Thuyết minh về một món ăn truyền thống của địa phương

Vốn là mảnh đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội đã hình thành cho mình một nét văn hóa ẩm thực rất riêng. Sau những ngày Tết bộn bề với thịt mỡ, bánh chưng... Người Hà Nội lại làm những bữa bún thang thanh đạm mà không kém phần hấp dẫn.


Vốn là mảnh đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội đã hình thành cho mình một nét văn hóa ẩm thực rất riêng. Sau những ngày Tết bộn bề với thịt mỡ, bánh chưng... Người Hà Nội lại làm những bữa bún thang thanh đạm mà không kém phần hấp dẫn.

Bún thang ra đời từ khi nào không ai rõ. Chỉ biết rằng hình ảnh bát bún thang từ lâu đã gắn bó với hình ảnh những cô gái của Hà Nội hăm sáu phố phường duyên dáng, khéo léo.

Để làm được món bún thang phải chuẩn bị nguyên liệu khá cầu kì: bún, thịt gà, trứng gà, tôm nõn, nem chạo, xương lợn, rau thơm.

Việc lựa chọn và chế biến các nguyên liệu ấy cũng rất tinh tế. Bún phải là thứ bún sợi nhỏ, trắng trong, không có mùi chua. Thịt gà luộc chín xé sợi nhỏ. Trứng gà lựa lấy lòng đỏ, tráng những lớp mỏng và khô rồi cuộn lại thái thành những sợi nhỏ. Với tôm nõn ta phải ngâm một lát, để ráo nước rồi giã bông. Rau thơm rửa sạch, thái nhỏ, riêng với nem chạo thì ta để nguyên.

Xương lợn là nguyên liệu dùng để nấu nước dùng vì vậy ta nên chọn xương ống, vừa rẻ vừa ngọt nước. Ta rửa sạch xương, chặt đôi từng khúc cho vào luộc sơ qua rồi rửa sạch. Xương sau khi rửa mới có thể nấu làm nước dùng. Khi nấu, ta cho đầy đủ gia vị, nếm vừa miệng là được. Ban đầu để lửa to, sau khi sôi để lửa nhỏ cho xương nhanh dừ.

Sau khi đã chế biến xong các nguyên liệu, ta chuẩn bị cho bữa ăn. Lấy một bát to, ta đạt vào đó lần lượt: bún, thịt gà xe sợi, trứng gà thái sợi, tôm bông, nem chạo, rau thơm rồi cho nước dùng vào. Ta sẽ có bát bún thang với màu trắng của bún, màu trắng ngà của thịt gà, màu vàng của trứng, màu hồng của tôm bông, màu nâu của nem chạo, màu xanh của rau thơm. Đặc biệt, sự trong veo của nước dùng sẽ làm nổi lên những màu sắc hấp dẫn của bát bún.

Hương vị của bún thang rất thanh đạm khác hẳn cái béo ngậy của thịt mỡ hay đồ nếp. Bún thang thường được dùng sau những ngày Tết ồn ào hay trong những ngày hè cần một món ăn nhẹ nhàng, mát dịu.

Bún thang cùng với phở, bánh tôm...đã trở thành đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Bát bún thang ẩn chứa trong đó sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của những “nghệ nhân” ẩm thực đất Hà thành. Và vì thế, bún thang đã “để thương để nhớ” cho tâm hồn bao người con đất Kinh kì cũng như những du khách may mắn trong đời có lần được đến với Thủ đô.