Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu

Thực dân Pháp tạm thời hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam, văn hoá phương Tây tràn vào lấn át văn hóa truyền thống.


Mở bài

MB1

    Thực dân Pháp tạm thời hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam, văn hoá phương Tây tràn vào lấn át văn hóa truyền thống. Hán học suy vong, các nhà nho đua nhau “vứt bút lông đi” đổi sang cầm cây bút chì để kiếm sống. Chuyện thi cử của Nho học trở thành trò hề, cảnh tượng các kì thi vô cùng thảm hại. Nguyễn Khuyến và Tú Xương đều là những nhà nho có lòng tự trọng, họ đều rất đau lòng và cay đắng ghi lại điều đó trong một loạt bài thơ - trong đó có Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu của Trần Tế Xương.

MB2

      Tú Xương là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ châm biếm, hài hước trên diễn đàn thơ ca Việt Nam. Trong sự nghiệp đồ sộ của mình, ông có tới mười ba bài vừa thơ vừa phú nói thuộc đề tài "thi cử" với thái độ mỉa mai, phẫn uất với chế độ thi cử đương thời. Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là bài thơ trong số mười ba bài thơ đó. Qua bài thơ, Tú Xương muốn vẽ nên cái hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến qua hình ảnh một kì thi Hương quan trọng cũng đồng thời mượn đó nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh đất nước.

MB3

      Năm Đinh Dậu 1897, tại trường thi Nam Định, vợ chồng Toàn quyền và Công sứ Pháp tới dự lễ xướng danh. Cái bóng của bọn thực dân đã trùm lên cả nơi tuyển chọn nhân tài cho nhà nước, điều này là nỗi nhục đối với người trí thức Việt Nam. Là nhà nho có lòng tự trọng, luôn tha thiết với truyền thống văn hiến của dân tộc, Trần Tế Xương đau xót, phẫn uất viết bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu.

MB4

       Tú Xương là một nhà thơ được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn có thể nói là bi thương nhất của đất nước – nước ta bị Pháp tấn công và thống trị. Trước cảnh đất nước bị tù đày ấy, thơ của ông là một bức tranh hiện thực vừa bày tỏ sự đau xót của một người con nước Nam, đồng thời cũng tố cáo tội ác đen tối của bọn thực dân. Và Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu cũng là một tác phẩm như thế.

MB5

Trần Tế Xương (1870 – 1907) thường được gọi là Tú Xương vì đi thi tới Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy nên chi đỗ Tú tài. Tuy nhiên, tài năng thơ ca, đặc biệt là thơ trào phúng đã tôn vinh tên tuổi của ông lên vị trí hàng đầu trong giai đoạn văn học cuối thế ki XIX, đầu thế ki XX. Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là bài thơ thể hiện thái độ mỉa mai căm uất của Tú Xương đối với chế độ thi cử đương thời và đối với con đường thi cử gian nan, lận đận của riêng ông. Có người cho rằng Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là tiếng khóc nhưng lại có người cho đó là tiếng cười châm biếm sâu cay của Trần Tế Xương trước thời cuộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cả hai nhận xét trên đều đúng.


Kết bài

KB1

      Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi có người cho rằng "thơ Tú Xương” đi bằng cả hai chân: Hiện thực và trữ tình, mà cái chân hiện thực ở người Tú Xương chỉ là một cẳng chân trái (Nguyễn Tuân). Trên đôi chân đó, mà cái chân trữ tình là chủ yếu qua bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu, Tú Xương đã vẽ lại cái cảnh trường thi nhỏ thôi mà bộc lộ được bản chất của cả xã hội Việt Nam.

KB2

      Giọng điệu chính của bài thơ là giọng điệu trào phúng, nhưng ở hai câu kết, tác giả đã dùng giọng điệu trữ tình. Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là bài thơ trữ tình – trào phúng tiêu biểu cho phong cách thơ trào phúng Tú Xương: chua chát, sâu cay và đầy trăn trở. Bài thơ thể hiện tấm lòng của ông đối với dân tộc.

KB3

      Vịnh khoa thi Hương là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Tú Xương vừa hiện thực lại vừa trữ tình. Qua đó khẳng định được tài năng của ông, khi chỉ cần vẽ lên một khung cảnh một kì thi Hương mà đã nói lên được cả cái bản chất của xã hội lúc bấy giờ.

KB4

      Bằng nghệ thuật trào phúng thâm thúy, ngôn ngữ miêu tả sắc cạnh, phép đốii tài tình, giọng điệu mỉa mai rồi trữ tình chua xót, bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã tái hiện một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu ở nước ta, đồng thời tác giả nói lên tâm sự của mình một cách chua chát trước cảnh tình đất nước.

KB5

     Nhiều người có cùng một nhận xét là trong thơ Trần Tế xương, sự kết hợp hài hoà, chặt chẽ giữa tính hiện thực và tính trữ tình được thể hiện khá rõ. Có thể coi bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu này là một ví dụ tiêu biểu. Đằng sau tiếng cười châm biếm mang ý nghĩa xã hội sâu xa là tiếng khóc ngậm ngùi, nuối tiếc cho nền Hán học suy tàn và tất cả những gì từng được coi là tinh hoa của nó đã bị đẩy lùi trước làn sóng văn hoá phương Tây đang tràn vào nước ta theo bước chân của đạo quân viễn chinh xâm lược Pháp.