Giải đáp thắc mắc xếp lương, văn bằng giáo viên tiểu học và THCS

Bùi Thế Hiển
Admin 02 Tháng mười một, 2021

Giải đáp thắc mắc xếp lương, văn bằng giáo viên

TimDapAnmời các bạn cùng tìm hiểu bài viết Giải đáp thắc mắc xếp lương, văn bằng giáo viên tiểu học và THCS.

Hiện nay các địa phương trên cả nước đang tiến hành việc chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp theo chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT. Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ GDĐT được ban hành ngày 21/10/2021 được đông đảo nhà trường, thầy cô quan tâm. Trong bài viết này TimDapAnsẽ Giải đáp thắc mắc xếp lương, văn bằng giáo viên tiểu học và THCS thông qua những câu hỏi thực tế được bạn đọc gửi tới giúp các bạn dễ hiểu hơn.

Câu hỏi thứ nhất

Tôi là N.K.H., giáo viên trường Chuyên biệt Bình Minh, Đông Anh, Hà Nội. Tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, tôi kí hợp đồng với Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh và được phân công về dạy ở trường Chuyên biệt Bình Minh (trường dành cho trẻ khuyết tật huyện Đông Anh) vào ngành tháng 9 năm 2004 với hệ số lương 1,57.

Tôi hưởng mức lương tập sự 6 tháng, hệ số lương là 80% x 1,57.

Năm 2007 tôi đỗ công chức, được xếp hệ số lương 1,86 và lại phải nhận lương 6 tháng tập sự một lần nữa là 80% x1,86.

Năm 2009 tôi có bằng đại học. Từ năm 2009 đến 2015 tôi đã nộp hồ sơ để thăng hang, chuyển hạng rất nhiều lần nhưng chưa được, kể cả có thành tích chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Từ đó đến nay tôi vẫn hưởng lương trung cấp, hai năm tăng lương một bậc. Đến tháng 7 năm 2021(tôi đã vào ngành được gần 16 năm 10 tháng), tôi hưởng hệ số lương là 3,26 (ở hạng IV - Mã số: V.07.03.09)

Từ đó đến nay tôi vẫn hưởng lương trung cấp, hai năm tăng lương một bậc. Đến tháng 7 năm 2021(tôi đã vào ngành được gần 16 năm 10 tháng), tôi

Theo thông tư mới, tôi lại được yêu cầu nộp hồ sơ để chuyển sang hạng III mới với hệ số là 3,33 (bậc 4) (xếp lương theo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT). Tôi thấy rất buồn và hụt hẫng.

Vậy vui lòng cho tôi biết là việc xếp lương như vậy đã thỏa đáng chưa, nếu chưa thì cơ quan nào giải quyết được vấn đề này của tôi và nếu tôi có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II (tôi đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III rồi) thì tôi được xếp lương như thế nào? Sẽ được chuyển sang hạng II hay phải ở hạng III đủ 9 năm mới được chuyển?

Trả lời

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất: mặc dù bạn không nói rõ là mình đang là giáo viên dạy cấp nào nhưng căn cứ vào mã số giáo viên thì chúng tôi thấy bạn đang là giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09. Việc một giáo viên đã có bằng đại học từ năm 2009 cho đến nay mà vẫn phải hưởng lương trung cấp là một thiệt thòi lớn cho bạn.

Theo hướng dẫn của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 thì chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hiện nay đã không còn hạng IV nữa mà xếp thành các hạng sau: Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số V.07.03.29; Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số V.07.03.28; Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số V.07.03.27.

Vì vậy, bạn được yêu cầu nộp hồ sơ để chuyển sang hạng III mới theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT là phù hợp và giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến hệ số lương 4,98 (mã số V.07.03.29).

Thứ hai: vấn đề bạn cảm thấy “buồn và hẫng hụt” vì mình đang hưởng hệ số lương là 3,26 (ở hạng IV - Mã số: V.07.03.09) mà khi sang hạng III mới hệ số là 3,33 (bậc 4) nhưng chúng tôi cho rằng điều này là phù hợp với hạng cũ mà bạn đang giữ.

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 20/03/2021) về cách xếp lương như sau: Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo đó, bạn đang đang là giáo viên tiểu học hạng IV, hưởng hệ số lương là 3,26 nhưng lương mới của bạn có hệ số là 3,33 (cao hơn hệ số bạn đang hưởng). Như vậy, lương mới của bạn đã đảm bảo nguyên tắc “bằng hoặc cao hơn” hệ số lương cũ.

Thứ ba: điều bạn còn băn khoăn là: “nếu tôi có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II (tôi đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III rồi) thì tôi được xếp lương như thế nào?Sẽ được chuyển sang hạng II hay phải ở hạng III đủ 9 năm mới được chuyển”.

Theo chúng tôi, tiêu chí “9 năm “ ở hạng III thì bạn đã đáp ứng được, bởi tại Điều 4, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn:

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.

Trong khi, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT hiện nay không còn hạng IV thì hạng IV trước đây cũng tương đương với hạng III bây giờ.

Tuy nhiên, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II thì ngoài “chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II” bạn còn phải đáp ứng theo nhiều tiêu chuẩn khác nữa, đó là: văn bằng, chứng chỉ; nhiệm vụ; năng lực chuyên môn; đạo đức; thành tích đã đạt được…

Vì thế, bạn so sánh các tiêu chuẩn ở Điều 4, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT với những thành tích bạn đã đạt được, cũng như những công việc bạn đã đảm nhận...nếu thấy đủ tiêu chuẩn thì bạn có thể đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường để đơn vị đề nghị cấp trên xét và bổ nhiệm bạn là giáo viên tiểu học hạng II.

Khi bạn là giáo viên tiểu học hạng II thì hệ số lương sẽ là 4,00 đến hệ số lương 6,38, ngược lại, nếu bạn không đạt được các tiêu chuẩn thì bạn sẽ là giáo viên tiểu học hạng III, hệ số lương từ 2,34 đến 4,98.

Câu hỏi thứ hai

Tôi hiện là giáo viên dạy Giáo dục công dân tại trường Trung học cơ sở, có bằng Cao đẳng sư phạm Giáo dục công dân. Trước đây nhiều lần tôi đăng ký học nâng chuẩn lên đại học Giáo dục công dân nhưng do số lượng học viên ít nên không mở lớp.

Tháng 5 năm 2017 tôi đăng ký học đại học Luật và đến tháng 5 năm 2021 tôi tốt nghiệp. Như vậy tòa soạn cho tôi hỏi bằng cử nhân Luật kết hợp với Giáo dục công dân của tôi có thể xem là chuyên ngành phù hợp để nâng chuẩn lên đại học được không. Xin tòa giải đáp cho tôi. Trân trọng cảm ơn!

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo Điều 72, Luật Giáo dục 2019 quy định về chuẩn trình độ giáo viên: Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợpcó chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Theo Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hạng III, hạng II được hướng dẫn như sau:

Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưỏng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Như vậy, bạn là giáo viên trung học cơ sở, đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Giáo dục công dân, có thêm bằng cử nhân Luật nên đã đáp ứng được tiêu chuẩn cứng về bằng cấp vì đã “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp” nhưng bạn phải học thêm “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở”.

Hiện nay, cũng có nhiều trường hợp giống như bạn và thắc mắc là đã có bằng Cao đẳng sư phạm thì không cần phải học “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở” nhưng các cơ quan chức năng không đồng ý vì họ căn cứ vào bằng cấp cao nhất để xếp hạng cho giáo viên.

Vì vậy, dù chúng ta có thể nhìn thấy bất cập nhưng với hướng dẫn hiện hành thì bạn nên thu xếp thời gian để học thêm “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở” để đáp ứng về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và là điều kiện cần thiết để xếp bạn ở hạng cao hơn theo quy định.