Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết

Giới thiệu bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử.


Chuẩn bị nói

* Đề tài: Giới thiệu bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử.

* Tìm ý và sắp xếp:

- Bài thơ là một bức tranh mùa xuân nơi thôn dã, tất cả đều đậm vẻ xuân, xuân trong cảnh vật và xuân trong lòng người.

- Dấu hiệu báo xuân sang: Làn nắng ửng; Khói mơ; Mái nhà tranh bên giàn thiên lý. -> Thanh tĩnh, bình dị, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương.

- Cảnh vật thôn quê đẫm hơi xuân: Làn mưa xuân tưới thêm sức sống; Cỏ cây xanh tươi” gợn tới trời”; Niềm vui của con người khi xuân đến.

- Ngôn ngữ kết tinh với tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một ” mùa xuân chín” vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.


Chuẩn bị nghe

Một số lưu ý khi nghe người khác nói:

- Chú ý lắng nghe, ghi chép;

- Đưa ra những câu hỏi cần giải đáp.


Thực hành nói và nghe

Học sinh tự thực hành.

Bài nói mẫu

     Không biết mùa xuân có tự bao giờ và thơ xuân có tự bao giờ, chỉ biết người ta sinh ra đã có mùa xuân đẹp đầy sức sống và thổi vào các hồn thơ, sống trong cuộc đời, nếu thiếu đi mùa xuân, thiếu đi những câu thơ xuân thì thật buồn. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là "mùa xuân nho nhỏ", lúc là "mùa xuân xanh"... và đây Mùa xuân chín nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khao khát trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.

     Mỗi dòng thơ đều phảng phất hơi xuân, đều thấm đượm cái đẹp của tâm hồn thi sĩ. Mùa xuân bắt đầu từ cái nắng mới lạ thường:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

 Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang

     Mở đầu bài thơ cái cái nắng mùa xuân, chẳng phải tia nắng, hạt nắng, cũng chẳng phải giọt nắng mà là "làn nắng". Chữ "làn" như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Làn nắng lại "ửng" lên trong "khói mơ tan", cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu. Sương khói quyện với nắng; cái "ửng" của nắng được tôn lên trong làn khói mơ màng đang "tan" ấy. Trong câu thơ này, ngòi bút thi sĩ đã hướng đến một nét thơ truyền thống, cổ điển, miêu tả cái nắng xuân vừa như có hồn, vừa như có tình chan chứa.

     Khung cảnh ấy rất giản dị, chỉ có "đôi mái nhà tranh" hiện lên trong "làn nắng ửng" nhưng nó vẫn gợi lên một sức sống dân dã bình yên hết sức thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên "đôi mái nhà tranh" chút sắc xuân và hương xuân: "Sột soạt gió trêu tà áo biếc". Cái âm thanh của gió "trêu" tà áo và cái gam màu "biếc" của lá, chính là cái tình xuân. Một chữ "trêu" đáng yêu quá, thân thương quá, như có gì đó mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Gió cũng biết kén chọn, không phải áo nào cũng "trêu", mà phải chọn áo biếc mới thật thơ, thật đẹp.

     Tác giả miêu tả từ cái cụ thể, từ làn nắng, từ mái nhà tranh, từ gió rồi mới đến cái khái quát: "Trên giàn thiên lý / Bóng xuân sang". Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại mang nỗi vấn vương khi đón “bóng xuân sang". Cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhàng bước đi như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta. Mùa xuân hiện ra trong mắt Hàn Mặc Tử nó nhẹ nhàng, dịu dàng như thế đấy!

     Sau cái ngưng tụ và run rẩy như dây đàn căng lên trong tâm hồn nhà thơ thì ở những câu sau, mùa xuân lại ào đến:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

 Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

 Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi

     Hình ảnh ẩn dụ "sóng cỏ" và ba chữ "gợn tới trời" đã gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi. Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong không gian mênh mông, bao la ấy. Gam màu "xanh tươi" đầy sức sống yên bình trong thơ Hàn Mặc Tử cứ “gợn tới trời", nó trải dài mãi như không dứt, trải mãi, trải mãi và rồi ngâm vào hồn thơ. Trong sắc xuân ấy, cây cỏ cứ xanh mãi nhưng thứ tình cảm con người đã đến độ chín rồi. "Đám xuân xanh ấy" là hình ảnh ẩn dụ chỉ các cô thôn nữ đang hát, đang "thầm thì với ai ngồi dưới trúc" kia, sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ "theo chồng bỏ cuộc chơi”. Những cô thôn nữ dần lớn, dần “chín” và đến độ tuổi lấy chồng, theo chồng. Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng khi mùa xuân đang chín...

     Mùa xuân chỉ thực sự "chín" khi có con người và có dư âm tiếng hát:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây

     Tiếng hát giữa mùa xuân thân quen quá, yêu thương quá. Tiếng hát "vắt vẻo" và "thơ ngây" của những nàng xuân, của bao cô thôn nữ chính là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đẹp như ca dao, dân ca, như lễ hội mùa xuân muôn thuở của cái xứ sở này. Câu thơ gợi lên cái "chín" trong tâm hồn bao cô thôn nữ qua âm thanh “vắt vẻo", trong trẻo, tươi mát của câu hát giao duyên, của trai gái nơi đồng quê, mộc mạc mà tình tứ. Tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha của thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã bắt vào lời hát ấy nhiều xao xuyến. Hai câu thơ vừa tả cảnh vừa tả người, trong cái mùa xuân khi mà vạn vật nở hoa, xanh tươi thì con người đã đến tuổi chín rồi.

     Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, "vắt vẻo" hòa nhịp với âm trầm "hổn hển" thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy. Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa "lưng chừng núi". Dư âm tiếng hát dường như rung lên “vắt vẻo" gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ. Tiếng hát "hổn hển" được so sánh "với lời của nước mây", lời của thiên nhiên. Hai tiếng "hổn hển" như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập cả không gian, góp phần làm nên một "mùa xuân chín". "Vắt vẻo”, "hổn hển", "thầm thì" là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ bâng khuâng cảm nhận: "Nghe ra ý vị và thơ ngây...".

     Gặp lúc mùa xuân chín ấy mà thổn thức:

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

     Hình ảnh của kí ức hiện lên một thoáng buồn đẹp và trải rộng mênh mông xa vắng. Nhà thơ nhớ đến con người như khao khát một tình người, một tình quê; mỗi một nỗi nhớ đều rất bâng khuâng, xao xuyến. Nhà thơ nhớ từng chi tiết, nhớ một công việc cụ thể: "gánh thóc" trong một không gian cụ thể: "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". Những chỉ có "chị ấy" là người đọc không thể biết đó là ai, chỉ có tác giả mới biết để mà "sực nhớ", mà thầm hỏi, mà man mác sợ "mùa xuân chín" ấy sẽ trôi qua. Hình như đó là nét thơ của Hàn Mặc Tử, là tâm hồn Hàn Mặc Tử luôn khao khát giao cảm với đời, luôn có một nỗi niềm cô đơn, trống vắng, hẫng hụt như thế.

      Mùa xuân chín là một bài thơ xuân rất hay, là một bức tranh xuân mới nhất, trong sáng, rạo rực, say mê, thơ mộng mà thoáng buồn nhất. Hàn Mặc Tử với cảm hứng thiên nhiên trữ tình, màu sắc cổ điển hài hòa kết hợp với chất dân dã, trẻ trung bình dị đã làm hiện lên một bức tranh xuân tươi tắn thơ mộng. Mùa xuân đẹp với con người trẻ trung, hồn nhiên, đáng yêu. Yêu mùa xuân chín cũng là yêu đồng quê, yêu làn nắng ửng, yêu mái nhà tranh, yêu giàn thiên lí, yêu tiếng hát vắt vẻo của những nàng xuân trên "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.


Trao đổi

Học sinh tự thực hành, trao đổi bài.