Soạn bài Viếng lăng Bác - Ngắn gọn nhất
Soạn văn lớp 9 tập 2 ngắn gọn bài Viếng lăng Bác - Viễn Phương. Câu 1: Cảm xúc bao trùm trong bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác.
Câu 1
Bố cục: 4 phần
- Khổ 1: Cảm xúc của tác giả trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng
- Khổ 2: Cảm xúc trước đoàn người vào lăng viếng Bác
- Khổ 3: Cảm xúc khi vào lăng, nhìn thấu di hài Bác
- Khổ 4: Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về.
Nội dung chính: Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ nói riêng và mọi người nói chung khi đến thăm lăng Bác.
Trả lời câu 1 (trang 60 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
- Cảm xúc bao trùm trong bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác.
- Cảm xúc đó được thể hiện theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác.
- Trong khổ thơ cuối, tác giả thể hiện niềm mong ước thiết tha muốn mình mãi ở lại bên lăng Bác.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 60 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
- Hàng tre là hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả trong bài thơ.
- Cuối bài thơ, hình ảnh hàng tre còn được lặp lại với ý nghĩa cây tre trung hiếu.
=> Cách kết cấu như vậy gọi là kết cấu đầu cuối tương ứng, làm đậm nét hình ảnh, gây ấn tượng sâu sắc và cảm xúc được nâng cao lên.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 60 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
- Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Hình ảnh mặt trời trong câu thơ thứ hai vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ vừa thể hiện được sự thành kính của nhà thơ và của cả dân tộc đối với Bác.
- Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” là thực nhưng “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” lại là một ẩn dụ đẹp và rất sáng tạo, thể hiện sâu sắc những tình cảm thành kính, thiêng liêng của nhân dân đối với Bác.
- Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.
Hình ảnh mặt trời rực đỏ trong lăng đã được thay bằng vầng trăng “sáng dịu hiền”. Bác không chỉ là một người chiến sĩ cách mạng, là ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc (ý nghĩa biểu tượng từ “mặt trời”), Bác còn là một người Cha có “đôi mắt Mẹ hiền sao!”.
Đến hai câu thơ sau, mạch cảm xúc ấy đã được bộc lộ trực tiếp:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Đây là những câu thơ hết sức chân thành, mãnh liệt.
Khổ thơ cuối thể hiện ước nguyện của nhà thơ được mãi mãi ở bên Bác: muốn làm con chim cất cao tiếng hót, muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây, và nhất là muốn làm cây tre trung hiếu để có thể mãi mãi ở bên Bác.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 60 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
- Thể thơ và nhịp điệu: thể thơ tám chữ có xen một số câu thơ bảy chữ và chín chữ. Cách gieo vần linh hoạt. Nhịp thơ chậm rãi thể hiện sự trầm lắng, suy tư lắng đọng vào chiều sâu của tâm trạng của nhà thơ.
- Ngôn ngữ và hình ảnh thơ: Bài thơ có nhiều hình ảnh sáng tạo, vừa mang nghĩa thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm.
Luyện tập
Viết một đoạn văn bình khổ 2 hoặc khổ 3 của bài thơ.
a. Đoạn văn tham khảo (phân tích khổ 2)
Mặt trời lên cao dần và hình ảnh mặt trời lại gợi trong tác giả những liên tưởng mới:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Mặt trời thiên nhiên theo quy luật của nó, vận hành trong vũ trụ, ngày ngày đi qua trên lăng và thấy một mặt trời khác trong lăng rất đỏ. Mặt trời trong lăng là ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Mặt trời thiên nhiên thì đem lại ánh sáng, ban ngày, sự sống: Còn mặt trời Bác cũng là ánh sáng soi đường, đem lại cuộc sống hạnh phúc ấm no. Chi tiết đặc tả “rất đỏ” gợi trái tim đầy nhiệt huyết vì Tố quốc, vì nhân dân, trái tim yêu thương vô hạn của Bác. Mặt trời Bác mãi tỏa sáng, tỏa ấm, tỏa thắm cho đời. Màu đỏ ấy làm ấm lại cả khung cảnh thương đau. Nhiều người đã ví Bác như mặt trời (Người rực rỡ một mặt trời cách mạng Tố Hữu), đặt mặt trời Bác sóng đôi và trường tồn cùng mặt trời thiên nhiên là sáng tạo riêng của Viễn Phương. Cách nói đó vừa ngợi ca sự vĩ đại, bất tử của Bác vừa thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn đối với Bác.
Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác cũng gợi bao xúc động trong lòng nhà thơ:
Ngày ngày dòng người đỉ trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Điệp ngữ “ngày ngày” vừa gợi ấn tượng về cõi trường sinh vĩnh viễn, vừa gợi tấm lòng nhân dân không nguôi nhớ Bác. Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” vừa thực vừa ảo. Nỗi nhớ thương vốn chỉ có trong lòng người nhưng ở đây nó bao trùm lên cả thời gian, không gian. Và mỗi người với lòng nhớ thương là một đóa hoa kết nên “tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” cuộc đời Bác một cuộc đời đã dâng cho đời bao hoa trái. Dòng người được tác giả ví như “tràng hoa” là một ẩn dụ độc đáo mà thích hợp. Dòng người vào viếng Bác đi thành vòng tròn dễ gợi liên tưởng đến tràng hoa. Nếu “vòng hoa” thì là viếng người đã khuất. Ở đây là “tràng hoa” để dâng “bảy mươi chín mùa xuân”. Bác không thể mất trong ý nghĩ, tình cảm của nhà thơ cũng như mỗi chúng ta. Lòng nhớ thương và những gì đẹp nhất ở mỗi người dâng lên Bác quả đúng là hoa của đời. Tràng hoa người ở đây hơn hẳn mọi tràng hoa của tự nhiên, nó được kết nên từ lòng ngưỡng mộ, thành kính, nhớ thương Bác. Nhịp thơ đoạn này chậm rãi, trải dài 8, 9 tiếng một dòng thơ, lặp lại từ ngữ, cấu trúc câu vừa diễn tả không khí thiêng liêng, thành kính trong lăng, vừa gợi bước đi chầm chậm của dòng người vào viếng Bác và lòng thành kính, thiết tha của nhân dân với Bác.
b. Đoạn văn tham khảo (phân tích khổ 3)
Khổ thơ thứ ba là những cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng, đứng trước di hài Bác. Bao tình cảm ấp ủ bấy lâu, nên khi bắt gặp bóng dáng thân yêu của Bác là trào dâng thổn thức. Hình ảnh Bác nằm trong lăng được diễn tả rất xúc động qua hai câu thơ:
Bác nằm trong lăng giấc ngứ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Câu thơ gợi được sự yên tĩnh, trang nghiêm, ánh sáng dịu nhẹ trong lành và hình ảnh đẹp đẽ của Bác. Bằng tình cảm, nhà thơ thấy Bác như đang ngủ trong giấc ngủ bình yên giữa thiên nhiên đẹp và thơ mộng, Bác vẫn ở cùng ta, như nhà thơ Hải Như đã viết:
Suốt cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu
Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ
(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi)
“Vầng trăng sáng dịu hiền” là ánh sáng của tình thương mến, nâng niu, vầng trăng ấy như ru Bác ngủ. Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ trong tình thương yêu. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng đã viết:
Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ
Như sau mỗi việc làm.
Trăng ơi trăng biết thế
Nên trăng bước nhẹ nhàng.
(Trăng lên)
Hình ảnh vầng trăng dịu hiền cũng gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người.
Đến đây, cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi xót đau không thể kìm nén:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
“Trời xanh” cũng như “mặt trời”, “vầng trăng” là những hình ảnh của vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng, là ẩn dụ sâu xa gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt, trường tồn ở Bác. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, như trời xanh còn mãi (Bác sống như trời đất của ta Tố Hữu). Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Sự nghiệp của Người là bất tử. Dù vẫn tin như vậy, nhưng tình cảm xót thương không chấp nhận sự mất mát thực tế, trái tim vẫn đau nhói khi nghĩ rằng Bác không còn nữa. Nỗi đau xót được biểu hiện cụ thể, trực tiếp: "Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Đó là nỗi đau vô hạn, là lòng thương xót rất thật, không lí do nào khuây khỏa được. Đó là tình cảm của đứa con về muộn bên di hài người cha.
Bố cục
Bố cục: 4 phần
- Khổ 1: Cảm xúc của tác giả trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng
- Khổ 2: Cảm xúc trước đoàn người vào lăng viếng Bác
- Khổ 3: Cảm xúc khi vào lăng, nhìn thấu di hài Bác
- Khổ 4: Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về.
ND chính
Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ nói riêng và mọi người nói chung khi đến thăm lăng Bác. |
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Viếng lăng Bác - Ngắn gọn nhất timdapan.com"