Vẽ quê hương trang 17, 18 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều

Hãy đọc và giải các câu đố sau. Các câu đố trên nói về cảnh vật, con vật ở đâu. Chọn ý đúng. Bức tranh quê hương có những cảnh vật gì. Những hình ảnh nào cho biết đó là một bức tranh về nông thôn. Tìm những từ ngữ thể hiện màu sắc tươi sáng của bức tranh. Vì sao bạn nhỏ thấy bức tranh quê hương rất đẹp. Tìm các từ có nghĩa giống nhau trong bài thơ. Tìm bộ phận câu trả lời cho câu hỏi Bằng gì?.


Phần I

Chia sẻ:

Câu 1: Hãy đọc và giải các câu đố sau:

a) Cánh gì cánh chẳng biết bay

Chim hay sà xuống nơi đây kiếm mồi

Đổi ngàn vạn giọt mồ hôi

Bát cơm trắng dẻo, đĩa xôi thơm bùi?

(Là gì?)

b) Thân thì bé nhỏ

Bụng có ngọn đèn

Tỏa sáng về đêm

Những hôm tối mịt.

(Là con gì?)

c) Bằng cái vung

Vùng xuống ao

Đào không thấy

Lấy chẳng được. 

(Là gì?)

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập. 

Lời giải chi tiết:

a) Cánh đồng

b) Con đom đóm

c) Mặt trăng 


Câu 2

Câu 2: Các câu đố trên nói về cảnh vật, con vật ở đâu? Chọn ý đúng:

a) Ở thành phố.

b) Ở nông thôn.

c) Ở ngoài biển. 

Phương pháp giải:

Em dựa vào hiểu biết của mình để trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Chọn b) Ở nông thôn 


Phần II

Bài đọc:

Vẽ quê hương

Bút chì xanh đỏ

Em gọt hai đầu

Em thử hai màu

Xanh tươi, đỏ thắm.  

 

Em vẽ làng xóm

Tre xanh, lúa xanh

Sông máng lượn quanh

Một dòng xanh ngát

Trời mây bát ngát

Xanh ngắt mùa thu

Xanh màu ước mơ...

Em quay đầu đỏ

Vẽ nhà em ở

Ngói mới đỏ tươi

Trường học trên đồi

Em tô đỏ thắm

Cây gạo đầu xóm

Hoa nở chói ngời.

 

A, nắng lên rồi!

Mặt Trời đỏ chót

Lá cờ Tổ quốc

Bay giữa trời xanh...

Chị ơi bức tranh

Quê ta đẹp quá!  

ĐỊNH HẢI


Phần III

Đọc hiểu:

Câu 1: Bức tranh quê hương có những cảnh vật gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 2, 3.  

Lời giải chi tiết:

Bức tranh quê hương có cảnh làng xóm, lũy tre, cánh đồng lúa, sông, nhà, trường học, cây cối.  


Câu 2

Câu 2: Những hình ảnh nào cho biết đó là một bức tranh về nông thôn? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 2. 

Lời giải chi tiết:

Những hình ảnh cho biết đây là bức tranh nông thôn là: làng xóm, tre xanh lúa xanh, sông máng lượn quanh. 


Câu 3

Câu 3: Tìm những từ ngữ thể hiện màu sắc tươi sáng của bức tranh. 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài thơ để trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Những từ ngữ thể hiện màu sắc tươi sáng của bức tranh là: xanh tươi, đỏ thắm, xanh mát, xanh ngắt, xanh màu ước mơ, đỏ tươi, chói ngời, đỏ chót,... 


Câu 4

Câu 4: Vì sao bạn nhỏ thấy bức tranh quê hương rất đẹp?

- Học thuộc lòng các khổ thơ 2, 3. 

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và nói lên cảm nhận của mình.  

Lời giải chi tiết:

Bạn nhỏ thấy bức tranh quê hương rất đẹp vì đây là bức tranh có những hình ảnh quen thuộc như làng xóm, đồng lúa, có trường nơi bạn đến trường, có ngôi nhà thân yêu, còn có cả lá cờ Tổ quốc khiến bạn nhỏ rất tự hào, rất yêu quê hương mình.  


Phần IV

Luyện tập:

Câu 1: Tìm các từ có nghĩa giống nhau trong bài thơ:

a) Các từ chỉ màu xanh.

Mẫu: xanh tươi

b) Các từ chỉ màu đỏ. 

Mẫu: đỏ thắm.

Phương pháp giải:

Em đọc bài thơ để tìm các từ có nghĩa giống nhau.    

Lời giải chi tiết:

a) Xanh tươi, xanh mát, xanh ngắt.

b) Đỏ thắm, đỏ tươi, đỏ chót. 


Câu 2

Câu 2: Tìm bộ phận câu trả lời cho câu hỏi Bằng gì?.

a) Bức tranh quê hương được vẽ bằng bút chì xanh đỏ.

b) Làng xóm, ruộng đồng, dòng sông và bầu trời được vẽ bằng màu xanh.

c) Mái ngói, hoa gạo, Mặt Trời, lá cờ Việt Nam được vẽ bằng màu đỏ. 

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.   

Lời giải chi tiết:

a) Bức tranh quê hương được vẽ bằng bút chì xanh đỏ.

b) Làng xóm, ruộng đồng, dòng sông và bầu trời được vẽ bằng màu xanh.

c) Mái ngói, hoa gạo, Mặt Trời, lá cờ Việt Nam được vẽ bằng màu đỏ