Tập làm văn: Luyện tập tả người (tả ngoại hình) trang 132 SGK Tiếng Việt 5 tập 1

Giải câu 1, 2 Tập làm văn: Luyện tập tả người (tả ngoại hình) trang 131 SGK Tiếng Việt 5 tập 1. Câu 2. Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em.


Câu 1

Dựa vào dàn ý mà em đã lập trong bài trước, hãy viết đoạn văn tả ngoại hình của một người mà em thường gặp.

Trả lời:

     Mỗi ngày đến trường, em thường bắt gặp hình dáng quen thuộc của cô Lan - cô giáo chủ nhiệm yêu quý của em năm lớp Hai. Năm nay cô đã ngoài bốn mươi nhưng hãy còn rất trẻ. Với vóc người cao cao, làn da trắng hồng, trông cô thật duyên dáng trong chiếc áo dài sẫm màu. Hợp với khuôn mặt tròn của cô là mái tóc uốn quăn, buông nhẹ tới ngang lưng. Những khi chúng em học tốt, nét mặt cô rạng rỡ, tươi vui. Lúc ấy, đôi mắt màu hạt dẻ của cô ánh lên bao tia sáng ấm áp và dịu hiền khó tả. Khi cô mỉm cười, những chiếc răng trắng đều lộ ra bên trong đôi môi đỏ hồng. Tất cả những nét đẹp ở cô đã in sâu vào đôi mắt ngây thơ và tinh nghịch của chúng em.


Câu 2

Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em.

Bài tham khảo

   Trong gia đình, ông nội là người gần gũi và yêu chiều em nhất.

   Năm nay, ông đã bước sang tuổi bảy mươi, một độ tuổi mà người ta thường nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”. Em không hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy nhưng em biết chắc chắn rằng ông đã già. Mái tóc ông bạc phơ, chắc có lẽ ông đã gội “nước thời gian" nhiều quá. Dưới nắng mai, mái tóc ấy trở nên mượt và óng ánh như tơ, rất hợp với khuôn mặt hiền từ của ông. Mỗi lúc ông mặc bộ bà ba màu xám trắng trông thật giống ông tiên trong truyện cổ tích. Vẻ hiền từ, nhân hậu của ông không chỉ thể hiện trên khuôn mặt, mái tóc mà còn thể hiện trong ánh mắt. Đôi mắt ông không còn tinh anh nhưng ẩn trong đôi mắt ấy là sự bao dung, rộng lượng. Khi ông mỉm cười, đôi môi ông thật dịu hiền và ánh lên tia sáng ấm áp, tươi vui. Lúc ông nói chuyện, cái miệng móm mém bởi những chiếc răng đã rụng gần hết. Tuy thế, ông vẫn thích nói, thích cười. Điều đáng chú ý nhất là đôi bàn tay ông, một bàn tay gầy gầy, xương xương, lòng bàn tay chai sần vì lao động nhưng khéo léo vô cùng. Ông rất giỏi đan lát những đồ dùng bằng tre nứa rồi treo lên gác bếp cho thêm phần bền chắc, dẻo dai. Những lúc khỏe, ông chăm bón cho cây trồng, hết vun cây này lại tỉa cây nọ. Bởi vậy cây trái trong vườn lúc nào cũng sum suê, xanh tốt.

    Những ngày ấu thơ, em thường quấn lấy ông. Những hôm bố mẹ em đi làm xa, ông chăm sóc em chu đáo. Ông quan tâm đến miếng ăn, giấc ngủ rồi cả việc học hành. Ông còn kể cho em nghe biết bao câu chuyện thú vị: từ chuyện ông đi bộ đội chiến đấu tới chuyện về cây mít sau nhà cụ nội đã từng chăm bón ra sao,... Lời kể của ông ngọt ngào và sâu lắng như một món ăn tinh thần mà ông đã đem đến cho em sau những giờ học căng thẳng. Không chỉ quan tâm đến em mà ông yêu thương tất cả mọi người trong gia đình. Ông nhắc nhở bố em cách đối nhân xử thế, cách lao động đạt năng suất, ông gần gũi với con cháu và cũng gần gũi với láng giềng, ông coi trọng tình làng nghĩa xóm, luôn giúp đỡ những người nghèo khổ, quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng nhân hậu của ông đã làm cho tâm hồn em thêm phong phú. Ông đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên.

    Ông đem lại niềm vui đầm ấm cho gia đình và là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Nhớ lời ông dạy, em sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để sau này trở thành người “hiền tài” như sự mong đợi của ông.

Bài giải tiếp theo


Bài học bổ sung