Giáo án văn hóa giao thông lớp 2: Bài 5

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 13 Tháng mười một, 2018

Giáo án văn hóa giao thông lớp 2

Giáo án văn hóa giao thông lớp 2: Bài 5 được TimDapAnsưu tầm, tổng hợp cho các thầy cô tham khảo, hướng dẫn các thầy cô soạn Giáo án văn hóa giao thông lớp 2, hỗ trợ công tác giảng dạy của các thầy cô hoàn chỉnh và hiệu quả hơn. Mời các thầy cô tham khảo và tải về.

Giáo án văn hóa giao thông lớp 2: Bài 5

KHÔNG ĐI BỘ DÀN HÀNG NGANG TRÊN ĐƯỜNG

I- MỤC TIÊU

1. Kiến thức

HS biết đi bộ dàn hàng ngang trên đường là rất nguy hiểm không những gây tai nạn cho mình mà cho người khác nữa.

2. Kĩ năng

− HS xác định được cách đi bộ an toàn trên đường (trên hè phố, dưới lòng đường ở đô thị, trên đường ở nông thôn); biết cách đi bộ qua đường phố, đường giao thông ở đô thị và ở nông thông đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà không dàn hàng ngang.

− Biết cách phòng tránh khi gặp cản trở đơn giản trên đường phố.

− Biết đánh giá hành vi sai trái của người khác khi họ đi bộ mà dàn hàng ngang trên đường.

3. Thái độ

− HS có ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông dành cho người đi bộ.

− Biết vận động mọi người cùng thực hiện đúng.

II- CHUẨN BỊ

1. Giáo viên

− Tranh ảnh về người đi bộ và cách đi bộ an toàn, không an toàn khi dàn hàng ngang trên đường đề trình chiếu minh họa (nếu là giáo án điện tử).

− Tranh ảnh sưu tầm hoặc chuẩn bị, hoặc tranh ảnh về giao thông trong đồ dùng học tập của trường.

− Các hình ảnh trong sách Văn hóa giao thông dành cho học sinh lớp 2.

2. Học sinh

Sách Văn hóa giao thông dành cho học sinh lớp 2 và các đồ dùng theo sự phân công của GV.

III- CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU

- Các phương pháp và kĩ thuật dạy học

Có thể sử dụng kết hợp các phương pháp và kĩ thuật dạy học như: trải nghiệm, thảo luận nhóm/lớp, đóng vai, tổ chức trò chơi, thi đố,…

1) Dạy trong lớp

a) Trải nghiệm

- Em có thường đi bộ trên đường giao thông không?

- Em và mọi người đi bộ trên đường như thế nào để đảm bảo an toàn?

- Vậy khi đi bộ trên đường có bao giờ em nhìn thấy các bạn của mình dàn hàng ngang trên đường không? Em thấy việc làm đó có nguy hiểm không?

- GV dẫn dắt vào bài: Không đi bộ dàn hàng ngang trên đường.

b) Hoạt động cơ bản: Đọc truyện “Hại mình, hại người”

- GV cho HS đọc truyện, quan sát hình ảnh trong sách và cho HS thảo luận nhóm đôi hoặc thảo luận cả lớp theo các câu hỏi:

+ Vì sao Trung, Đức, Ngân và Hoa phải đi bộ dưới lòng đường?

+ Lúc đầu, bốn bạn đi bộ thế nào trên đường?

+ Vì sao chị đi xe đạp va phải bốn bạn?

+ Em rút ra được bài học gì cho mình qua câu chuyện trên?

+ Em có đi bộ đến trường mà dàn hàng ngang như các bạn Trung, Đức, Ngân và Hoa không? Vì sao?

- Cho HS thảo luận nhóm đôi các câu hỏi sau đó gọi các nhóm trả lời, một số nhóm bổ sung ý kiến.

- GV chốt ý:

+ Bốn bạn Trung, Đức, Ngân và Hoa phải đi bộ dưới lòng đường vì các hàng quán bán trên đường rất đông và xe cũng để choán hết lối đi.

+ Lúc đầu bốn bạn cũng đi theo hàng một theo lề phải nhưng sau đó các bạn lại dàn hàng ngang vừa đi vừa nói chuyện.

+ Đến một ngã ba, chị đi xe đạp rẽ bất ngờ nên va vào các bạn.

- Hai câu dưới HS trả lời theo ý của mình sau đó GV nhận xét.

- Để HS hiểu rõ hơn về đi bộ, an toàn, ngoài việc HS quan sát trong sách, GV còn có thể trình chiếu video clip, các tranh ảnh hoặc chuẩn bị các tranh ảnh trong khổ giấy A0 về đi bộ an toàn và không an toàn( đi dàn hang ngang dưới lòng đường).

- GV đưa ra kết luận cho HS dễ nhớ bài:

Trên đường xe cộ lại qua

Chớ đi hàng bốn hàng ba choán đường

c) Hoạt động thực hành

- GV yêu cầu HS xem 2 hình ảnh SGK và trả lời câu hỏi:

Trong 2 hình thì hình nào có hành động đúng, hình nào có hành động sai? Vì sao?

Cho HS thảo luận nhóm đôi để trả lời.

Goi đại diện nhóm trả lời, nhóm khác bổ sung ý kiến.

GV chốt ý:

+ Hình 1 là hành động sai vì các bạn đi xe đạp dàn nhiều hàng ngang trên đường. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho bản than và cả người đi đường.

+ Hình 2 là hành động đúng vì 2 bạn gái đã biết đi bộ theo hàng một và đi sát lề bên phải. Đi như vậy mới đảm bảo an toàn.

-Gv hỏi HS: Em sẽ nói gì với các bạn có hành động sai trong hình 1?

- Cho HS suy nghĩ cá nhân và trả lời.

- Gọi khoảng 3 em trả lời, GV chốt kết luận.

Dàn ngang đi trên phố đông

Dễ gây cản trở lại không an toàn

d) Hoạt động ứng dụng

-HS đọc mẩu chuyện ngắn trong sách.

-GV nêu câu hỏi:

+ Tại sao Đông lưỡng lự chưa đồng ý ngay?

+ Theo em, Ánh và Đông có nên làm theo đề nghị của Thư không? Vì sao?

-HS thảo luận nhóm 4 để trả lời 2 câu hỏi trên.

-Gv yêu cầu HS viết tiếp đoạn kết câu chuyện trên theo ý của em. Cho HS làm việc cá nhân viết vào sách của mình.

HS cần nêu được: Vỉa hè là lối đi chung dành cho người đi bộ; không phải nơi đùa nghịch, đi dàn hàng ngang hoặc tụm lại chiếm hết đường đi của người khác. Làm như vậy sẽ rất nguy hiểm cho bản than và cả người khác nữa. Mọi người đi bộ trên vỉa hè không làm những điều như trên là thể hiện người có văn hóa khi tham gia giao thông.

- GV kết luận: Lòng đường hay hè phố là lối đi chung. Em cần giữ trật tự và an toàn.

2. Tổ chức lớp học ở sân trường hoặc nơi khác: Đóng vai, thảo luận nhóm học cách đi bộ trên đường an toàn

− Tổ chức trò chơi “Đóng vai”:

+ GV chọn vị trí trên sân trường, kẻ một số vạch trên sân, chia thành đường đi và hè phố (vỉa hè), dựng vật cản tượng trưng trên hè phố để gây cản trở việc đi lại của người đi bộ. Tiếp theo, sẽ có vài HS đóng vai người đi bộ nắm tay nhau dàn hàng ngang đi dưới lòng đường.

+ GV yêu cầu HS thảo luận (với bạn bên cạnh hoặc 4 − 5 bạn ngồi gần nhau) về việc, làm thế nào để các bạn này có thể đi bộ trên hè phố bị lấn chiếm hoặc ở những nơi không có hè phố. Mỗi lần GV chọn các HS (hoặc để các em tự xung phong) đóng vai người đi bộ thực hiện phương án xử lí tình huống của mình.

+ HS thảo luận, GV gọi đại diện các nhóm lên trình bày kết quả làm việc của nhóm.

+ Sau trò chơi, GV nhận xét, chốt ý đúng về cách đi bộ trên đường không dàn hàng ngang mặc dù có vật cản. Từ các câu trả lời của từng nhóm, GV nhận xét và đưa ra những chỉ dẫn về đi bộ an toàn trên đường mà không dàn hàng ngang.

GV kết luận:

− Nơi không có hè phố hoặc hè phố có nhiều vật cản thì người đi bộ có thể đi xuống lòng đường nhưng phải đi sát mép đường bên phải và chú ý quan sát để tránh các loại xe đặc biệt không được dàn hàng ba hàng bốn dưới lòng đường. Nếu có vỉa hè thì phải đi bộ trên vỉa hè để đảm bảo an toàn.

− Ở nông thôn hoặc ở đường phố nơi không có vỉa hè, các em phải đi bộ sát mép đường bên phải và không được dàn hàng ngang gây cản trở giao thông.

13 Tháng mười một, 2018

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!