Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố

Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 8


I. Tác giả

1. Tiểu sử

- Ngô Tất Tố (1893 – 1954), quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).

- Ông xuất thân là một nhà nho gốc nông dân, là một học giả với nhiều công trình triết học và văn học cổ có giá trị; một nhà báo nổi tiếng với nhiều bài mang khuynh hướng dân chủ tiến bộ và giàu tính chiến đấu; một nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước cách mạng.

- Sau cách mạng nhà văn tận tuỵ trong công tác tuyên truyền văn nghệ phục vụ kháng chiến chống Pháp, ông đã hy sinh trên đường công tác ở sau lưng địch. 

2. Sự nghiệp văn học

a. Tác phẩm chính

Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị thuộc nhiều thể loại tiêu biểu

Sơ đồ tư duy về nhà văn Ngô Tất Tố:


II. Tác phẩm

1. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ

- Tức nước vỡ bờ là đoạn trích thuộc chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố, và cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

b. Tóm tắt

Gia đình anh Dậu nghèo khổ không có tiền nộp sưu. Anh Dậu vì thiếu sưu mà bị lôi ra đình đánh đập và khi được trả về chỉ còn là một thân xác rũ rượi. Đươc bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu nấu cháo cho anh Dậu ăn. Nhưng anh chưa kịp ăn thì tên cai lệ và người nhà lí trưởng đến đòi sưu. Chị Dậu van xin chúng tha cho anh Dậu nhưng chúng không nghe mà còn đánh chị và sấn đến định trói anh Dậu mang đi. Quá phẫn nộ, chị đã liều cự lại và chống trả quyết liệt, quật ngã hai tên tay sai.

c. Bố cục: 2 phần

- Phần 1 (từ đầu… “ăn có ngon miệng hay không”): Cảnh chị Dậu chăm sóc chồng.

- Phần 2 (còn lại): Cảnh chị Dậu phản kháng.

2. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

a. Giá trị nội dung

Vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khổ cực, khiến họ phải liều mạng chống lại. Đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

b. Giá trị nghệ thuật

- Tình huống truyện đặc sắc, có kịch tính cao.

- Cách kể chuyện, miêu tả nhân vật chân thực, sinh động. Nghệ thuật tương phản làm nổi bật tính cách nhân vật.

- Ngòi bút hiện thực sinh động, ngôn ngữ đối thoại đặc sắc.

Sơ đồ tư duy về đoạn trích "Tức nước vỡ bờ":