Giáo án Địa lý 10 bài 8: Tác động của nội lực đến địa hình mặt Trái đất
Giáo án Địa lý 10
Giáo án Địa lý 10 bài 8: Tác động của nội lực đến địa hình mặt Trái đất giúp học sinh nắm vững nội dung bài học. Đồng thời, phát triển kỹ năng sữ dụng bản đồ để học sinh có ý thức và thói quen sử dụng bản đồ trong học tập. Hi vọng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho quý thầy cô.
Giáo án Địa lý 10 bài 6: Hệ quả chuyển động xung quanh mặt trời của Trái Đất
Giáo án Địa lý 10 bài 7: Cấu trúc của trái đất - Thạch quyển - Thuyết kiến tạo mảng
Giáo án Địa lý 10 bài 9: Tác động của ngoại lực đến địa hình mặt Trái đất
I. Mục tiêu bài học.
Sau bài học, HS cần:
1. Kiến thức.
- Hiểu khái niệm nội lực và nguyên nhân sinh ra nội lực.
- Phân tích được tác động của vận động theo phương thẳng đứng và phương nằm ngang đến địa hình bề mặt Trái Đất.
2. Kĩ năng.
Quan sát và nhận xét được kết quả của các vận động kiến tạo đến dịa hình bề mặt Trái Đất qua tranh ảnh, hình vẽ, băng, đĩa hình.
II. Phương pháp và phương tiện dạy học.
- Khai thác kiến thức từ kênh hình, đàm thoại gợi mở và thảo luận nhóm
- Các hình vẽ uốn nếp, địa hào, địa luỹ.
- Bản đồ Tự nhiên thế giới.
- Bản đồ Tự nhiên Việt Nam.
III. Tiến trình dạy học.
1. Ổn định lớp.
2. Kiểm tra bài học.
Trình bày những nội dung chính của thuyết kiến tạo mảng.
3. Dạy bài mới.
Mở bài: Trái Đất có dạng hình cầu nhưng thực tế bề mặt của nó có đặc điểm là rất ghồ ghề (có nơi nhô lên, có nơi hạ xuống, nơi là lục địa, nơi là đại dương…). Nguyên nhân nào làm cho bề mặt Địa Cầu bị biến đổi? Bài học hôm nay sẽ làm rõ vấn đề đó.
Hoạt động của GV và HS |
Nội dung chính |
HĐ1: cá nhân. + GV: yêu cầu HS đọc mục I.trong SGK để phát biểu khái niệm nội lực và nguyên nhân sinh ra nội lực. + HS: trả lời. + GV: giảng giải, làm rõ khái niệm và nguyên nhân sinh ra nội lực. HĐ2: Cá nhân. - GV hỏi: Dựa vào SGK, vốn hiểu biết, em hãy cho biết tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất thông qua những vận động nào? - GV nói: Vận động kiến tạo làm cho vỏ Trái Đất có những biến đổi lớn: nơi được nâng lên, nơi hạ xuống thấp, có nơi bị nứt nẻ, đứt gãy… Những vận động này có thể theo chiều thẳng đứng hoặc theo chiều nằm ngang. GV vẽ hình về sự chuyển động của các dòng đối lưu trong lớp Manti để hướng HS quan sát và nhấn mạnh: Sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do sự chuyển động của các dòng đối lưu. Nơi các dòng đối lưu đi lên thì vỏ Trái Đất được nâng lên, nơi các dòng đối lưu đi xuống thì vỏ Trái Đất hạ xuống. B1: GV hướng dẫn HS đọc kênh chữ của mục II.1 SGK trả lời câu hỏi: - Những biểu hiện của vận động theo phương thẳng đứng và hệ quả của nó. - Kết quả của những vận động đó? Vận động theo phương thẳng đứng hiện naycòn diễn ra hay không? B2: HS suy nghĩ để tra lời B3: GV bổ sung và chuẩn kiến thức. HĐ3: cặp đôi. B1: GV yêu cầu HS đọc mục II.2 kết hợp quan sát hình 8.1 trong SGK, cho biết: - Hiện tượng uốn nếp, đứt gãy là gì, nguyên nhân của những hiện tượng này? - Sự khác nhau giữa vận động theo phương thẳng đứng và vận động theo phương nằm ngang (về hình thức, nguyên nhân và kết quả). B2: HS thảo luận, sau đó đại diện báo cáo kết quả, những HS khác thảo luận, bổ sung. B3: GV tóm tắt, chuẩn kiến thức. |
I. Nội lực. + Nội lực: là lực phát sinh ở bên trong Trái Đất. + Nguồn năng lượng sinh ra nội lực chủ yếu là nguồn năng lượng ở trong lòng đất. II. Tác động của nội lực. Thông qua các vận động kiến tạo, hoạt động động đất, núi lửa… 1. Vận động theo phương thẳng đứng. + Là những vận động nâng lên, hạ xuống của vỏ Trái Đất theo phương thẳng đứng. + Diễn ra trên một diện tích lớn. + Thu hẹp, mở rộng diện tích lục địa một cách chậm chạp và lâu dài. + Kết quả: Biển tiến hay biển thoái, lục địa được mở rộng hay thu hẹp
2. Vận động theo phương nằm ngang. Làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép, tách giãn… gây ra hiện tượng uốn nếp, đứt gãy. a) Hiện tượng uốn nếp. + Là hiện tượng các lớp đá bị uốn thành nếp, nhưng tính chất liên tục của nó không bị phá vở. + Do tác động của lực nằm ngang, xảy ra ở vùng đá có độ dẻo cao, đá bị xô ép, uốn cong thành nếp uốn. + Tạo thành các nếp uốn, các dãy núi uốn nếp. b) Hiện tượng đứt gãy. + Do tác động của lực nằm ngang. + Xảy ra ở vùng đá cứng. + Đá bị gãy, vỡ và chuyển dịch. + Tạo ra các địa hào, địa luỹ… |
4. Củng cố:
Cho học sinh trả lời trắc nghiệm:
Vận động kiến tạo là vận động:
- Do nội lực sinh ra
- Tạo ra những biến động lớn ở vỏ trái đất
- Tạo ra các uốn nếp và đứt gãy
- Tất cả đều đúng
Vận động theo phương thẳng đứng không phải là nguyên nhân tạo ra:
- Lục địa và hải dương
- Hiện tượng uốn nếp
- Hiện tượng biển tiến biển thoái
- Hiện tượng mac ma dâng lên trong vỏ trái đất
Núi và đồi được xuất hiện là kết quả của hoạt động kiến tạo:
- Uốn nếp
- Đứt gãy
- Động đất
- Cả a và b đúng
5. Hoạt động nối tiếp.
- So sánh hai qua trình uốn nếp, đứt gãy.
- Câu 2 trang 31 SGK
Dựa vào kiến thức trong bài để hoàn thành bảng theo mẩu sau:
Vận động kiến tạo |
Khái niệm |
Tác động của vận động đến địa hình |