Trả lời câu hỏi mục 3 trang 132 SGK KHTN 6 Cánh Diều
Lấy ví dụ về nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học và hậu quả
CH1
Lấy ví dụ về nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học và hậu quả.
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học: cháy rừng, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và mặt nước thành đất nông nghiệp, xây dựng khu công nghiệp, đô thị, đường giao thông, thủy điện...
LT1
Vì sao cần bảo tồn đa dạng sinh học?
Phương pháp giải:
Dựa vào vai trò của đa dạng sinh học.
Lời giải chi tiết:
Suy giảm đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến
- Môi trường sống của con người và các loài sinh vật bị ô nhiễm, tàn phá, biến đổi các chất.
- Nguồn lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, dược liệu, .. bị mất đi, không thể tiếp tục duy trì được sự sống.
Do đó cần phải bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn sự phong phú và đa dạng của các loài.
LT2
Lấy ví dụ về một số biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học.
Lời giải chi tiết:
Ví dụ một số biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học:
- Thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, các vườn quốc gia.
- Ban hành các luật và chính sách nhằm ngăn chặn phá rừng, cấm săn bắt bừa bãi các loài động vật quý hiếm, cấm khai thác bừa bãi các loài thực vật đang coa nguy cơ tuyệt chủng.
- Tuyền truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học.
- Bảo vệ môi trường sống của tự nhiên, hạn chế tối đa các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
LT3
Kể tên một số khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển hoặc vườn quốc gia ở Việt Nam.
Lời giải chi tiết:
Một số khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển hoặc vườn quốc gia ở Việt Nam:
- Vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Tiên, Tam Đảo...
- Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu bảo tồn thiên nhiên Cù lao Chàm, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé,...
- Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển Langbian...
VD1
Tìm hiểu và kể tên những loài đang bị suy giảm về số lượng. Nêu nguyên nhân và biện pháp bảo vệ các loài đó.
Lời giải chi tiết:
Những loài đang bị suy giảm về số lượng: báo đốm, đười ươi, voi, khỉ đột, cá heo, loài nai Java, hươu đồng lầy Nam Mỹ, tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao Việt, hổ, tê tê, trâu rừng, dê núi, cầy, chồn, khỉ, voọc...
- Nguyên nhân chủ yếu do săn bắn, nuôi nhốt các loài; rừng bị tàn phá nghiêm trọng dẫn đến môi trường sống của chúng bị phá hủy.
- Biện pháp: bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên di truyền, tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Khuyến khích, động viên nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã; các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm xảy ra.
VD2
Nêu một số biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học đang được thực hiện ở địa phương em.
Lời giải chi tiết:
Một số biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học đang được thực hiện ở địa phương:
- Thành lập vườn quốc gia.
- Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động trồng cây, dọn vệ sinh môi trường.
- Cấm và phạt các hành vi nuôi nhốt, mua bán động vật, các sản phẩm từ động vật hoang dã.
VD3
Em sẽ làm gì để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học?
Lời giải chi tiết:
Một số hành động em có thể làm để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học:
- Tham gia trồng nhiều cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ.
- Tuyên truyền cho người thân, bạn bè, người xung quanh vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học.
- Khi gặp các hành vi buôn bán, nuôi nhốt động vật và các sản phẩm từ động vật hoang dã cần báo ngay cho chính quyền qua các đường dây nóng.
THT1
Sưu tầm các thông tin và tranh ảnh về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam như bò xám, sao la, hổ, chim trĩ, rùa biển,…
Lời giải chi tiết:
- Sao la là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1996. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam. Sao la sống trong các khu rừng rậm chủ yếu gần nơi có suối trên độ cao 200 – 600 m trên mực nước biển dọc dãy Trường Sơn, vào mùa đông, sao la sẽ di cư xuống những vùng đất thấp hơn để tránh rét. Vì ít khi được quan sát nên khoa học không biết nhiều về tập quán sinh sống của chúng.
- Chim trĩ đực trưởng thành có vẻ ngoài tuyệt đẹp với bộ lông đen ánh tím thẫm. Chim cái trưởng thành có kích thước nhỏ hơn chim đực với bộ lông màu hung nâu tối, ít nổi bật hơn. Chim trĩ ăn hạt, thóc, côn trùng.
Chim trĩ Việt Nam là loài đặc hữu của 3 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế, chủ yếu xuất hiện trong và quanh Khu BTTN Kẻ Gỗ. Tổng diện tích nơi sinh sống rất nhỏ, chỉ khoảng 2.900 km2 và bị phân mảnh trầm trọng.
Chim trĩ Việt Nam được xếp hạng nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN với số lượng cá thể trưởng thành còn lại chỉ còn dưới 2.499 con (số liệu năm 1995). Số lượng này tiếp tục suy giảm do tình trạng tàn phá môi trường rừng đất thấp đặc hữu của loài chim trĩ để nhường chỗ cho canh tác lúa. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác lá cọ, gỗ, mây để gia tăng thu nhập của người dân địa phương cùng áp lực từ hoạt động săn bắn cũng là những thách thức lớn đối với loài chim này.
- Hổ Đông Dương có thể sống được trong môi trường rừng, đồng cỏ, núi và đồi. Tuy nhiên, chúng thích phần lớn các sinh cảnh rừng như rừng mưa nhiệt đới, rừng thường xanh, rừng rụng lá, rừng lá rộng khô cận nhiệt đới và nhiệt đới.
Hổ Đông Dương được phân bố ở Myanmar, Thái Lan và Lào. Chúng đã không còn được ghi nhận tồn tại trong môi trường hoang dã ở Việt Nam kể từ năm 1997. Dữ liệu có sẵn cho thấy không còn nhiều con hổ được sinh sản ở Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc. Vườn quốc gia Pù Mát ở Việt Nam hiện có 17 cá thể hổ Đông Dương.
THT2
Tìm hiểu về những hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (ngày 22/5).
Lời giải chi tiết:
Một số hoạt động hưởng ứng ngày 22/5:
- Tổ chức sâu rộng việc tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân biết được tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học.
- Tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng; tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng các nội dung về bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây dược liệu; khai thác bền vững tài nguyên sinh học.
- Phát động các phong trào bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương: sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ; thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Trả lời câu hỏi mục 3 trang 132 SGK KHTN 6 Cánh Diều timdapan.com"