Gặp rủi ro khi tiêm vắc-xin, được bồi thường thế nào
- 1. Gặp rủi ro khi tiêm vaccine, có được bồi thường không?
- Vậy tai biến nặng sau tiêm chủng là gì?
- 2. Mức bồi thường thiệt hại khi gặp tai biến hoặc tử vong sau tiêm vaccine
- Chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế
- Thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút
- Mức bồi thường người bị di chứng dẫn đến khuyết tật
- Mức bồi thường đối với thân nhân người bị tử vong
- 3. Hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ sau tiêm vaccine phòng Covid-19
Gặp rủi ro khi tiêm vắc-xin, được bồi thường thế nào? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm bởi trường hợp xảy ra tai biến nặng hoặc tử vong sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 đều có thể gặp phải.
- Có 2 trong các dấu hiệu sau được xem là ca nghi mắc COVID-19
- Hướng dẫn thanh toán khám, chữa bệnh BHYT liên quan Covid-19
- 6 đối tượng cần thận trọng khi tiêm vắc xin Covid-19
1. Gặp rủi ro khi tiêm vaccine, có được bồi thường không?
Ngày 10/7/2021, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắcc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Chiến dịch đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, phần lớn người dân trên cả nước, đặc biệt là những người đang sinh sống tại các vùng có dịch sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 miễn phí.
Các loại vắc xin trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn và được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, trong số hàng triệu người được tiêm trên diện rộng, không thể tránh khỏi trường hợp xảy ra biến chứng.
Về vấn đề này, tại khoản 6 Điều 30 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định:
Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp xảy ra tai biến nặng hoặc tử vong sau tiêm chủng vắc xin Covid-19, Nhà nước sẽ thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Vậy tai biến nặng sau tiêm chủng là gì?
Tai biến nặng sau tiêm chủng là sự cố bất lợi sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng hoặc để lại di chứng hoặc làm người được tiêm chủng tử vong.
Tại Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như sau:
1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức việc điều tra và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận báo cáo điều tra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng trên địa bàn (sau đây gọi chung là Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh) để:
a) Đánh giá, kết luận nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng;
b) Xác định trường hợp được bồi thường theo quy định tại khoản 6 Điều 30 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khoản 2 Điều 15 Nghị định này;
c) Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có liên quan đến tai biến nặng sau tiêm chủng.
2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm có biên bản họp Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm:
a) Thông báo công khai và báo cáo Bộ Y tế về nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng;
b) Thông báo cho gia đình của người bị tai biến nặng sau tiêm chủng về nguyên nhân gây tai biến.
3. Trường hợp nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến tai biến nặng sau tiêm chủng do chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế phải có văn bản quyết định tạm dừng sử dụng lô vắc xin liên quan trên địa bàn quản lý sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Y tế. Khi Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh có kết luận nguyên nhân tai biến nặng không liên quan đến chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế quyết định cho phép sử dụng lại lô vắc xin đó và báo cáo Bộ Y tế.
4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế để đánh giá lại kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh.
2. Mức bồi thường thiệt hại khi gặp tai biến hoặc tử vong sau tiêm vaccine
Theo Điều 16 Nghị định 104/2016, phạm vi và mức bồi thường trong trường hợp gặp biến chứng sau tiêm vắc xin Covid-19 như sau:
Chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế
- Trường hợp người tiêm chủng được Nhà nước bồi thường có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Phần chi phí mà đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của bảo hiểm y tế hoặc ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế thì được thanh toán theo hóa đơn (mức tối đa không quá khung giá dịch vụ đăng ký với Bộ Y tế).
- Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường không có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân được thực hiện theo như quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập và có hóa đơn kèm theo.
- Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường phải nhập viện điều trị, trong quá trình điều trị nếu phát hiện các bệnh khác kèm theo không liên quan đến tiêm chủng thì cá nhân phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Nếu người này có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của bệnh đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút
Hỗ trợ thiệt hại vật chất cho 01 người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc cho trường hợp được Nhà nước bồi thường thì được hỗ trợ theo thu nhập thực tế bằng mức đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước liền kề, cụ thể:
Mức hỗ trợ = (Mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người chăm sóc phải nghỉ việc không hưởng lương / 22 ngày) x Số ngày chăm sóc thực tế
- Nếu người chăm sóc cho trường hợp được Nhà nước bồi thường mà không xác định được thu nhập thực tế của người đó thì xác định mức hỗ trợ như sau:
Mức hỗ trợ = (Mức lương tối thiểu vùng nơi người chăm sóc thường trú tại thời điểm giải quyết bồi thường / 22 ngày) x Số ngày chăm sóc thực tế
- Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường là người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì được hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa. Mức hỗ trợ tương tự như mức hỗ trợ cho người chăm sóc như trên.
Mức bồi thường người bị di chứng dẫn đến khuyết tật
Thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí khám, chữa bệnh, bồi thường thiệt hại do thu nhập bị giảm sút.
Hiện nay, mức lương cơ sở được áp dụng là 1,49 triệu đồng. Theo đó, nếu tiêm vắc xin Covid-19 dẫn đến bị khuyết tật thì được bồi thường 44,7 triệu đồng.
Mức bồi thường đối với thân nhân người bị tử vong
- Các chi phí khám, chữa bệnh trước khi tử vong;
- Chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định, tương đương 14,9 triệu đồng;
- Chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại;
- Các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút như trên.
3. Hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ sau tiêm vaccine phòng Covid-19
Tại hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ban hàng kèm Quyết định 3588/QĐ-BYT năm 2021, Bộ Y tế lưu ý, khi thấy một trong 08 dấu hiệu sau, người được tiêm vắc xin Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
- Toàn thân:
- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt