Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 10

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017. Đề thi nhằm chọn ra những học sinh có năng lực học tập xuất sắc môn Lịch sử. Hãy tham khảo để ngày càng học tập tốt hơn.

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10, 11 THPT NĂM HỌC 2016-2017
ĐỀ THI MÔN: LỊCH SỬ 10 - THPT CHUYÊN
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề.

Câu 1 (2,0 điểm)

Các quốc gia cổ đại phương Đông có những điểm khác biệt gì về điều kiện tự nhiên, thời gian xuất hiện, nền tảng kinh tế và thể chế chính trị so với các quốc gia cổ đại phương Tây?

Câu 2 (2,0 điểm)

Trên cơ sở hiểu biết về văn hóa truyền thống Đông Nam Á, anh/chị hãy:

a. Nêu những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống Đông Nam Á.

b. Nêu và giải thích ý kiến của mình về nhận định: Văn hóa truyền thống của khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện của văn hóa Ấn Độ.

Câu 3 (2,0 điểm)

Thế nào là tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản? Sự tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội Tây Âu ra sao?

Câu 4 (2,0 điểm)

Trên cơ sở tình hình kinh tế nông nghiệp nước ta từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, anh/chị hãy:

a. Nêu những tiền đề phát triển kinh tế nông nghiệp thời kì này.

b. Trình bày và đánh giá những chính sách khuyến nông của các triều đại phong kiến.

Câu 5 (2,0 điểm)

Cho đoạn trích sau:

“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”

(Nguồn: Sách giáo khoa Lịch sử 10, NXB Giáo dục, 2006, tr118)

a. Giải thích ý nghĩa đoạn trích trong bài hiểu dụ nói trên của vua Quang Trung.

b. Nêu những đóng góp của phong trào nông dân Tây Sơn đối với lịch sử dân tộc.

-------Hết-------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:……………….………..…….….….; Số báo danh:…………

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10

Câu

Nội dung

Điểm

1

Các quốc gia cổ đại phương Đông có những điểm khác biệt gì về điều kiện tự nhiên, thời gian xuất hiện, nền tảng kinh tế và thể chế chính trị so với các quốc gia cổ đại phương Tây?

2,0

1. Điều kiện tự nhiên

- Các quốc gia cổ đại phương Đông xuất hiện trên lưu vực các con sông lớn…, có nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của con người…

0,25

- Các quốc gia cổ đại phương Tây xuất hiện trên bờ Bắc Địa Trung Hải, gồm bán đảo và nhiều đảo nhỏ, phần lớn lãnh thổ là núi và cao nguyên…, tạo ra những khó khăn nhất định cho cuộc sống ban đầu của con người.

0,25

2. Thời gian xuất hiện

- Các quốc gia cổ đại phương Đông xuất hiện sớm, khoảng thiên niên kỉ IV-III TCN

0,25

- Các quốc gia cổ đại phương Tây xuất hiện muộn hơn, khoảng đầu thiên niên kỉ I TCN.

0,25

3. Nền tảng kinh tế

- Nền tảng kinh tế của các quốc gia cổ đại phương Đông là nông nghiệp thủy lợi…

0,25

- Nền tảng kinh tế của các quốc gia cổ đại phương Tây là công - thương nghiệp…

0,25

4. Thể chế chính trị

- Thể chế chính trị của các quốc gia cổ đại phương Đông là chuyên chế cổ đại…

0,25

- Thể chế chính trị của các quốc gia cổ đại phương Tây là dân chủ chủ nô…

0,25

2

Trên cơ sở hiểu biết về văn hóa Đông Nam Á, hãy:

a, Nêu những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống Đông Nam Á.

b, Giải thích ý kiến của em về nhận định sau: “Văn hóa truyền thống của khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện của văn hóa Ấn Độ”.

2,0

1. Những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống Đông Nam Á:

- Cư dân Đông Nam Á ngay từ thời gian đầu đã định hình một nền văn hóa bản địa cho mình, tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho từng quốc gia…

0,25

- Trong quá trình phát triển, văn hóa Đông Nam Á đã có sự tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa từ Ấn Độ, Trung Hoa, phương Tây, làm phong phú hơn nền văn hóa của mình…

0,25

- Văn hóa Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng…

0,25

2.Giải thích ý kiến về nhận định:

- Nhận định: “Văn hóa truyền thống của khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện của văn hóa Ấn Độ” là nhận định đúng. Văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á, bắt đầu từ đầu Công nguyên thông qua giao lưu buôn bán…

0,25

- Giải thích:

+ Về chữ viết: Chữ Phạn của Ấn Độ được truyền bá sang Đông Nam Á từ những thế kỉ đầu Công nguyên. Ban đầu nhiều dân tộc Đông Nam Á sử dụng chữ Phạn làm chữ viết của mình, về sau nhiều nước sáng tạo ra chữ viết riêng trên cơ sở chữ Phạn như chữ Chăm cổ, chữ Khơ-me, chữ Mianma, chữ Lào...

0.25

+ Về Văn học: Dòng văn học Hin-đu của Ấn Độ cũng được truyền sang Đông Nam Á với nhiều đề tài văn học viết và văn học truyền miệng, về mẫu tự, điển tích, thể loại….

0.25

+ Về tôn giáo: Nhiều nước Đông Nam Á theo đạo Phật, đạo Hin-đu của Ấn Độ. Ở một số nước, có thời kì Phật giáo và Hin-đu giáo trở thành quốc giáo… Trong thời kì đầu, Hin-đu giáo thịnh hành hơn, thờ 3 vị thần… tạc tượng và xây nhiều đền tháp theo kiến trúc Hin-đu. Từ thế kỉ XIII, dòng Phật giáo được phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân Đông Nam Á…

0.25

+ Về Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc: Đông Nam Á chịu ảnh hưởng kiến trúc Hin-đu và kiến trúc Phật giáo của Ấn Độ như tháp Chàm ở Việt Nam, đền Ăng-co- Vat, đền Ăng-co-Thom ở Campuchia, Thạt Luổng ở Lào...

=> Văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, mỗi dân tộc Đông Nam Á vẫn xây dựng cho mình một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng.

0.25

3

Thế nào là tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản? Sự tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội Tây Âu ra sao?

2,0

1. Tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản: là quá trình tập trung vốn vào tay một số ít người đồng thời cũng là quá trình tước đoạt tư liệu sản xuất của nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân, biến họ trở thành người làm thuê. Quá trình này diễn ra ở Châu Âu vào thế kỉ XV – XVI ….

0,25

- Vốn (tư bản) được tích lũy bằng nhiều biện pháp: Cướp bóc thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mĩ mang về Tây Âu; buôn bán nô lệ, cướp biển; mua bán bất bình đẳng…

0,25

- Nhân công: Quý tộc phong kiến và giai cấp tư sản dùng mọi thủ đoạn để làm người lao động, chủ yếu là nông dân, thợ thủ công bị bần cùng hóa hoặc dùng bạo lực để tước đoạt tư liệu sản xuất của họ (điển hình là ở Anh với phong trào “rào đất cướp ruộng”), biến họ trở thành những người làm thuê…

0,25

2. Tác động làm thay đổi quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội Tây Âu:

- Thay đổi quan hệ sản xuất: Quan hệ sản xuất phong kiến tan rã, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành… Nhờ quá trình tích lũy tư bản ban đầu, ở Tây Âu đã xuất hiện những hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa như công trường thủ công…, trang trại, đồn điền…, công ti thương mại…

0,5

- Thay đổi quan hệ xã hội: Quan hệ giai cấp ở Tây Âu có sự thay đổi,các giai cấp mới được hình thành: Những thợ cả, thương nhân, thị dân giàu có, quý tộc mới… chuyển sang kinh doanh và dần trở thành các ông chủ của các công trường thủ

0,5

công, họ làm thành giai cấp tư sản. Tư sản bóc lột người làm thuê, có nhiều của cải, đại diện cho nền sản xuất mới nhưng chưa có địa vị chính trị. Những người lao động làm thuê thì đông, đó là người vô sản. Họ bị bóc lột thậm tệ, sau họ đi theo tư sản để chống phong kiến.

- Chủ nghĩa tư bản tuy mới ra đời và còn non yếu nhưng tỏ ra hơn hẳn chế độ phong kiến về nhiều mặt, có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển xã hội

0,25

4

Trên cơ sở tình hình kinh tế nông nghiệp nước ta từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, anh/chị hãy:

a) Nêu những tiền đề phát triển kinh tế nông nghiệp.

b) Trình bày và đánh giá những chính sách khuyến nông của các triều đại phong kiến.

2,0

1. Tiền đề phát triển kinh tế nông nghiệp:

- Đất nước độc lập, thống nhất; có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp (lưu vực những dòng sông lớn: sông Hồng, sông Cả, sông Mã); quyết tâm cao của nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

0,5

2. Chính sách khuyến nông của các triều đại phong kiến:

- Khuyến khích khai hoang: Trong các thế kỉ độc lập, việc khai hoang mở rộng diện tích canh tác là một trong những chính sách hàng đầu của nhà nước phong kiến. Các vua Tiền Lê, Lý hàng năm làm lễ tịch điền để khuyến khích sản xuất. Nhà Trần khuyến khích các quý tộc, vương hầu mộ dân nghèo khai hoang, lập điền trang, trên cơ sở đó diện tích canh tác không ngừng được mở rộng, nhiều xóm làng mới được thành lập….

0,25

- Phát triển thủy lợi: Nước ta có nhiều sông ngòi, lũ lụt thường xuyên xảy ra,… Nhà Tiền Lê cho nhân dân đào, vét nhiều mương máng. Thời Lý, năm 1077 phát động nhân dân đắp đê sông Như Nguyệt, năm 1108 đắp đê Cơ xá dọc sông Hồng. Thời Trần, năm 1248 tổ chức chiến dịch lớn huy động nhân dân cả nước đắp đê “quai vạc” dọc hai bên bờ sông từ đầu nguồn ra biển vàđặt chức quan Hà đê sứ trông coi các công trình thủy lợi. Thời Lê sơ, nhà nước cho đắp một số đê biển...…

0,25

- Bảo vệ sức kéo: Các triều đại Lý, Trần, Lê quan tâm bảo vệ sức kéo nông nghiệp.Vua Lý Nhân Tông xuống chiếu phạt nặng những kẻ trộm trâu, mổ trộm trâu, Vua Lê nghiêm cấm giết trâu bò ăn thịt...

0,25

- Đảm bảo sản xuất: Việc đảm bảo sức lao động cũng đã được các triều đại phong kiến quan tâm, thể hiện qua chính sách “ngụ binh ư nông”...nhà Lê sơ ban hành chính sách “quân điền” quy định phân chia ruộng đất làng xã...

0,25

3. Đánh giá

- Những chính sách khuyến nông trên của các triều đại phong kiến thời độc lập, tự chủ mang tính toàn diện, tích cực. Tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững; đời sống nhân dân ấm no, ổn định.

0,25

- Là cơ sở phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tạo điều kiện tăng cường sức mạnh quân đội và quốc phòng trong việc bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.

0,25

5

Đoạn trích:

“Đánh cho để dài tóc Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

a, Giải thích ý nghĩa đoạn trích trong bài hiểu dụ của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc…”

b, Nêu những đóng góp của phong trào nông dân Tây Sơn đối với lịch sử dân tộc.

2,0

1.Giải thích ý nghĩa đoạn trích trong bài hiểu dụ của vua Quang Trung:

- Đoạn trích trong bài hiểu dụ khẳng định ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán để tóc dài và nhuộm răng đen của người Việt Nam…

0,25

- Thể hiện quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập dân tộc,khiến cho quân giặc mảnh giáp không còn, không một chiếc xe nào có thể trở về, để cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ. Đoạn trích trong bài hiểu dụ trên được coi như bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta trong thế kỉ XVIII…

0,25

2. Những đóng góp của phong trào nông dân Tây Sơn:

- Phong trào nông dân Tây Sơn đã lật đổ ba tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê, bước đầu thống nhất đất nước…

0,5

- Đánh bại quân xâm lược Xiêm (1785), Thanh (1789), bảo vệ nền độc lập dân tộc…

0,5

- Tiến hành nhiều cải cách tiến bộ...mở ra một bước phát triển mới của lịch sử dân tộc.

0,5

(Lưu ý: Chỉ khi học sinh làm đầy đủ ý mới cho điểm tối đa các ý; đối với câu hỏi so sánh học sinh có thể lập bảng so sánh hoặc không lập bảng).

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!