Soạn bài Ngu công xã Trịnh Tường trang 164 SGK Tiếng Việt 5 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Ngu công xã Trịnh Tường trang 164 SGK Tiếng Việt 5 tập 1. Câu 1. Ông Lìn đã làm thế nào để đưa nước về thôn?
Nội dung
Ca ngợi ông Lìn với tinh thần dám nghĩ dám làm đã thay đổi tập quán canh tác của cả một vùng, làm giàu cho mình, làm thay đổi cuộc sống của cả thôn. |
Câu 1
Ông Lìn đã làm thế nào để đưa nước về thôn?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ nhất.
Lời giải chi tiết:
Ông lần mò trong rừng cả tháng tìm nguồn nước, rồi cùng vợ con đào suốt một năm trời được gần bốn cây số nương xuyên đồi dẫn nước từ rừng về thôn.
Câu 2
Nhờ có mương nước, tập quán canh tác và cuộc sống ở thôn Phìn Ngan đã đổi thay như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ 2.
Lời giải chi tiết:
Nhờ có mương nước mà ông Lìn dẫn về, tập quán canh tác và cuộc sống của trên 50 hộ trong thôn Phìn Ngan đã thay đổi. Những nương lúa quanh năm khát nước được thay bằng đồng bằng ruộng bậc thang. Những giống lúa lai cao sản được ông Lìn đưa về, vận động bà con trồng cấy. Nhờ vậy mà cả thôn không còn hộ đói nữa.
Câu 3
Ông Lìn đã nghĩ ra cách gì để giữ rừng bảo vệ dòng nước?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ ba.
Lời giải chi tiết:
Ông Lìn hiểu rằng muốn có nước cấy lúa thì phải giữ rừng. Ông lặn lội đến các xã bạn học cách trồng cây thảo quả. Sau đó về Hướng dẫn cho bà con cùng làm.
Bài 4
Câu chuyện giúp em hiểu điều gì?
Phương pháp giải:
Con suy nghĩ gì từ hành động dám nghĩ dám làm của ông Phàn Phù Lìn?
Lời giải chi tiết:
Muốn thành công phải dám nghĩ, dám làm. Ông Lìn đã bằng hành động của mình thuyết phục mọi người trong thôn, để từ đó thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ông là người không những biết nghĩ cho mình mà còn biết nghĩ cho mọi người.
Bài đọc
Ngu Công xã Trịnh Tường
Khách đến xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sẽ không khỏi ngỡ ngàng thấy một dòng mương ngoằn ngoèo vắt ngang những đồi cao. Dân bản gọi dòng mương ấy là con nước ông Lìn. Để thay đổi tập quán làm lúa nương, ông Phàn Phù Lìn, người Dao ở thôn Phìn Ngan đã lần mò cả tháng trong rừng tìm nguồn nước. Nhưng tìm được nguồn nước rồi, mọi người vẫn không tin có thể dẫn nước về. Ông cùng vợ con đào suốt một năm trời được gần bốn cây số mương xuyên đồi dẫn nước từ rừng già về thôn, trồng một héc ta lúa nước để bà con tin. Rồi ông vận động mọi người cùng mở rộng con mương, vỡ thêm đất hoang trồng lúa.
Con nước nhỏ đã làm thay đổi tập quán canh tác và cuộc sống của trên 50 hộ trong thôn. Những nương lúa quanh năm khát nước được thay dần bằng ruộng bậc thang. Những giống lúa lai cao sản được ông Lìn đưa về vận động bà con trồng cấy, nhờ vậy mà cả thôn không còn hộ đói. Từ khi nước được dẫn về thôn, nhà ai cũng cấy lúa nước chứ không phá rừng làm nương như trước nữa.
Muốn có nước cấy lúa thì phải giữ rừng. Ông Lìn lặn lội đến các xã bạn học cách trồng cây thảo quả về hướng dẫn cho bà con cùng làm. Nhiều hộ trong thôn mỗi năm thu được mấy chục triệu đồng từ loại cây này. Riêng gia đình ông Lìn mỗi năm thu hai trăm triệu. Phìn Ngan từ thôn nghèo nhất đã vươn lên thành thôn có mức sống khá nhất của xã Trịnh Tường.
Chuyện của Ngu Công xã Trịnh Tường nhanh chóng bay về Thủ đô. Ông Phàn Phù Lin vinh dự được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.
Theo TRƯỜNG GIANG - NGỌC MINH
Ngu Công: Nhân vật trong truyện ngụ ngôn Trung Quốc tượng trưng cho ý chí dời non lấp bể và lòng kiên trì (xem Tiếng Việt 4, tập một, trang 117)
Cao sản: có sản lượng cao.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Ngu công xã Trịnh Tường trang 164 SGK Tiếng Việt 5 tập 1 timdapan.com"