Soạn bài Vợ nhặt - Ngắn gọn nhất

Soạn Văn lớp 12 ngắn gọn nhất tập 2 bài Vợ nhặt - Kim Lân. Câu 1: Dựa vào mạch truyện có thể chia tác phẩm thành 4 đoạn:


Câu 1

Câu 1 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

- Dựa vào mạch truyện có thể chia tác phẩm thành 4 đoạn:

+ Đoạn 1: từ đầu đến “…thành vợ thành chồng”.: Tràng đưa vợ về nhà.

+ Đoạn 2: tiếp đến "đẩy xe bò về": kể lại chuyện hai người gặp nhau và nên vợ nên chồng.

+ Đoạn 3: tiếp đến "nước mắt chảy ròng ròng": cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.

+ Đoạn 4: còn lại: buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.

- Mạch truyện được dẫn dắt hết sức khéo léo. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều được xuất phát từ tình huống anh Tràng lấy được vợ giữa những ngày đói.

 

 

 


Câu 2

Câu 2 (trang 33 SGK Ngữ vă 12 tập 2)

- Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi Tràng lấy vợ bởi:

+ Một người như Tràng (xấu, nghèo, ngờ nghệch, dân ngụ cư) lại lấy được vợ

+ Trong nạn đói, không biết có nuôi nổi nhau không mà Tràng còn "đèo bòng"

- Sự ngạc nhiên của dân làng, cụ Tứ và chính Tràng cho thấy Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống độc đáo, kì lạ, éo le: tình huống Tràng nhặt được vợ giữa ngày đói.

Tình huống truyện làm nổi bật nội dung và ý nghĩa của tác phẩm:

+ Giữa nạn đói, thân phận con người trở nên rẻ rúng, bé nhỏ đến đáng thương.

+ Cái đói, cái chết không dập tắt được khát khao hạnh phúc gia đình và lòng tốt của người lao động nghèo khổ.





Câu 3

Câu 3 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* Giải thích nhan đề:

+ Vợ là người quan trọng san sẻ cả cuộc đời với người đàn ông. Để có vợ, theo phong tục người ta phải tìm hiểu và cưới xin đường hoàng, trang trọng. 

+ "Nhặt": người ra chỉ nhặt được những thứ nhỏ bé, đánh rơi.

=> "Nhặt vợ": Nhan đề truyện hé mở tình huống anh Tràng có vợ một cách dễ dàng như nhặt được cái rơm, cái rác ở ngoài đường, cụ thể là Tràng “nhặt được vợ” chỉ bằng vài câu hò đùa và bốn bát bánh đúc.

- Chỉ qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, tác giả đã làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Phơi bày tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo, khi mà vấn đề cái đói, miếng ăn trở thành vấn đề sinh tử.


Câu 4

Câu 4 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc về niềm khát khao hạnh phúc gia đình của Tràng:

- Lúc quyết định lấy vợ: Thoạt đầu Tràng có chút phân vân, do dự. Nhưng rồi sau đó anh chàng đã tặc lưỡi "Chậc, kệ".

- Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: Phút này, Tràng như đã thành một con người khác, phớn phở lạ thường, môi cười tùm tỉm, mắt sáng hẳn lên, mặt vênh vênh tự đắc, nhưng cũng có lúc cứ "lúng ta lúng túng" đi bên vợ. Nhưng chủ yếu vẫn là cảm giác mới mẻ khác lạ mơn man như một bàn tay vuốt nhẹ.

- Buổi sáng đầu tiên khi có vợ: Tràng cảm thấy êm ả, lửng lơ, như người vừa trong giấc mơ đi ra, xung quanh mình có cái gì thay đổi mới mẻ khác lạ. Từ cảm giác sung sướng hạnh phúc Tràng ý thức trách nhiệm, bổn phận của mình "bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng".

=> Tràng từ con người ngờ nghệch, vụng về trở nên trưởng thành hơn, nhận ra mình phải có trách nhiệm với những yêu thương, ước mong gắn bó, xây đắp hạnh phúc gia đình.


Câu 5

Câu 5 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* Phân tích tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ:

+ Ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ trong nhà, lại chào bà là “u”. Khi hiểu ra đó là vợ Tràng, bà “cúi đầu nín lặng”, “vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”.

+ Tủi hờn cho thân mình, tủi hờn cho đứa con tội nghiệp lấy vợ giữa nạn đói kinh hoàng. Bà lo lắng “chúng nó có nuôi nổi nhau…đói khát này không”.

+ Thấu hiểu và thương xót cho hoàn cảnh éo le của con dâu, trân trọng hạnh phúc của con trai, ước ao các con vượt qua được nạn đói.

+ Tươi tỉnh, vui vẻ, phấn chấn, lạc quan trong buổi sáng hôm sau: xăm xăm dọn dẹp nhà cửa cùng con dâu, nói toàn chuyện vui chuyện làm ăn. Chuẩn bị nồi “chè khoán” nhưng vị đắng chát của “chè” và tiếng trống thúc thuế khiến bà cụ tủi hổ, lo âu rơi nước mắt.

=> Cụ Tứ là bà mẹ nông dân nghèo khổ nhưng chan chứa tình yêu thương con, giàu lòng nhân hậu, giàu niềm lạc quan tin tưởng và là chỗ dựa cho các con. Bà cụ Tứ là hình ảnh đại diện cho những người mẹ Việt Nam nghèo trong xã hội cũ.




-* Tấm lòng của bà cụ Tứ: Bà là hiện thân của những người mẹ nghèo khổ mà từng trải, hiểu biết: hết lòng thương yêu con, yêu thương những cảnh đời tội nghịêp, oái oăm. Bà nung nấu một khái vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc.


Câu 6

Câu 6 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn của Kim Lân qua truyện ngắn Vợ nhặt:

- Cách tạo tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.

- Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.

- Cách kể chuyện tự nhiên, giọng điệu chậm rãi. Cách kể nhiều khi hóm hỉnh, sắc sảo nhưng vẫn đôn hậu.

- Kết cấu truyện khá đặc sắc, kết thúc mở.


LUYỆN TẬP

Câu 1 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

*Chi tiết nồi cháo cám trong "Vợ nhặt"

- Vị trí của chi tiết trong truyện ngắn: nằm trong phần cuối của truyện ngắn, đó là món ăn duy nhất của cả nhà trong buổi sáng ngày hôm sau.

- Ý nghĩa

+ Chi tiết trên thể hiện tình trạng cùng cực của người dân lao động trong nạn đói 1945

+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ :

● Bà cụ Tứ: người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực.

● Tràng: là người chồng có trách nhiệm với nỗi thẹn không thể dành cho người vợ mới cưới của mình một bữa ăn đủ đầy, một tiệc cưới sang trọng ; vừa cho thấy Tràng là người con hết sức khéo léo trong cách cư xử với mẹ, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.

● Vợ Tràng: qua chi tiết này ta càng khẳng định được sự thay đổi về tính cách của vợ Tràng, hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Điều đó cũng cho thấy vợ Tràng đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

+ Nồi cháo cám trong buổi sớm đầu tiên đón cô dâu mới thật sự nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Chi tiết thể hiện tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

Câu 2 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

*Ý nghĩa của kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt

– Ý nghĩa nội dung

+ Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.

+ Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.

– Ý nghĩa nghệ thuật

+ Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện.

+ Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.

Click vào Bài tiếp theo > để xem bài soạn đầy đủ

Bài giải tiếp theo


Bài học bổ sung