Thuyết minh về một đặc sản xứ Thanh - bánh lá răng bừa

Về xứ Thanh, về với Lễ hội Lam Kinh ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) bạn không chỉ được biết thêm về người anh hùng Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà còn rất thích thú với phiên chợ quê và rất nhiều món quà quê được chế biến ngay tại chợ.


Đề bài

Thuyết minh về một đặc sản xứ Thanh - bánh lá răng bừa 

Lời giải chi tiết

Bài làm

Về xứ Thanh, về với Lễ hội Lam Kinh ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) bạn không chỉ được biết thêm về người anh hùng Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà còn rất thích thú với phiên chợ quê và rất nhiều món quà quê được chế biến ngay tại chợ. Trong rất nhiều món quà quê ấy phải kể đến bánh lá răng bừa – một đặc sản xứ Thanh, một nét văn hoá ẩm thực trong Lễ hội Lam Kinh.

Vào những dịp lễ Tết, hầu như gia đình nào ở làng quê xứ Thanh cũng làm bánh lá răng bừa để cúng tổ tiên và cho con cháu xa gần thưởng thức. Nhưng ngon nhất vẫn phải kế đến bánh của bà con vùng Thọ Xuân. Để có những đĩa bánh lá răng bừa thơm ngon, nóng hổi kịp cúng tổ tiên vào sáng sớm hôm sau, các bà, các mẹ, các chị phải thức khuya để làm từ đêm hôm trước, đến sáng hôm sau chỉ đem hấp chín hoặc dậy thật sớm làm để kịp có mặt trên mâm cỗ cúng. Các gia đình còn ngầm thi nhau làm bánh răng bừa với tất cả những ngón nghề, những kinh nghiệm và cũng là dịp trổ tài của các bà, các chị trong công việc nội trợ, gia chánh. Ngày xưa, người ta hay làm bánh răng bừa vào dịp lễ tết, còn ngày nay bánh răng bừa được làm quanh năm và xuất hiện  ở nhiều nhà hàng ăn uống. Gần đây bánh răng bừa đã được giới thiệu trong Lễ hội Lam Kinh đem lại cho du khách những bất ngờ, thú vị.

Bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá. Sở dĩ nó được gọi như vậy vì gói xong, chiếc bánh nhỏ xinh như chiếc răng bừa - một vật dụng gắn bó với vùng quê nông nghiệp. Bánh được làm từ bột gạo dẻo, giòn. Để làm bánh lá răng bừa, gạo tẻ phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2-3 giờ rồi đem xay thành bột, thường là xay cùng với nước, bằng chiếc xay bột quay tay thủ công cho bột dẻo. Còn nếu xay bột khô bằng máy thì phải pha nước cho vừa đủ. Sau đó, bột làm bánh được đặt lên bếp nấu, người ta gọi công đoạn này là giáo bột, đây là một khâu vô cùng quan trọng trong quá trình làm bánh. Người ta dùng đôi đũa cả (như đũa bếp nhưng to hơn nhiều) để khuấy bột. Phải nhanh tay khuấy đôi đũa trong nổi liên tục sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh. Lá để gói loại: bánh này thường là lá dong lấy từ miền núi về, hoặc lá chuối tươi cắt ở vườn nhà đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách. Nhưng bánh gói bằng lá dong đẹp và ngon hơn cả. Có nhiều nhà vườn rộng đã trồng vài bụi lá dong để tiện cho việc làm bánh của gia đình mình. Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Nếu làm bánh lá răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đậu. Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa thon dài, nhỏ như răng chiếc bừa được xếp ngay ngắn trong nồi đế đem đi luộc, hoàn tất! khâu cuối cùng để cho ra những chiếc bánh thơm ngon. Nước luộc bánh răng bừa là nước đã đun sủi. Nhưng ngon hơn cả vẫn là bánh được đồ chín bằng hơi nước. Món bánh lá răng bừa ngon phải là bánh có bột nhỏ, mịn, có mùi thơm của các loại nguyên liệu hòa lẫn vào nhau, ăn dẻo và ngon. Trên mâm cỗ ngày tết cổ truyền hay những ngày lễ trong năm, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng luôn có thêm đĩa bánh lá răng bừa bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành mỡ, lá chuối thật hấp dẫn. Ngói giữa quê nhà bình yên, được thường thức món bánh lá răng bừa thơm mùi gạo, ngầy ngậy mùi nhân bánh thì thật là thú vị. Thưởng thức món bánh lá răng bừa dẻo thơm với một bát nước mắn ngon, ta mới hiếu vì sao món bánh "quê mùa" này lại có thể đọng lại trong lòng du khách những hương vị khó quên.

Ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, từ ngày 7 đến 9-3 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Lê Hoàn, người dân trong làng đã tổ chức lễ hội Lê Hoàn và dùng món bánh lá răng bừa để dâng cúng tổ tiên. Nhiều cuộc thi diễn ra như thi bắt cá, bắt lươn... và không thể thiếu phần thi làm bánh lá răng bừa (gắn với việc đích thân Lê Hoàn cày ruộng). Chỉ bằng những gia vị đơn giản đời thường cùng một ít bí quyết gia truyền đã tạo nên món ăn làm say lòng người đến. Món bánh lá này được du khách thập phương rất ưa chuộng. Mỗi khi về với lễ hội Lê Hoàn, du khách thường mua bánh lá răng bừa để làm quà cho bạn bè phương xa.

Cùng với nem chua, bánh gai, canh đắng... bánh lá răng bừa đã đại diện cho tình cảm gắn bó của người xứ Thanh.