Thăm Côn Đảo
Cuối thế kỉ XIX đến năm 1975, Côn Đảo là một địa chỉ gợi lên nhiều khủng khiếp, ám ảnh. Hàng vạn chiến sĩ yêu nước, hàng vạn chiến sĩ cách mạng của dân tộc đã bị kẻ thù giam hãm, đày đọa và sát hại đã man tại đây.
Mùa hè 2009, tôi mới được đến thăm Côn Đảo. Côn Đảo thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Cuối thế kỉ XIX đến năm 1975, Côn Đảo là một địa chỉ gợi lên nhiều khủng khiếp, ám ảnh. Hàng vạn chiến sĩ yêu nước, hàng vạn chiến sĩ cách mạng của dân tộc đã bị kẻ thù giam hãm, đày đọa và sát hại đã man tại đây. Những nhà tù tối om lạnh lẽo, những tấm cửa sắt nặng nề, những xiềng sắt, những xà lim, dụng cụ tra tấn,...là những chứng tích rùng rợn quá khứ đau thương của dân tộc nơi địa ngục trần gian này.
Côn Đảo có hai hệ thống nhà tù - chuồng cọp: chuồng cọp Pháp và chuồng cọp Mỹ - ngụy. Chuồng cọp Pháp nằm giữa hai bức tường đá dày, kiên cố với chòi canh án ngữ phía trên. Những xà lim thấp, nhỏ chạy dài; mỗi xà lim xích chân, cùm trói 6 hoặc 7 tù nhân. Họ bị rắc vôi bột và dội nước suốt đêm ngày, bị tra tấn, bị kìm kẹp; mình mẩy đầy thương tích và máu me. Chuồng cọp Pháp là nơi tra tấn với mọi cực hình về thể xác thì chuồng cọp Mỹ lại là nơi đày đọa tinh thần. Phòng giam nhỏ, thấp, tối tăm, ấm ướt, không phân biệt được ngày, đêm. Suốt đêm ngày năm tháng, tù nhân phải nghe tiếng cửa sắt giật liên tục. Ngày nay, khách tham quan vẫn không thể không giật bắn người lên khi nghe tiếng hai miếng sắt đạp vào nhau ken két, như tiếng nghiến răng, tiếng rên liên hồi, vô tận.
Mọi thứ nơi dãy chuồng cọp, giờ đây chỉ còn là dấu tích. Nhưng những bức tường nặng nề, những ổ khoá dây xích, những hàng rào dây thép gai lừng lững giữa trời xanh, những dụng tra tấn,... vẫn gợi lên trong tâm hồn khách tham quan bao cảm giác rùng rợn, ghê tởm, kinh hoàng. Và ai cũng cảm thấy giữa các chuồng cọp hiện lên bao bộ mặt gớm ghiếc, hung dữ của bọn chúa ngục, bọn cai tù - những con ác quỷ - cặp mắt đỏ ngầu đang hằm hằm lượn lờ, nghiêng ngó.
Đến Côn Đảo, ta đến thăm nghĩa trang Hàng Dương. Nghiêng mình, cúi đầu, thắp lên nén hương trước những nấm mồ liệt sĩ. Nghe gió thổi lao xao trên hàng cây xanh, nước mắt ta ứa ra; tưởng như nghe đâu đây tiếng thầm thì nhắn gửi của bao nghĩa sĩ anh hùng, ta mới thấm thìa về cái giá của Độc lập, Tự do.
Tính đến năm 2009, số dân trên Côn Đảo chỉ có 7.000 người, nhưng nghĩa trang Hàng Dương đã có tới 20.000 ngôi mộ. Đi dọc bờ biển đến thăm Khu Cầu tàu 914 (sở dĩ có cái tên này vì có 914 tù nhân đã chết để làm nên cây cầu). Trong bóng hoàng hôn hay giữa đêm trăng, có du khách cho biết đã từng gặp những bóng ma, mặt mày hốc hác, quần xơ áo rách, lom khom bước đi; tiếng xích sắt như những tiếng rên cất lên thảm thiết.
Hầu như du khách nào đến thăm Côn Đảo cũng đến thắp hương lên mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Đêm ngày, mộ chí của chị quyện khói hương. Đi vào hồ sen lớn, cạnh núi là miếu thờ bà Phi Yến và hoàng tử Cảnh với bao giai thoại về một giai nhân bạc mệnh thời vua Gia Long nhà Nguyễn.
Ngoài đảo chính, côn Đảo còn 15 hòn đáo nhỏ quy tụ, với diện tích gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha dưới nước. Nước biển trong xanh có thể nhìn thấy cả đáy. Rặng san hô ở quanh hòn Bảy Cạnh nhìn không chán mắt. Rừng ngập mặn bát ngát với nhiều chim, thú quý hiếm. Có thể đi xem rùa biển kéo nhau đi đẻ trứng vào lúc 9-10 giờ đêm. Những đêm trăng tháng 6, tháng 7, rùa kéo về đẻ trứng nhiều nhất. Mỗi con rùa có thể đẻ từ 70-120 trứng mỗi lứa. Những con rùa to, nặng nề bước đi trên bãi cát. Sau khi chọn được nơi vừa ý, rùa dùng hai chân trước đào cát quây ổ, một lúc sau nằm xuống; đẻ xong, rùa bới cát lấp ổ, đứng lặng một lát, rồi đi vòng quanh ổ. Độ 1,2 giờ sáng, rùa lặng lẽ đi xuống mép biển... Ngắm rùa đẻ trứng, ta suy ngẫm về sự kì diệu của tạo vật, về thiên chức của "người mẹ” trong thiên nhiên và cuộc đời.
Côn Đảo hôm qua, Côn Đảo hôm nay và Côn Đảo ngày mai đã, đang và sẽ nói với ta bao điều. Cuối thế kỉ XX, Côn Đảo đã có sân bay. Giã biệt Côn Đảo, ta hướng về nghĩa trang Hàng Dương mà đôi mắt nhoà lệ.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Thăm Côn Đảo timdapan.com"