Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 8

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 8 phòng GD&ĐT Nam Trực, Nam Định năm 2015 - 2016 có đáp án kèm theo được TimDapAnsưu tầm và giới thiệu là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý hay, giúp các bạn học sinh tự ôn tập kiến thức, làm quen với dạng đề thi học sinh giỏi. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 8 phòng GD - ĐT Thanh Oai năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 năm học 2014 - 2015 Phòng GD-ĐT Thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk

PHÒNG GD & ĐT NAM TRỰC ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 8 CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2015-2016
Môn: ĐỊA LÝ
Thời gian làm bài: 120 phút
(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1: (5,0 điểm) Dựa vào kiến thức đã học, hãy:

1. Chứng minh và giải thích khí hậu châu Á phân hóa rất đa dạng? Việt Nam thuộc kiểu khí hậu nào?

2. Cho biết vùng phân bố của cây lúa gạo và cây lúa mì ở Châu Á? Giải thích tại sao?

Câu 2: (4 điểm) Dựa vào Átlát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học hãy cho biết lịch sử phát triển của tự nhiên Việt Nam trải qua những giai đoạn nào? Trình bày đặc điểm của giai đoạn Tân kiến tạo?

Câu 3: (6,0 điểm) Dựa vào Átlát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, trả lời các câu hỏi sau:

1. Địa hình đồi núi nước ta được chia thành mấy vùng? Đó là những vùng nào? Hãy kể tên một vài dãy núi cao điển hình ở nước ta?

2. "Sông ngòi là sản phẩm của địa hình và khí hậu". Qua đặc điểm sông ngòi Việt Nam, hãy làm sáng tỏ nhận định trên?

3. Trong một bài thơ có câu:

"... Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình."

Hãy cho biết đó là hiện tượng thời tiết gì? Nêu phạm vi, thời gian hoạt động hiện tượng đó ở nước ta?

Câu 4: (5,0 điểm)

Cho bảng sau:

Tỉ trọng các ngành trong tổng sản phẩm xã hội của một số nước Đông Nam Á

Giai đoạn 1980 – 2000 (đơn vị %)

Quốc gia

Nông nghiệp

Công nghiệp

Dịch vụ

1980

2000

1980

2000

1980

2000

Lào

61.2

52.9

14.5

22.8

24.3

24.3

Phi - lip – pin

25.1

16.0

38.8

31.1

36.1

52.9

a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tỉ trọng các ngành trong tổng sản phẩm xã hội của hai quốc gia Lào và Phi - lip - pin năm 2000?

b. Nhận xét cơ cấu và sự thay đổi cơ cấu tỉ trọng các ngành trong tổng sản phẩm xã hội của hai quốc gia trên, giai đoạn 1980 - 2000?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 8

Câu 1:

1) Chứng minh

Khí hậu châu Á phân hóa rất đa dạng với nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau.

Có 5 đới khí hậu: 1) Đới khí hậu cực và cận cực, 2) Đới khí hậu ôn đới, 3) Đới khí hậu cận nhiệt, 4) Đới khí hậu nhiệt đới, 5) Đới khí hậu xích đạo.

Lưu ý: Kể thiếu hoặc sai tên 1 -2 đới khí hậu bị trừ 0,25 điểm

Kể thiếu hoặc sai tên 3 đới khí hậu trở lên không cho điểm

Trong các đới khí hậu thường phân hóa thành nhiều kiểu khí hậu khác nhau.

  • Đới khí hậu ôn đới có các kiểu khí hậu: ôn đới lục địa, ôn đới gió mùa, ôn đới hải dương.
  • Đới khí hậu cận nhiệt có các kiểu khí hậu: cận nhiệt địa trung hải, cận nhiệt gió mùa, cận nhiệt lục địa, núi cao.
  • Đới khí hậu nhiệt đới có kiểu khí hậu: nhiệt đới khô, nhiệt đới gió mùa.

Lưu ý:

  • Kể thiếu hoặc sai tên 1- 2 kiểu khí hậu bị trừ 0,25 điểm
  • Kể thiếu hoặc sai tên 3- 4 kiểu khí hậu, trừ 0,5 điểm, kể thiếu hoặc sai 5 kiểu trở lên không cho điểm.
  • Không nêu rõ các kiểu khí hậu thuộc đới khí hậu nào cho không quá ½ số điểm của ý.

Giải thích:

  • Do lãnh thổ trải dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo.
  • Lãnh thổ rất rộng, có các dãy núi và sơn nguyên cao ngăn cản ảnh hưởng của biển xâm nhập sâu vào nội địa.
  • Trên các núi và sơn nguyên cao, khí hậu còn thay đổi theo độ cao.
  • Chịu ảnh hưởng của biển và đại dương. Việt Nam thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa

2) Cho biết vùng phân bố của cây lúa gạo và cây lúa mì?

Lúa gạo phân bố chủ yếu ở Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á.

Lúa mì phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Nam Á và các vùng nội địa.

Giải thích:

* Lúa gạo phân bố chủ yếu ở Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á.là do:

Những khu vực này có điều kiện tự nhiên rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây lúa gạo:

  • Các vùng này có khí hậu nóng ẩm (thuộc kiểu khí hậu ôn đới gió mùa, nhiệt đới gió mùa, cận nhiệt đới gió mùa)
  • Có các đồng bằng phù sa châu thổ rộng lớn, đất đai màu mỡ (đồng bằng Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Đông, đồng bằng Ấn Hằng, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long...)

Đây là những vùng đông dân, nguồn lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm và truyền thống thâm canh lúa nước từ lâu đời.

* Lúa mì phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Nam Á và các vùng nội địa, vì: đây là các vùng đất cao và có khí hậu khô hạn rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây lúa mì ưa nóng và khô.

Câu 2:

1) Lịch sử phát triển của tự nhiên Việt Nam trải qua những giai đoạn nào?

  • Tiền Cambri (cách đây khoảng 500 triệu năm)
  • Giai đoạn Cổ kiến tạo (cách đây khoảng 65 triệu năm)
  • Giai đoạn Tân kiến tạo (cách đây khoảng 25 triệu năm)

(Nếu thiếu thời gian thì trừ 0,25 điểm mỗi ý)

2) Trình bày đặc điểm của giai đoạn Tân kiến tạo?

Đây là giai đoạn tương đối ngắn, diễn ra trong đại Tân sinh và là một giai đoạn quan trọng đối với nước ta cũng như thế giới.

Trong giai đoạn này giới sinh vật phát triển phong phú và hoàn thiện. Cây hạt kín và động vật có vú giữ vai trò thống trị.

Nhiều quá trình tự nhiên xuất hiện trong giai đoạn Tân kiến tạo còn kéo dài cho đến ngày nay.

  • Quá trình nâng cao địa hình làm cho sông ngòi trẻ lại và hoạt động mạnh mẽ. Đồi núi cổ được nâng cao và mở rộng
  • Quá trình hình thành các cao nguyên ba dan và các đồng bằng phù sa trẻ
  • Quá trình mở rộng Biển Đông và tạo thành các bể dầu khí ở thềm lục địa và ở đồng bằng châu thổ

Sự kiện nổi bật trong giai đoạn Tân kiến tạo là sự xuất hiện của loài người trên Trái Đất. Đây là đỉnh cao của sự tiến hóa sinh học trong lớp vỏ địa lí Trái Đất.

Tóm lại, sau hàng trăm triệu năm lãnh thổ nước ta đã được xác lập và phát triển hoàn chỉnh đồng thời cũng đã sản sinh những nguồn khoáng sản đa dạng, phong phú.

Câu 3:

1)

  • Địa hình đồi núi nước ta được chia thành 4 vùng là: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam.
  • Các dãy núi cao điển hình ở nước ta: Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn,...

2) "Sông ngòi là sản phẩm của địa hình và khí hậu"

Địa hình và khí hậu là các nhân tố tự nhiên cơ bản tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đặc điểm sông ngòi.

Đặc điểm sông ngòi Việt Nam đã phản ánh rõ nét tác động của địa hình và khí hậu:

* Tác động của địa hình:

  • Địa hình hẹp ngang nên Việt Nam có nhiều sông nhỏ, ngắn (điển hình là hệ thống sông ngòi miền Trung)
  • Địa hình Việt Nam ¾ diện tích lãnh thổ là đồi núi nên sông dốc nhiều thác ghềnh.
  • Địa hình Việt Nam chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và hướng vòng cung nên sông ngòi Việt Nam có hướng chảy chủ yếu là hai hướng trên.

* Tác động của khí hậu:

  • Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa lớn nên Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, sông nhiều nước.
  • Chế độ mưa phân theo mùa nên chế độ nước sông ngòi Việt Nam cũng được phân theo mùa. Sông có một mùa lũ, trùng với mùa mưa nhiều và một mùa cạn trùng với mùa khô.
  • Mưa lớn tập trung theo mùa, địa hình ¾ diện tích lãnh thổ là đồi núi nên địa hình bị xói mòn mạnh dẫn đến sông ngòi nước ta có hàm lượng phù sa lớn.

3)

  • Đây là hiện tượng gió phơn (gió Tây khô nóng)
  • Phạm vi hoạt động: xảy ra phổ biến ở vùng Tây Bắc và vùng duyên hải Miền Trung nước ta
  • Thời gian diễn ra: tháng 6, 7, 8

Câu 4:

1) Vẽ biểu đồ tròn

Đề thi HSG môn địa lý lớp 8

Lưu ý:

  • Vẽ dạng biểu đồ khác hoặc chia tỉ lệ khác không cho điểm
  • Thiếu tên biểu đồ, chú giải trừ 0,25 điểm mỗi ý
  • Đảm bảo tính thẩm mĩ, khoa học và chính xác

2) Nhận xét

* Về tỉ trọng: Giai đoạn 1980 – 2000, cơ cấu tổng sản phẩm xã hội phân theo ngành:

Lào: Tỉ trọng ngành nông nghiệp đều cao nhất (thấp nhất là 52.9% năm 2000), cao thứ hai là tỉ trọng ngành dịch vụ 24.3%; thấp nhất là tỉ trọng ngành công nghiệp (cao nhất 22.8% năm 2000)

=> Đây là cơ cấu kinh tế của một nước đang phát triển.

Phi - lip- pin: Năm 1980, tỉ trọng cao nhất là ngành công nghiệp 38.8%, cao thứ hai là ngành dịch vụ 36.1%, thấp nhất là ngành nông nghiệp 25.1%

Năm 2000, tỉ trọng ngành dịch vụ cao nhất 52.9%, cao thứ hai là ngành công nghiệp 31,1%, thấp nhất vẫn là ngành nông nghiệp 16%.

=> Cơ cấu kinh tế của một nước khá phát triển

* Về sự thay đổi tỉ trọng cơ cấu:

Năm 2000 so với năm 1980, cơ cấu tổng sản phẩm xã hội trong nước của Lào và Philippin có sự chuyển dịch tỉ trọng các ngành kinh tế theo hướng:

  • Lào: Tỉ trọng ngành nông nghiệp giảm 8,3%, tỉ trọng ngành công nghiệp tăng tương ứng, tỉ trọng ngành dịch vụ không thay đổi.
  • Phi - lip - pin: Tỉ trọng ngành nông nghiệp giảm 9,1%, tỉ trọng ngành công nghiệp giảm 7,7%, tỉ trọng ngành dịch vụ tăng 16,8%.

=> Đây là xu hướng chuyển dịch tích cực phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Như vậy TimDapAnđã giới thiệu các bạn tài liệu Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 8 phòng GD&ĐT Nam Trực, Nam Định năm 2015 - 2016 Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Địa lý 8, Giải VBT Địa Lí 8, Giải tập bản đồ Địa lí 8, Giải bài tập Địa lí 8, Giải SBT Địa lí 8, Lý thuyết Địa lí 8, Tài liệu học tập lớp 8

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!