứ vào những dạng toán cụ thể đã thống kê ở từng lớp, căn cứ vào dạng vốn kiến thức cần huy động, có thể phân nội dung tính nhanh, tính nhẩm dọc theo chương trình môn toán ở tiểu học thành 4 dạng cơ bản sau:
- Dạng 1: Sử dụng khái niệm số, khái niệm phép tính.
- Dạng 2: Vận dụng tính chất đặc biệt của số 0, số 1.
- Dạng 3: Vận dụng tính chất cơ bản của phép tính.
- Dạng 4: Vận dụng tổng hợp sáng tạo
Biện pháp 2: Thực hành luyện tập các dạng toán có hệ thống.
Trên cơ sở phân dạng nội dung tính nhanh, tính nhẩm, giáo viên cho học sinh thực hành luyện tập một cách có hệ thống nhằm nâng cao kỹ năng tính cho học sinh.
Sử dụng khái niệm số, khái niệm phép tính. Đây là dạng toán tương đối khó với học sinh tiểu học. Chính vì thế giáo viên phải có những cách luyện tập khác nhau để học sinh nắm vững được cách làm.
Biện pháp 3: Thiết kế bổ sung một số bài tập mới.
Trong sách giáo khoa toán có rất nhiều bài tập để cũng cố, rèn luyện kỹ năng tính nhanh, tính nhẩm. Để phát huy hết sự nhanh nhẹn trong suy tư của học sinh. Các thầy cô có thể sưu tầm để bổ sung thêm một số bài tập nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Các bài tập này được bổ sung cho học sinh lớp 5. Vì thế tùy thuộc và từng đối tượng học sinh, trình độ của học sinh mà giáo viên lựa chọn một số bài tập cho hợp lý.
Biện pháp 4: Phối hợp các hình thức tổ chức dạy học với hoạt động vui chơi để tăng khả năng ứng dụng trong thực tế.
Áp dụng hình thức các trò chơi:
- Trò chơi: Ai nhanh?
- Trò chơi: Trắc nghiệm
- Trò chơi tìm kết quả nhanh
Đối với giáo viên trong quá trình dạy học toán
- Rèn cho học sinh thói quen tính nhanh tính nhẩm, thói quen quan sát nhận xét, nhận dạng bài toán để tìm ra cách giải nhanh nhất…….
- Vận dụng cách tính nhanh tính nhẩm vào giải các bài toán liên quan để giảm bớt thời gian lãng phí không cần thiết…..
- Hướng dẫn học sinh cách phát hiện vấn đề từ những giả thiết cơ bản của bài toán
2. Một số biện pháp rèn phát âm chuẩn cho học sinh lớp 1
Giải pháp thứ nhất: Rèn cho học sinh phát âm theo mẫu.
Giáo viên cần luyện kĩ năng phát âm chuẩn cho học sinh ngay từ chữ cái đầu tiên. Muốn học sinh phát âm chuẩn trước hết giáo viên phải phát âm chuẩn, phải biết cách lắng nghe và quan sát cách phát âm của từng học sinh để nhanh chóng nhận ra lỗi phát âm của các em là do đâu.
Từ đó giáo viên lập kế hoạch hướng dẫn cho các em phát âm theo mẫu. Giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh tự quan sát và lắng nghe lời đọc của bạn. Cho học sinh tự nêu lỗi phát âm của mình. Sau đó giáo viên hướng dẫn cách phát âm của chữ em phát âm chưa đúng và nghe cô đọc mẫu. Từ đó các em phát âm lại theo âm chuẩn thật chính xác.
Giải pháp thứ hai: phân tích giữa âm và chữ ghi âm:
Giáo viên hướng dẫn cách phát âm của từng chữ ví dụ: âm “v” với phụ âm v giáo viên cần mô tả vị trí của lưỡi; răng trên ngậm hờ môi dưới, hơi ra bị sát nhẹ rồi giáo viên phát âm mẫu, học sinh Nam, Thảo, Nhi luyện đọc theo.
Tương tự với âm tr đầu lưỡi chạm vào vòm cứng bật ra không có tiếng thanh. Âm ch lưỡi trước chạm lợi rồi bật nhẹ, không có tiếng thanh (trăn/chăn. tre/che…).
Âm l/n: âm l lưỡi đưa lên chạm lợi hơi đưa ra từ họng xát nhẹ, âm n đầu lưỡi chạm lợi hơi thoát ra cả miệng lẫn mũi.
Ví dụ: la/na; nón/lón; làng/nàng;…).
Giải pháp thứ ba: Giáo viên chữa lỗi phát âm chưa đúng thanh điệu cho học sinh:
Trong các lớp tôi nghiên cứu có gần 2/3 là học sinh nói tiếng của miền Trung. Các em thường phát âm chưa đúng ở các tiếng chứa dấu thanh Vì vậy tôi phân tích các tiếng rồi cho học sinh phân biệt các dấu thanh gắn trên các tiếng đó, sau đó đọc mẫu và hướng dẫn các em cách phát âm đúng, từ đó các em đọc theo và giáo viên uốn nắn sửa chữa kịp thời.
Ví dụ: Thanh ngã các em hay lẫn với thanh nặng như: “dũng / dụng, mỡ/mợ, nỡ / nợ, …).
Giáo viên đưa ra một số tiếng từ chữa dấu thanh học sinh thường đọc không đúng và nêu tác hại khi phát âm không đúng người nghe sẽ hiểu nghĩa khác đi rồi yêu cầu học sinh luyện đọc đúng theo nhiều hình thức cá nhân, nhóm, đôi bạn cùng đọc cho nhau nghe.
Giải pháp thứ tư: Giáo viên chữa lỗi phát âm bằng cách phân tích âm và vần:
Giải pháp này là giáo viên phân tích các âm học sinh thường phát âm chưa đúng rồi giáo viên đọc mẫu. Luyện cho học sinh đọc phân biệt l/n, tr/ch, s/x, v, r /d bằng cách nói các từ ngữ, câu tập trung nhiều phụ âm l/n, tr/ch…
Trong lớp có nhiều học sinh là nói tiếng miền Trung Nam bộ các em thường đọc chưa đúng vần có kết thúc bằng n, t, nh như: nhăn nhó/nhăng nhó, tát nước/tác nước, bát ngát/ bác ngác, nhanh nhẹn… Hoặc các vần uôn học sinh đọc là un, ươu / iêu, ưu/iu. luyện đọc các câu khó như: “Trùng triềng như nón không quai”. “Ấm đẹp lòng người lúa lổ lung linh”. “Đi Hà Nội mua cái nồi nấu cơm nếp”. “Chăn rách giặt sạch vắt cành chanh”. “Lúa lên lớp lớp nồng nàn lâng lâng”. Sau đó các em luyện theo nhiều hình thức tổ, nhóm, cá nhân.
Giải pháp thứ năm: Giáo viên chữa lỗi phát âm bằng cách luyện tập, thực hành trong các môn học:
Giáo viên luôn động viên nhắc nhở các em phải luôn mạnh dạn rèn phát âm chuẩn trong tất cả các môn học, chú ý, quan sát, lắng nghe cô giáo hướng dẫn, tự tin, chăm chỉ trong học tập, biết phối hợp cùng bạn bè, mạnh dạn hỏi thầy, cô giáo và bạn bè khi mình chưa hiểu, luôn có ý thức luyện phát âm đúng. Không những trong phân môn tập đọc mà các em cần phải phát âm chuẩn trong các môn học khác như: Toán khi đọc số, đọc yêu cầu bài tập, bài toán có lời văn. Nếu đọc không đúng người nghe sẽ không hiểu được bài toán.
Trong phân môn Âm nhạc giáo viên cũng cần hưỡng dẫn. Âm vực của thanh huyền thấp hơn thanh sắc nên tập hát thanh sắc thành thanh huyền, không thanh rất thuận lợi. Chẳng hạn học sinh hát câu “Cái cây xanh xanh, thì lá cũng xanh. Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng” hoặc luyện phát âm thanh điệu cho học sinh hát câu” Mặt trời soi rực rỡ…”
Hằng ngày dành thời gian hợp lí để đọc báo măng non, đọc truyện trong sáng lành mạnh. Khi giáo viên nắm chắc các biện pháp chữa lỗi phát âm và đã phát âm đúng, chuẩn, rõ ràng, diễn cảm rồi thì người đọc dễ dàng phát âm chuẩn.
Giải pháp thứ sáu: Sử dụng tranh ảnh và dụng cụ học tập một cách thường xuyên trong tiết dạy:
Tranh ảnh và đồ dùng dạy học rất quan trọng không thể thiếu được trong việc dạy học nhất là ở phân môn tập đọc. Càng có tranh ảnh, đồ dùng thì càng tạo nên sự hứng thú của học sinh trong tiết học. Chính vì vậy, mỗi tiết học, giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, nắm được mục tiêu của từng bức tranh, cách sử dụng đồ dùng,…
Khi dạy Tập đọc lớp 1 phải thường xuyên sử dụng tranh, ảnh, vật thật phù hợp với nội dung từng bài học.
Đồ dùng dạy học giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức, phát triển kĩ năng thực hành. Kích thích hứng thú nhận thức của học sinh. Phát triển trí tuệ, giáo dục nhân cách cho học sinh.
Đồ dùng dạy học giúp cung cấp các kiến thức một cách chắc chắn. làm cho việc giáo dục trở nên cụ thể hơn, nhẹ nhàng hơn. Giúp giáo viên kiểm tra khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.
Giải pháp thứ bảy: Giáo viên kết hợp với phụ huynh rèn phát âm cho học sinh
Giải pháp thứ tám: Giáo viên rèn cho học sinh sự động não
Giải pháp thứ chín: Rèn tính tự giác, tự tin, chủ động, tích cực, hợp tác trong học tập
Giải pháp thứ mười: Giúp học sinh chia sẻ, hợp tác với bạn bè cùng lứa tuổi.
Giải pháp thứ mười một: Luyện phát âm chuẩn bằng các trò chơi trên bảng
Giải pháp thứ mười hai: Động viên khuyến khích học sinh bằng nhiều hình thức như phát phần thưởng
3. Một số biện pháp giúp học sinh viết đúng chính tả
Chính tả là một phân môn trong môn Tiếng Việt, có vai trò rất quan trọng trong việc rèn kĩ năng: nghe – nói – đọc – viết. Học sinh tiểu học muốn học tốt các môn học khác, trước hết phải học tốt môn Tiếng Việt, cụ thể qua phân môn Chính tả. Nếu các em viết chính tả còn sai nhiều lỗi, do không nắm vững qui tắc chính tả hoặc do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. Chính vì thế, khi dạy phân môn Chính tả, mỗi giáo viên chúng ta cần lưu ý cho học sinh nắm được qui tắc viết chính tả và đặc biệt giáo viên cần phát âm chuẩn.
Biện pháp 1: Luyện phát âm.
Muốn học sinh viết đúng chính tả, giáo viên phải phát âm chuẩn, cần luyện phát âm cho học sinh để phân biệt các thanh điệu, các âm đầu, âm chính, âm cuối vì chữ quốc ngữ là chữ ghi âm “phát âm thế nào, chữ ghi lại thế ấy”.
Việc rèn phát âm không chỉ được thực hiện trong tiết Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn… mà được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài trong tất cả các tiết học; trọng tâm trong phân môn chính tả, tôi thường luyện viết sau đó luyện phát âm những chữ ghi tiếng khó hoặc dễ lẫn lộn (tiếng mang vần khó, tiếng có âm, vần dễ viết sai do ảnh hưởng của phương ngữ hay thói quen).
Đối với những học sinh còn yếu về mặt phát âm, tôi thường nhắc nhở các em chú ý nghe đọc để viết cho đúng. Vì vậy, giáo viên phải cố gắng phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải mới có thể giúp học sinh viết đúng được.
Song song với việc luyện phát âm cho học sinh, khâu phân tích so sánh tiếng, từ cũng rất quan trọng trong giờ học chính tả.
Biện pháp 2: Phân tích, so sánh.
Với những tiếng khó, tôi đã áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh với những tiếng dễ lẫn lộn, nhấn mạnh điểm khác nhau để các em ghi nhớ.
Ví dụ: Khi viết tiếng “muống” học sinh dễ lẫn lộn với tiếng “muốn”, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo hai tiếng này.
So sánh để thấy sự khác nhau: Tiếng “muống” có âm cuối là “ng” tên của một loại rau (rau muống), tiếng “muốn” có âm cuối là “n” thường ghép sau một tiếng tạo nên từ trong câu văn có nghĩa. Ví dụ: mong muốn…, ước muốn… Giúp học sinh ghi nhớ điều này, khi viết, các em sẽ không viết sai.
Do phương ngữ của từng vùng miền khác nhau, cách phát âm đôi khi chưa thống nhất với chữ viết nên học sinh cần nắm rõ nghĩa của từ để viết cho đúng.
Biện pháp 3: Giải nghĩa từ.
Việc giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết Luyện từ và câu, Tập đọc, Tập làm văn… và cũng là việc làm rất cần thiết trong tiết Chính tả, khi mà học sinh không thể phân biệt từ khó dựa vào phát âm hay phân tích cấu tạo tiếng.
Có nhiều cách để giải nghĩa từ: Có thể cho học sinh đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,…
Ví dụ: Phân biệt mắt và mắc
- Giải nghĩa từ mắt: Cho học sinh quan sát hình ảnh đôi mắt (cơ quan để nhìn).
- Giải nghĩa từ mắc: Có thể cho học sinh đặt câu với từ mắc (mắc lỗi).
Với những từ nhiều nghĩa, giáo viên phải đặt từ đó trong văn cảnh cụ thể để giải nghĩa từ.
Biện pháp 4: Ghi nhớ mẹo luật chính tả.
- Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ, giúp khắc phục lỗi chính tả cho học sinh một cách rất hữu hiệu. Ngay từ lớp 1, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản như: các âm đầu k, gh, ngh chỉ kết hợp với các nguyên âm i, e, ê. Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo luật khác như:
+ Để phân biệt âm đầu tr/ch: Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch. Như: chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn, chõ,… chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu…
+ Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, sung, sắn, sim, su su, sầu riêng, sáo, sâu,…
+ Luật bổng – trầm: Trong các từ láy điệp âm đầu, thanh của 2 yếu tố ở cùng một hệ bổng (ngang/sắc/hỏi) hoặc trầm (huyền/ngã/nặng). Để nhớ được 2 nhóm này, tôi đã dạy cho học sinh thuộc 2 câu thơ:
Em Huyền mang nặng, ngã đau
Anh Ngang sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào.
Nghĩa là đa số các từ láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền, nặng, ngã thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã, nếu yếu tố đứng trước mang thanh ngang, sắc, hỏi thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi (hoặc ngược lại).
Biện pháp 5: Giúp học sinh viết đúng chính tả qua các bài tập.
Khi tổ chức các hoạt động thực hành luyện tập, tôi lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với từng đối tượng học sinh và phù hợp với từng nội dung bài tập nhằm tạo hứng thú, phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học.
Trong quá trình học sinh làm bài tập, tôi thường tổ chức các em thảo luận nhóm làm bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên để giúp học sinh tự tìm ra kiến thức bài tập. Đối với các dạng bài tập khó, thì tổ chức cho học sinh luyện tập dưới hình thức trò chơi hoặc thảo luận nhóm, hiệu quả việc sửa chữa lỗi sẽ tốt hơn.
Ngoài ra có thể đưa thêm các dạng bài tập chính tả khác nhau để giúp học sinh tập vận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể. Sau mỗi bài tập, tôi đã rút ra các quy tắc chính tả để các em ghi nhớ.
Biện pháp 6: Giúp học sinh viết đúng chính tả khi chữa bài:
Biện pháp 7: Khắc phục lỗi chính tả do đặc điểm tâm sinh lí học sinh.
4. Một số biện pháp dạy tốt môn Tin học ở Tiểu học
Trong các hoạt động dạy học môn Tin học ở các trường Tiểu học hiện nay, thì người giáo viên ít được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về sư phạm Tin học Tiểu học và học sinh mới được tiếp xúc về máy vi tính. Do đó người giáo viên cần phải không ngừng tìm tòi khám phá, khai thác, xây dựng hoạt động, vận dụng, sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học trong các giờ học sao cho phù hợp với từng kiểu bài, từng đối tượng học sinh, xây dựng cho học sinh một hướng tư duy chủ động, sáng tạo. Giáo viên phải có sự học tập, sự say mê cùng với lòng quyết tâm cao mới có thể đạt được yêu cầu của công việc, bởi vì học sinh ít khi được tiếp xúc với máy tính.
Một số biện pháp dạy tốt môn Tin học ở Tiểu học là:
1. Biện pháp giáo dục ý thức học tập cho học sinh.
Giáo viên phải giáo dục ý thức học tập của học sinh ở bộ môn mình, tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập bộ môn từ đó sẽ giúp cho học sinh có ý thức vươn lên. Trong mỗi tiết dạy giáo viên nên liên hệ nhiều kiến thức vào thực tế để học sinh thấy được ứng dụng CNTT và tầm quan trọng của môn Tin học trong thực tiễn và tương lai sau này.
Phải tạo cho không khí lớp học thoải mái nhẹ nhàng, giáo viên phải làm cho học sinh thương yêu, tôn trọng mình. Giáo viên không nên dùng biện pháp mạnh khi học sinh không chép bài vì làm như thế học sinh sẽ không thu hoạch được gì.
Động viên đúng mức đối với học sinh chưa hoặc không làm bài tập, cho dù các em làm dù sai, trên cơ sở đó giáo viên có thể chỉ ra chỗ sai, chỗ thiếu cho từng học sinh. Bên cạnh đó khen ngợi, khích lệ kịp thời đối với từng học sinh, giáo viên phải làm cho học sinh có lòng tin vào bản thân mình.
2. Biện pháp hướng dẫn học sinh quan sát kết hợp với thực hành.
Ngay từ bài học đầu tiên trong chương trình học Tin học, phải xác định rõ cho học sinh nhận biết các bộ phận của máy tính và tác dụng của các bộ phận đó bằng cách cho học sinh quan sát ngay trong giờ giảng lý thuyết
5. Một số giải pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học
Giáo dục trong nhà trường không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn phải dạy học sinh những giá trị nhân sinh quan, giúp học sinh hình thành kĩ năng sống, biết phân biệt đúng sai. Một số biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học dưới đây sẽ giúp các thầy cô có thêm biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
1. Biện pháp nhận thức sâu sắc về việc dạy trẻ kĩ năng sống.
Chương trình học chính khoá thường cho trẻ tiếp xúc từ từ với các kiến thức văn hoá trong suốt năm học, còn thực tế trẻ sẽ học tốt nhất khi có được cách tiếp cận một cách cân bằng, biết cách phát triển các kĩ năng nhận thức, cảm xúc và xã hội. Vì thế, khi trẻ tiếp thu được những kĩ năng giao tiếp xã hội và các hành vi ứng xử cơ bản trong nhóm bạn, thì trẻ sẽ nhanh chóng sẵn sàng và có khả năng tập trung vào việc học văn hoá một cách tốt nhất.
2. Biện pháp xác định những kĩ năng sống cơ bản cần dạy trẻ ở lứa tuổi tiểu học.
Đối với tâm sinh lý trẻ em bậc tiểu học thì có nhiều kĩ năng quan trọng mà trẻ cần phải biết trước khi tập trung vào học văn hoá đặc biệt là trẻ em độ tuổi lớp1. Thực tế kết quả của nhiều nghiên cứu đều cho thấy các kĩ năng quan trọng nhất trẻ phải học vào thời gian đầu của năm học chính là những kĩ năng sống như: sự hợp tác, tự kiểm soát, tính tự tin, tự lập, tò mò, khả năng thấu hiểu và giao tiếp. Việc xác định được các kĩ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp giáo viên lựa chọn đúng những nội dung trọng tâm để dạy trẻ.
3. Biện pháp cụ thể hóa nội dung của những kĩ năng cơ bản mà giáo viên cần dạy trẻ:
Kĩ năng sống tự tin: Một trong những kĩ năng đầu tiên mà giáo viên cần chú tâm là phát triển sự tự tin, lòng tự trọng của trẻ. Nghĩa là giúp trẻ cảm nhận được mình là ai, cả về cá nhân cũng như trong mối quan hệ với những người khác. Kĩ năng sống này giúp trẻ luôn cảm thấy tự tin trong mọi tình huống ở mọi nơi.
Kĩ năng sống hợp tác: Bằng các trò chơi, câu chuyện, bài hát giáo viên giúp trẻ học cách cùng làm việc với bạn, đây là một công việc không nhỏ đối với các em học sinh lứa tuổi này. Khả năng hợp tác sẽ giúp các em biết cảm thông và cùng làm việc với các bạn.
Kĩ năng thích tò mò, ham học hỏi, khả năng thấu hiểu: Đây là một trong những kĩ năng quan trọng nhất cần có ở các em vào giai đoạn này là sự khát khao được học. Người giáo viên cần sử dụng nhiều tư liệu và ý tưởng khác nhau để khơi gợi tính tò mò tự nhiên của các em. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, các câu chuyện hoặc các hoạt động và tư liệu mang tính chất khác lạ thường khơi gợi trí não nhiều hơn là những thứ có thể đoán trước được.
Kĩ năng giao tiếp: Giáo viên cần dạy trẻ biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu, trẻ cần cảm nhận được vị trí, kiến thức của mình trong thế giới xung quanh nó. Đây là một kĩ năng cơ bản và khá quan trọng đối với trẻ. Nó có vị trí chính yếu khi so với tất cả các kĩ năng khác như đọc, viết, làm toán và nghiên cứu khoa học. Nếu các em cảm thấy thoải mái khi nói về một ý tưởng hay chính kiến nào đó, các em sẽ trở nên dễ dàng học và sẽ sẵn sàng tiếp nhận những suy nghĩ mới. Đây chính là yếu tố cần thiết để giúp học sinh sẳn sàng học mọi thứ.
Ngoài ra, ở nhà trường giáo viên cần dạy học sinh nghi thức văn hóa trong ăn uống qua đó dạy các em kĩ năng lao động tự phục vụ, rèn tính tự lập như: Biết tự rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, chỉ ăn uống tại bàn ăn, biết cách sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống một cách đúng đắn, ăn uống gọn gàng, không rơi vãi, nhai nhỏ nhẹ không gây tiếng ồn, ngậm miệng khi nhai thức ăn, biết mời trước khi ăn, cảm ơn sau khi ăn, biết tự dọn, cất đúng chỗ bát, chén, thìa … hoặc biết giúp người lớn dọn dẹp, ngồi ngay ngắn, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
4./ Biện pháp xác định nhiệm vụ cơ bản và phân công trách nhiệm trong việc dạy học sinh kĩ năng sống.
5./ Biện pháp giúp trẻ phát triển các kĩ năng sống qua việc tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh trong nhà trừơng.
6./ Biện pháp tạo môi trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ kĩ năng sống
6. Một số biện pháp nâng cao chất lượng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 2
Phân môn Toán trong chương trình giảng dạy Toán lớp 2 chiếm một vị trí quan trọng trong bậc Tiểu học. Nó là nền tảng cho việc học tốt môn Toán ở các lớp tiếp theo của bậc Tiểu học và Trung học sau này. Việc tìm các biện pháp giảng dạy thích hợp, giúp các em giải bài toán một cách vững vàng; mặt khác giúp các em có phương pháp suy luận thông qua cách trình bày, lời giải đúng, ngắn gọn, sáng tạo trong cách thực hiện. Từ đó giúp các em hứng thú, say mê học toán.
Biện pháp/giải pháp thực hiện
1. Điều tra, phân loại đối tượng học sinh
2. Giảng bài mới kết hợp củng cố, vận dụng kiến thức đã học
Giảng bài mới trong tiết học Toán hết sức quan trọng. Học sinh có vận dụng luyện tập giải Toán đúng hay sai là ở chỗ này. Do vậy, trong khi dạy, thầy cô hãy bảo đảm truyền thụ đủ nội dung kiến thức của bài học bằng cách chuẩn bị bài hết sức chu đáo, cẩn thận. Soạn bài trước vài ngày để có thêm thời gian nghiên cứu, hiểu kỹ yêu cầu nội dung của bài học.
Với cách thực hiện như thế, học sinh sẽ tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng mà đầy đủ kiến thức, được củng cố kiến thức cũ có hệ thống, vận dụng giải Toán sẽ linh hoạt, không bị gò ép, phụ thuộc, tạo cho học sinh có thói quan chủ động tích cực trong giải Toán.
Ở lớp hai: Các em được ôn lại các dạng toán lớp 1 và luyện thêm các dạng toán này với các số trong phạm vi 100, giúp các em hiểu mối quan hệ giữa các đối tượng với các dữ kiện đơn giản của bài toán. Từ đó hình thành tư duy học toán cho học sinh, giúp các em phân tích, tổng hợp, giải được các dạng toán nhanh, chính xác. Bước đầu có kỹ năng trình bày bài toán.
Hình thức rèn luyện: Học sinh nhận xét dữ kiện, tóm tắt đề toán, tìm ra cách giải. Với cách làm này học sinh mạnh dạn, tự tin vào bản thân, dần dần ham thích giải toán để thể hiện khả năng chính mình.
Vai trò của người thầy rất quan trọng. Lời phát biểu của các em dù đúng hay sai, thì người giáo viên cũng phải có lời động viên hợp lý. Nếu học sinh phát biểu sai, hoặc chưa đúng, thầy cô động viên “gần đúng rồi, em cần suy nghĩ thêm nữa, thì sẽ đúng hơn …” giúp các em cố gắng suy nghĩ làm bằng được, chứ không nên nói “sai rồi, không đúng …” làm mất hứng của học sinh, ức chế học sinh tự ti, chán học.
Bước này là bước quan trọng giúp học sinh không sợ giải toán, thích thi nhau làm để khẳng định mình, từ đó có kỹ năng giải toán vững chắc với lời giải thông thường.
3. Từ tư duy đúng, tìm được cách giải đúng giúp các em trình bày bài giải đúng
Hợp lý về lời giải, về phép tính, cách ghi tên đơn vị và ghi đáp số để hoàn thiện bài toán.
Bước này tuy đơn giản nhưng tương đối khó với học sinh. Đó là lời văn ngắn gọn, chính xác, đúng nội dung bài để trả lời (phép tính tìm gì ?) theo thứ tự.
Lời giải: lời giải – phép tính – đáp số.
Cần lưu ý: Phép tính trong giải toán có lời văn không ghi tên đơn vị (danh số) đó là phép tính trên số nên đặt tên đơn vị trong vòng đơn để giải thích, mục đích thực hiện phép tính.
4. Tìm cách giải đúng chưa đủ, giáo viên còn giúp học sinh tìm nhiều cách đặt lời giải để phát huy trí lực học sinh tạo điều kiện cho tư duy toán phát triển
Bước này đối với học sinh còn khó khăn trong giải toán là tương đối khó. Song người giáo viên phải hướng dẫn gợi mở, giúp học sinh thể hiện được khả năng giải toán của mình là cần thiết.
5. Kết hợp giải toán là rèn luyện kỹ năng tính toán giúp học sinh giải toán đúng tránh nhầm lẫn khi tính toán
Vì có những em nhiều khi cách giải đúng nhưng tính toán sai dẫn đến kết quả bài toán sai. Vậy tôi phải nhắc nhở học sinh khi làm bài phải tính toán chính xác, trình bày khoa học rõ ràng. Nếu là phép + – trong bảng học thuộc để vận dụng nhanh. Nếu là các phép + – ngoài bảng các em phải đặt tính cột dọc.
6. Chấm chữa kịp thời để uốn nắn, khắc sâu kiến thức, rèn kỹ năng giải toán
7. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả rèn chữ viết cho học sinh lớp 2
Rèn chữ viết cho học sinh luôn được ngành giáo dục và xã hội quan tâm. Hằng năm phòng giáo dục điều tổ chức cho học sinh thi vở sạch chữ đẹp nhằm khuyến khích động viên cho các em viết chữ đẹp. Nhiều thầy cô giáo đã góp công góp sức để cải tiến kiểu chữ, nội dung cũng như phương pháp dạy học chữ viết. Tuy vậy nhiều học sinh vẫn còn viết sai, viết sấu, viết chậm. Rèn chữ viết cho học sinh nhằm giáo dục tính cẩn thận,cần cù cho học sinh.
Trong thực tế đôi khi chỉ qua chữ viết của một người ta có thể nhận ra một vài nét trong tính cách của họ. Nhưng quan trọng hơn cả là cùng với lời nói, chữ viết là phương tiện giao tiếp của con người. Chữ viết đúng, sạch đẹp rõ ràng không những giúp người đọc dễ hiểu mà còn tạo thiện cảm với người đọc.
Các biện pháp cụ thể giúp học sinh viết đúng từng nhóm chữ:
Biện pháp 1: Thực hiện các giai đoạn rèn chữ:Rèn học sinh viết đúng, viết đẹp các nét cơ bản:
- Từ những nét cơ bản này, các chữ cái sẽ được tạo thành. Với một số kinh nghiệm bản thân cùng với sự trao đổi, học hỏi đồng nghiệp, tôi nhận thấy: Nếu học sinh viết các nét cơ bản không đúng, không đẹp thì việc viết xấu, viết sai là điều không tránh khỏi. Chẳng hạn với nét khuyết trên và nét khuyết dưới, học sinh không rèn viết ngay từ đầu thì dễ viết lệch, xấu sẽ dẫn đến những chữ được tạo bởi 2 nét đó như: h, k, g, y... cũng không được đẹp và đây cũng là 2 nét khó mà học sinh thường lúng túng khi viết. Từ những nét cơ bản này, học sinh sẽ viết sang chữ rất dễ dàng vì đã định hướng được chữ cần viết gồm có những nét nào tạo thành.
Rèn học sinh viết đúng, viết đẹp các con chữ:
Để thuận tiện cho công việc giảng dạy và cho học sinh dễ dàng hơn trong Tiếng Việt (phần Tập viết), tôi đã phân loại chữ cái đồng dạng thành các nhóm giúp học sinh dễ dàng tập luyện. Khi hướng dẫn học sinh viết, tôi tiến hành như sau:
- Đưa chữ mẫu và tập cho học sinh có thói quen đọc thầm, phân tích hình dáng cấu tạo, độ cao chữ sắp viết.
- Viết mẫu trên bảng thật chậm đúng theo qui tắc với nét chữ chuẩn và chân phương, các em sẽ tận mắt nhìn thấy tay cô đang viết từng nét chữ. Lưu ý học sinh cách nối nét sao cho đẹp là yếu tố quan trọng góp phần rèn nên chữ viết đẹp của học sinh, khi viết nhắc nhở các em chú ý về khoảng cách nối nét giữa các con chữ sao cho vừa phải, hợp lí để chữ viết đều nét và có tính thẩm mỹ.
Hướng dẫn học sinh tập viết thuần thục trên bảng con vì bảng con là phương tiện ưu việt giúp tôi chỉnh sửa kịp thời và nhanh chóng lỗi sai của học sinh.
- Giai đoạn viết bút chì (từ đầu năm học đến hết tuần 1) thầy cô hướng dẫn học sinh chuốt bút chì sao cho đầu bút không quá nhọn vì khi di chuyển bút trên giấy khó, dễ gãy ngòi và xước giấy, nét chữ bị mỏng, cũng không để đầu bút quá to làm nét chữ bị lớn quá không đẹp, vở sẽ bị dơ; hạn chế tối đa việc dùng tẩy bôi xoá nhằm tạo cho em có ý thức cẩn thận không ỷ lại vào “cục tẩy”.
Khi học sinh viết vở, thầy cô hướng dẫn cho học sinh viết từng chữ từng dòng, luôn kiểm tra, sâu sát với từng em để chỉnh sửa kịp thời kết hợp với việc nhắc các em giữ gìn vở cẩn thận (không để vở quăn góc), tôi luôn yêu cầu hai học sinh ngồi cạnh nhau thường xuyên kiểm tra vở nhau để nhắc nhau chỉnh sửa.
- Đến giai đoạn học sinh viết bút mực và viết chữ nhỏ cũng cần phải lưu ý một số điều: thống nhất với cả lớp là dùng mực màu tím, giới thiệu một số loại bút tốt, viết nét đẹp để phụ huynh mua cho các em. Trong quá trình viết bút mực, tôi luôn lưu ý học sinh cẩn thận để hạn chế tối đa sai sót. Khi lỡ sai, các em dùng bút chì và thước kẻ gạch ngang lên chữ viết sai, rồi viết lại chữ đúng bên cạnh.
- Đối với cỡ chữ nhỏ, thầy cô cho học sinh luyện riêng trong vở rèn chữ ở nhà nội dung bài học (chỉ cho học sinh rèn viết một phần bài học, khoảng 4 - 5 dòng) tránh tình trạng các em phải viết quá nhiều, dẫn đến việc nhàm chán.
Biện pháp 2: Chú ý rèn chữ viết trong tất cả các môn học.Không chỉ uốn nắn, rèn luyện nét chữ cho các em ở phần Tập viết, thầy cô nên chú trọng đến việc rèn chữ viết, cách trình bày bài vở sạch đẹp, khoa học ở tất cả các môn học cho học sinh. Có như thế, việc luyện tập viết chữ mới được củng cố đồng bộ và thường xuyên.
Biện pháp 3: Đổi mới phương pháp, tạo sự hài hước nhẹ nhàng trong giờ rèn chữ:Vận dụng phương pháp giáo dục thân thiện giữa thầy và trò trong giờ rèn chữ. Đó là sự ân cần hướng dẫn chi tiết đến từng học sinh, không nên, không vội, không nóng nảy, chú ý nếu có vấn đề mà mình chưa thể trả lời được ngay thì nên khiêm tốn hẹn học sinh để nghiên cứu và xem xét lại rồi hẹn và thực hiện trả lời trước học sinh. Sự khiêm tốn của người thầy trong trường hợp này là một tấm gương rất có giá trị cho học sinh.
Thầy cô cần thể hiện sự bao dung, tha thứ, sự hiểu biết về tâm lí lứa tuổi trước các lỗi lầm của học sinh “ nhẹ nhàng mà nghiêm khắc” (như quên mang vở, lỡ tay làm lem mực vào vở, viết sai nét,) với những trường hợp như vậy có thể cho học sinh viết tạm vào một quyển vở khác, hay nhắc nhở học sinh rút kinh nghiệm lần sau.
Tạo hứng thú trong giờ học thông qua các thủ thuật suy luận của giáo viên, dẫn dắt học sinh tự tìm ra con đường giải quyết vấn đề, tạo cho học sinh có cảm giác là chính các em đã tìm ra giải pháp, rèn luyện, khuyến khích các em có thói quen tự học, giữ lâu bền độ tập trung chú ý để tạo hứng thú học tập lâu dài.
Ngoài việc giảng dạy theo phương pháp đặc trưng phân môn, trong quá trình rèn luyện, thầy cô hãy chú ý uốn nắn học sinh những điểm sau:
- Về tâm lí học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 2 thường hiếu động, thiếu kiên trì nên nhiều em không tự giác khi viết bài. Các em muốn viết thật nhanh chóng cho hết bài để chơi. Để khắc phục điều này, tôi có quy định với học sinh: viết từng dòng theo hiệu lệnh của cô. Nhờ vậy, tránh được tình trạng viết nhanh, viết ẩu trong quá trình viết của học sinh. Đặc biệt, với những em viết đẹp, có nhiều cố gắng thì tôi sẽ nhận xét động viên, tuyên dương trước lớp để các em khác nhìn vào noi theo.
- Không chỉ vậy, muốn học sinh viết đẹp thì với những chữ khó viết, thầy cô nên cho các em luyện viết ở bảng con nhiều, đến khi nào học sinh viết tương đối đồng đều thì lúc đó mới viết vào vở. Những học sinh nào viết bảng con xấu, chậm, thầy cô có thể xuống tận nơi cầm tay uốn nắn các em viết cho đúng.
- Với học sinh, việc ôn bài của học sinh cũng góp phần rất quan trọng để tạo hứng thú cho học sinh, thầy cô có thể tiến hành theo một số cách sau để thu hút học sinh trong các giờ học Tập viết:
- Khi nhận xét chữ viết của học sinh, thầy cô cho học sinh quan sát lại chữ mẫu, gợi ý để học sinh tự nhận xét chữ viết của mình và của bạn, biết tự tham gia chữa lại những chỗ đã viết sai.
- Cho học sinh luyện viết lại những chữ chưa đạt yêu cầu.
- Tổ chức một số trò chơi để tránh căng thẳng, mệt mỏi cho học sinh.
- Cuối mỗi tuần, thầy cô quy định cho học sinh viết 1 bài thi viết chữ đẹp và chọn những em có bài vở trong tuần sạch sẽ và chữ đẹp để trao phần thưởng, có khi là cây bút chì, cây thước nhựa nhưng các em rất vui vẻ và rất có ý thức phấn đấu. Các bài sạch đẹp của các em, thầy cô có thể gắn lên trưng bày sản phẩm: góc Chữ viết đẹp cho các bạn tham khảo và noi gương.