Tả chiếc cặp (hoặc chiếc ba lô, chiếc túi) đựng sách vở và đồ dùng học tập vẫn ngày ngày cùng em đến trường, đến lớp

Năm học lớp Bốn, thi học sinh giỏi cấp huyện, em được Giải khuyến khích môn Toán. Ban Giám hiệu trường Tiểu học Yên Phong và Hội cha mẹ học sinh đã tặng em một chiếc ba lô màu và 20 quyển vở ô li, một cái hộp bút bằng nhựa xanh rất đẹp.


Đề bài

Tả chiếc cặp (hoặc chiếc ba lô, chiếc túi) đựng sách vở và đồ dùng học tập vẫn ngày ngày cùng em đến trường, đến lớp.

Phương pháp giải - Xem chi tiết

A. Mở bài

- Giới thiệu đồ vật em định tả

B. Thân bài

- Tả bao quát hình dáng của đồ vật (nhìn từ xa, nhìn gần có gì đặc biệt về kích thước, màu sắc,…)

- Tả chi tiết các bộ phận của đồ vật (hình thù, màu sắc, kích thước của từng bộ phận; có thể tả từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới hoặc  từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên)

- Nêu công dụng của đồ vật

C. Kết bài

Cảm nghĩ về đồ vật

Lời giải chi tiết

          Năm học lớp Bốn, thi học sinh giỏi cấp huyện, em được Giải khuyến khích môn Toán. Ban Giám hiệu trường Tiểu học Yên Phong và Hội cha mẹ học sinh đã tặng em một chiếc ba lô màu và 20 quyển vở ô li, một cái hộp bút bằng nhựa xanh rất đẹp.

        Em mồ côi mẹ lúc mới lên 5 tuổi, bố đi làm ăn ở Vũng Tàu, vài năm mới về quê một lần. Em ở với ông bà ngoại. Em thuộc diện "học sinh vượt khó, chăm học". Chiếc ba lô màu phần thưởng đã làm em vô cùng hạnh phúc, ngoài sức tưởng tượng của một học sinh nghèo như em.

         Chiếc ba lô bằng vải bạt xanh màu lá cây nhãn hiệu "Kaukko". Đáy hình chữ nhật, hai mặt trước và sau hình trám. Hai cái túi màu đỏ hồng như hai cái tai mọc ở hai bên. Phía trên có quai xách. Phía sau có hai quai có thể điều chỉnh dài, ngắn theo sở thích. Ba lô có hai ngăn: một ngăn to để đựng sách vở; ngăn nhỏ hẹp để đựng giấy kiểm tra, sổ liên lạc gia đình, truyện tranh mà các bạn thường cho em mượn đem về nhà xem và đọc. Ngăn nào cũng có phéc-mơ-tuya bằng nhựa trong suốt, tay kéo bằng đồng nổi bật chữ "Kaukko" thật ưa nhìn. Thích nhất là hai cái túi nhỏ ở hai bên: một túi em đựng hộp bút, một túi em đựng một vài thứ lặt vặt khác như quả cầu lông hay một thứ đồ chơi, một hộp chì màu, bút vẽ.. Em xem đó là "kho báu" của mình.

          Ông ngoại đã xin bên nhà chú Lưu cho em hai miếng bìa cứng để lót phía trong ba lô, giữ cho sách vở không bị quăn mép. Lúc đựng sách vở, khoác lên đôi vai, chiếc ba lô như con cóc xanh bám vào lưng em. Cái Liễu, cái Hoa, thằng Quỳnh, thằng Độ... vẫn chê em là cõng cóc đi học. Các bạn ở lớp em đứa thì dùng cặp giả da, đứa thì dùng túi ba màu, riêng ba lô con cóc thì chỉ mình em có. Từ nhà đến trường xa ngót cây số, lúc đi học hay lúc tan học về, ngày mưa hay ngày nắng, chiếc ba lô con cóc vẫn ngoan ngoãn, chuyên cần bám lấy lưng em. 

        Từ ngày có chiếc ba lô đựng sách vở, em học tấn tới hẳn lên. Cô Hoà hiệu phó, thầy Quy phụ trách lớp vừa khen em ngoan, chịu khó, vừa động viên em cố gắng học tốt hơn nữa để sang tháng 4 thi Học sinh giỏi lớp 5 toàn huyện Ý Yên giành được giải cao.Lúc ở nhà, những ngày nghỉ học, em lấy sách vở ra, hộp bút, hộp màu ra, rồi treo chiếc ba lô lên móc cho nó được nghỉ ngơi. Lạ lắm, vui lắm ! Hôm nào được điểm 9, điểm 10, em cảm thấy chiếc ba lô thủ thỉ, tâm sự với em. Hình như nó luôn luôn nhắc em: "Vượt khó, chăm ngoan, cố lên học giỏi nhé"

        Nhiều đêm em nằm mơ gặp mẹ em. Mẹ em xem sách vở, ngắm nghía mãi chiếc ba lô rồi xoa đầu em, ôm lấy em. Cả hai mẹ con cùng khóc. Suốt ngày hôm sau, em vẫn còn bồi hồi. 

        Chiếc ba lô đã cùng em đi đến trường, đến lớp được hai phần ba chặng đường lớp 5. Nó đã trở thành người bạn nhỏ đáng yêu của em. Khoác ba lô lên vai, em chào ông bà, vừa bước ra khỏi nhà đi học, em như nghe nó thầm thì nhắc nhở:

"Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao"...

Bài giải tiếp theo