Giáo án môn Âm nhạc lớp 3: Tiết 7
Giáo án môn Âm nhạc lớp 3
Giáo án môn Âm nhạc lớp 3: Tiết 7 được Tìm Đáp Án sưu tầm, chọn lọc là tài liệu giảng dạy chuẩn kiến thức kỹ năng dành cho quý thầy cô giáo, giúp quý thầy cô giáo thuận tiện trong công việc soạn giáo án điện tử lớp 3. Mời các thầy cô cùng tham khảo và tải về chi tiết.
TIẾT 7: HỌC HÁT BÀI: GÀ GÁY
Khối dạy: Khối 3
I. MỤC TIÊU:
- Biết đây là một bài hát dân ca của dân tộc Cống ở Lai Châu.
- Biết hát kết hợp gõ đệm theo nhịp, theo phách của bài hát.
II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC:
- Nhạc cụ quen dùng.
- Đàn và hát thuần thục bài Gà gáy.
- Băng nhạc, máy nghe, tranh vẽ cảnh chú gà trống cất tiếng gáy trong buổi sớm giống trang 10 trong tập bài hát lớp 3.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC:
* Hoạt động 1: (20 phút) Học hát: Gà gáy
1. Giới thiệu bài hát:
Tiếng gà gáy là âm thanh báo hiệu bình minh lên, một ngày mới bắt đầu. Nó đem đến cho con người cảm giác về một cuộc sống thanh bình và no đủ.
- Nội dung bài hát
2. Nghe hát: HS nghe bài hát qua băng đĩa.
3. Đọc lời ca: HS đọc lời ca trên bảng.
GV giải thích tiếng gà gáy ở mỗi nơi được người dân ở đó miêu tả bằng âm thanh khác nhau. Có nơi dùng “Cúc cu” Nơi khác là “ò ó o”. Đồng bào Cống ở Lai Châu lại dùng “Le te”để miêu tả tiếng gà gáy. Bài hát làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh buổi sáng mát lạnh ở miền núi, những giọt sương còn động trên lá cây, mặt cỏ, cuộc sống thật phẳng lặng, yên bình. Từ “Le te” gợi cho ta cảm giác đó như là tiếng gáy vang lên từ phía rất xa của chú gà trống choai dậy sớm, đang chào mừng một ngày mới bắt đầu.
4. Luyện thanh: là la lá la là 1-2 phút
5. Tập hát từng câu:
- GV hát mẫu câu 1, sau đó đàn giai điệu câu này 2-3 lần, yêu cầu HS nghe và hát nhẩm theo.
- GV tiếp tục đàn câu một và bắt nhịp (đếm 1-2) cho HS hát cùng với đàn.
- Tập tương tự với các câu tiếp theo.
- Khi tập xong hai câu thì GV cho hát nối liền hai câu với nhau.
- Tiến hành dạy hai câu theo cách tương tự.
6. Sử dụng một vài cách hát tập thể:
Tập hát lĩnh xướng:
- Câu 1-3: Một HS hát lĩnh xướng.
-Câu 2-4: Cả lớp hát hoà giọng
Tập hát đối đáp: Chia lớp thành hai nửa, nửa lớp hát câu 1-3, nửa kia hát câu 2-4, sau đó đổi cách trình bày.
*Hoạt động 2: (10 phút) Trình bày hoàn chỉnh bài hát:
GV dạo nhạc, lần thứ nhất hát đối đáp, GV dạo nhạc giữa bài, lần thứ hai hát lĩnh xướng. Kết thúc bài bằng cách hát câu cuối thêm một lần.
*Hoạt động nối tiếp: (5 phút):
- Từng tổ đứng tại chỗ trình bày bài hát, tổ trưởng cử một HS bắt nhịp.
- GV dặn HS về nhà tập hát để thuộc lời ca và hát tự nhiên, trôi chảy hơn.