Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2014 - 2015 (Vòng 2) được Tìm Đáp Án sưu tầm và giới thiệu tới các bạn. Đây là đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý lớp 11, có đáp án đi kèm. Hi vọng tài liệu này giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi đạt kết quả tốt. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2014 - 2015 (Vòng 1)

Bài tập luyện thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11 trường THPT Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Họ và tên:…………………..

Số báo danh:………………

KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2014-2015

Khóa ngày 17/03/2015

Môn: ĐỊA LÍ

LỚP 11 THPT – VÒNG II

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2, 0 điểm)

a. Trình bày nội dung của thuyết kiến tạo mảng. Nêu vai trò của lớp Manti đối với lớp vỏ Trái Đất.

b. So sánh sương mù và mây.

Câu 2 (1,5 điểm)

a. Tại sao nói đô thị hóa có tác động tích cực làm thay đổi phân bố dân cư và lao động, thay đổi các quá trình sinh, tử và hôn nhân theo hướng tích cực hơn?

b. Nêu những thách thức của vấn đề tài nguyên và môi trường mà các nước đang phát triển phải đối mặt.

Câu 3 (2,0 điểm)

a. Nêu những hệ quả của xu hướng khu vực hóa kinh tế. Liên hệ với Việt Nam.

b. Vì sao ngành giao thông vận tải biển có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế của Nhật Bản?

Câu 4 (2,5 điểm)

a. Chứng minh rằng EU là một tổ chức kinh tế khu vực có mức độ thống nhất, liên kết cao. Hiểu biết của em về mối quan hệ giữa EU và Liên bang Nga trong giai đoạn hiện nay.

b. Trình bày những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phân hóa lãnh thổ sản xuất nông nghiệp của Hoa Kì.

Câu 5 (2,0 điểm) Cho bảng số liệu sau:

Số lao động và cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế của Hoa Kì và Ấn Độ năm 2010.

Nước

Số lao động

(Triệu người)

Cơ cấu (%)

Nông nghiệp

Công nghiệp

Dịch vụ

Hoa Kì

154,5

2,7

23,9

73,4

Ấn Độ

509,3

53

19,0

28,0

a. Vẽ biểu đồ thích hợp thể quy mô và cơ cấu lao động phân theo ngành của Hoa Kì và Ấn Độ năm 2010.

b. Nhận xét sự khác nhau về cơ cấu lao động của hai nước nói trên và giải thích.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11

Câu 1 (2, 0 điểm)

a. Trình bày nội dung của thuyết kiến tạo mảng. Nêu vai trò của lớp Manti đối với lớp vỏ Trái Đất.

  • Nội dung thuyết kiến tạo mảng
    • Thuyết kiến tạo mảng cho rằng vỏ Trái Đất trong quá trình hình thành đã bị biến dạng do các đứt gãy và tách ra thành một số đơn vị kiến tạo. Mỗi đơn vị là một mảng cứng, gọi là các mảng kiến tạo.
    • Các mảng kiến tạo lớn: mảng Thái Bình Dương, mảng Ôxtrâylia - Ấn Độ, mảng Âu - Á, mảng Phi, mảng Bắc Mĩ, mảng Nam Mĩ, mảng Nam Cực.
    • Các mảng kiến tạo không chỉ là những bộ phận lục địa nổi trên bề mặt Trái Đất, mà chúng còn bao gồm cả những bộ phận lớn của đáy đại dương.
    • Các mảng kiến tạo nhẹ, nổi trên một lớp vật chất quánh dẻo, thuộc phần trên của lớp Manti. Chúng không đứng yên mà dịch chuyển trên lớp quánh dẻo này.
    • Trong khi di chuyển, các mảng có thể tách xa nhau, xô vào nhau hoặc hút chờm lên nhau. Hoạt động chuyển dịch của một số mảng lớn của vỏ Trái Đất là nguyên nhân sinh ra các hiện tượng kiến tạo, động đất, núi lửa,...
  • Vai trò của lớp Manti đối với lớp vỏ TĐ
    • Quyển mềm của bao Manti có ý nghĩa lớn đối với vỏ TĐ. Đây là nơi tích tụ và tiêu hao nguồn năng lượng bên trong sinh ra các hoạt động kiến tạo làm thay đổi cấu trúc bề mặt TĐ như hình thành các dạng địa hình khác nhau, các hiện tượng động đất, núi lửa...

b. So sánh sương mù và mây.

  • Giống nhau: Đều do hơi nước ngưng tụ tạo thành.
  • Khác nhau:
    • Sương mù: Hơi nước ngưng tụ ở lớp không khí gần mặt đất. Hình thành trong điều kiện độ ẩm tương đối cao, khi quyển ổn định theo chiều thẳng đứng và có gió nhẹ.
    • Mây: Hơi nước ngưng tụ ở trên cao.
    • Không khí càng lên cao càng lạnh, đến một độ cao nào đó sẽ bão hòa hơi nước, tiếp tục lên cao, độ ẩm bão hòa giảm xuống, không khí phải nhả bớt hơi nước, cùng với hạt nhân ngưng đọng, ngưng tụ lại thành những hạt nhỏ, nhẹ, tụ lại thành đám gọi là mây.

Câu 2 (1,5 điểm)

a. Tại sao nói đô thị hóa có tác động tích cực làm thay đổi phân bố dân cư và lao động, thay đổi các quá trình sinh tử và hôn nhân theo hướng tích cực hơn?

  • Đô thị hóa làm thay đổi phân bố dân cư, lao động: các đô thị ngày càng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao vai trò kinh tế - xã hội, là địa bàn thu hút đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần thu hút dân cư và lao động, xu hướng là tỉ lệ dân thành thị càng tăng, lao động trong khu vực II và kv II tăng, xuất hiện càng nhiều các đô thị lớn, cực lớn.
  • Sự phân bố dân cư ngay trong các đô thị cũng có những thay đổi, trước đây dân cư đô thị tập trung chủ yếu ở trung tâm, ngày nay những thay đổi trong quy hoạch đô thị cùng với sự phát triển mạnh của giao thông đô thị đã xuất hiện các khu dân cư ở ngoại ô nhằm giảm thiểu tác động do sức ép của dân cư lên cơ sở vật chất đô thị và môi trường đô thị.
  • Đô thị hóa cũng làm thay đổi quá trình sinh, tử và hôn nhân theo hướng tích cực: Tuổi kết hôn muộn hơn, thu hẹp độ tuổi sinh đẻ của phụ nữ, làm giảm tỷ suất sinh đẻ của dân số, chất lượng cuộc sống gia tăng, phúc lợi xã hội được cải thiện nên cũng sẽ làm cho tỉ lệ tử giảm đáng kể.

b. Nêu những thách thức của vấn đề tài nguyên và môi trường mà các nước đang phát triển phải đối mặt.

  • Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt do tình trạng chậm phát triển về kinh tế, thiếu vốn, thiếu công nghệ, nợ nước ngoài, chiến tranh, sức ép của gia tăng dân số.
  • Nhiều công ty tư bản ở các nước phát triển chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển làm cho vấn đề môi trưởng thêm phức tạp.

Câu 3 (2,0 điểm)

a. Vì sao ngành giao thông vận tải biển có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế của Nhật Bản?

  • Đất nước là quần đảo với 4 đảo lớn và hàng ngàn đảo nhỏ, đường bờ biển dài, việc giao lưu kinh tế xã hội trong nước và quốc tế chủ yếu thực hiện bằng đường biển.
  • Đất nước nghèo tài nguyên, nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thị trường thế giới nên do đó GTVT biển có vị trí đặc biệt nhằm hỗ trợ cho việc XNK.
  • GTVT biển có nhiều ưu thế: giá rẻ, chở được hàng nặng, cồng kềnh đi xa, đường giao thông có sẵn nên đỡ tốn chi phí làm đường do đó giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

b. Hệ quả của khu vực hóa nền kinh tế. Liên hệ Việt Nam.

  • Hệ quả khu vực hóa kinh tế
    • Tạo nên động lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng cường tự do hoá thương mại, đầu tư dịch vụ trong phạm vi khu vực cũng như giữa các khu vực với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước thành viên.
    • Thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường các quốc gia, tạo lập những thị trường khu vực rộng lớn, tăng cường quá trình toàn cầu hoá kinh tế thế giới
    • Đặt ra cho các quốc gia những vấn đề cần giải quyết: Tự chủ về kinh tế, quyền lợi các quốc gia...
  • Liên hệ Việt Nam
    • Thuận lợi: Mở cửa thị trường cho nước ta thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, phát huy các tiềm lực kinh tế của đất nước. Thu hút đầu tư, hợp tác phát triển về nhiều mặt từ các nước trong khu vực.
    • Khó khăn: Việc cạnh tranh với các nước có trình độ kinh tế cao hơn gây nên những bất lợi cho Việt Nam.

Câu 4 (2,5 điểm)

a. Chứng minh rằng EU là một tổ chức .... Hiểu biết về mối quan hệ EU- Liên bang Nga

  • Chứng minh:
    • Số lượng các nước thành viên tăng liên tục và hiện nay là một trong những tổ chức có nhiều nước thành viên nhất, đến năm 2007 đã có 27 nước thành viên.
    • Sự liên kết trong EU diễn ra trên nhiều mặt khác nhau: kinh tế, chính sách đối ngoại và an ninh, tư pháp và nội vụ.
    • EU đã thiết lập được thị trường chung với 4 mặt tự do lưu thông, sử dụng đồng tiền chung Ơ–rô.
    • Nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế và chính trị không phải do chính phủ các quốc gia thành viên đưa ra mà do các cơ quan đầu não cua EU quyết định (gồm; Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng bộ trưởng châu Âu, Ủy ban liên minh châu Âu)
    • Thực hiện nhiều dự án liên kết sản xuất lớn, thành công như: sản xuất tên lữa đẩy Arian, máy bay E-bớt, đường hầm xuyên biển Măng-sơ...Năm 2000 có 140 liên kết vùng khác nhau trong EU.
  • Mối quan hệ giữa EU – Liên bang Nga:
    • Quan hệ giữa EU và Liên bang Nga khá căng thẳng.
    • Nêu được một số sự kiện về mối quan hệ diễn ra trong thời gian gần đây

b. Trình bày những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phân hóa lãnh thổ sản xuất ...

  • Do tự nhiên của Hoa Kì phân hóa đa dạng, tạo ra các điều kiện sinh thái phù hợp cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi. (Ví dụ: ở phía Bắc là các nông sản ôn đới, ở phía Nam là các nông sản cận nhiệt đới, ở phía Đông là các nông sản ưa ẩm, ở phía Tây là loại nông sản chịu hạn).
  • Nông nghiệp Hoa Kì có thị trường rộng lớn, đa dạng, nông nghiệp hàng hóa phát triển mạnh.
  • Hình thức tổ chức sản xuất trang trại với diện tích lớn, tạo ra nhiều sản phẩm theo mùa vụ trên cùng một lãnh thổ.

Câu 5 (2,0 điểm)

a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất:

  • Tính chênh lệch tỉ lệ bán kính của 2 hình tròn:
    • R Hoa Kì = 1, 0 đvbk, R Ấn Độ = 1,82 đvbk
  • Vẽ biểu đồ dạng tròn, các dạng khác không cho điểm.
  • Yêu cầu: chính xác về tỉ lệ,bán kính chú thích, tên biểu đồ (thiếu mỗi ý trừ 0,25đ)

b. Nhận xét và giải thích ...

  • Nhận xét:
    • Có sự khác nhau về cơ cấu lao động phân theo ngành của Hoa Kì và Ấn Độ: Hoa Kì có tỉ trọng lao động nông nghiệp thấp nhất, tỉ trọng lao động dịch vụ cao nhất. Ấn Độ có tỉ trọng lao động nông nghiệp cao nhất, và tỉ trọng lao động công nghiệp thấp nhất (dc)
  • Giải thích:
    • Do sự khác nhau về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội.
    • Hoa Kì đã trải qua quá trình CNH khá lâu, nền kinh tế đang chuyển sang kinh tế tri thức. Ấn Độ đang tiến hành CNH – HĐH cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm hơn, từ đó sự chuyển dịch cơ cấu lao động có sự khác nhau.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!