Soạn bài Mắt sói SGK Ngữ văn 8 tập 2 Kết nối tri thức - chi tiết
Nêu tên một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim có nội dung nói về sự đồng cảm, gắn bó giữa con người và thế giới tự nhiên (loài vật, cây cỏ, vũ trụ…).
Trước khi đọc
(trang 5, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Nêu tên một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim có nội dung nói về sự đồng cảm, gắn bó giữa con người và thế giới tự nhiên (loài vật, cây cỏ, vũ trụ…). Chia sẻ ngắn gọn cảm nhận của em về tác phẩm văn học hoặc bộ phim đó.
Phương pháp giải:
Tìm kiếm trên sách báo, internet hoặc dựa vào hiểu biết của em để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Một tác phẩm văn học nói về sự đồng cảm, gắn bó giữa con người và thế giới tự nhiên (loài vật, cây cỏ, vũ trụ…): Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận).
=> Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên tráng lệ có sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên với con người. Qua đó, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động.
1
Câu 1 (trang 6, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Trong con mắt của sói, gia đình sói hiện ra như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ phần đầu của văn bản để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Trong con mắt của sói, gia đình sói hiện ra với quầng màu hung đỏ tạo thành sắc cầu vồng. Màu lông của 5 con sói con hệt như quầng hung đỏ của cầu vồng. Bộ lông con thứ 6 màu xanh lam, như màu nước đóng băng trên nền trời trong veo. Con thứ 7 thì trông như tia vàng, mỗi khi nhìn vào thì phải nheo mắt.
2
Câu 2 (trang 7, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Chuyện gì sẽ xảy ra với Ánh Vàng khi nó muốn nhìn thấy con người thật gần?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ phần (2) của văn bản để trả lời
Lời giải chi tiết:
Khi Ánh Vàng muốn nhìn thấy con người thật gần, rất có thể nó sẽ bị bắt nhốt.
3
Câu 3 (trang 8, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Nhân vật Sói Lam có tính cách như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ đoạn cuối phần (2) của văn bản để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Sói Lam là một con sói dũng cảm và rất yêu thương gia đình, yêu thương đứa em bé bỏng của mình. Dù phải đối mặt với hiểm nguy trước mắt cũng không hề nao núng, vui mừng vì thấy em có thể chạy thoát.
4
Câu 4 (trang 12, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Tình bạn của Phi Châu và Báo khiến em liên tưởng đến câu chuyện tình bạn trong tác phẩm nào khác?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản và dựa vào hiểu biết của em để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Tình bạn của Phi Châu và Báo khiến em liên tưởng đến câu chuyện tình bạn giữa Hoàng tử bé và con cáo trong tác phẩm Hoàng tử bé. Họ đã dành thời gian bên nhau, thấu hiểu nhau để trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó.
1
Câu 1 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Tác phẩm Mắt sói có cốt truyện đa tuyến với kiểu truyện lồng truyện, tức là một hoặc nhiều câu chuyện được kể lại trong một câu chuyện khác. Hãy đọc kĩ phần tóm tắt tác phẩm và chỉ ra cốt truyện đa tuyến đó.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ phần tóm tắt tác phẩm để chỉ ra cốt truyện đa tuyến.
Lời giải chi tiết:
Cốt truyện đa tuyến của tác phẩm Mắt sói:
- Truyện được kể đa tuyến nhân vật, không cố định người kể chuyện.
- Điểm nhìn đa tuyến từ quá khứ - hiện tại - tương lai.
- Nhiều cốt truyện đan xen với nhau. Trong đó, cốt truyện chung là cuộc gặp gỡ của Sói Lam và Phi Châu. Các cốt truyện riêng là câu chuyện cuộc đời của Phi Châu và Sói Lam thông qua cái nhìn và sự thấu hiểu của đối phương.
2
Câu 2 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Cậu bé Phi Châu nhìn vào mắt sói và nhận ra những điều gì? Trong mắt sói, câu chuyện nào đã hiện lên?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Các chi tiết miêu tả mắt sói ở phần (1): con mắt màu vàng, tròn xoe, chính giữa có một con ngươi màu đen, con mắt không chớp bao giờ, to, tròn, hệt như một ngọn đèn trong đêm, như một tuần trăng úa trên bầu trời trống trải, xuất hiện những điểm màu khác nhau, con người cháy lên như một đám lửa thực sự,… Những chi tiết này cho thấy cậu bé cảm nhận được trong mắt sói chất chứa nỗi buồn thẳm sâu, sự u uất, cô đơn, trống trải. Điểm nhấn đặc biệt trong đôi mắt sói là con ngươi “có sự sống”. Trong con ngươi của sói là một bức tranh đa sắc màu: “màu lông của năm sói con hệt quầng hung đỏ của cầu vồng”. Câu chuyện hiện lên trong mắt sói là hồi ức về gia đình nhà sói, việc Sói Lam cứu em gái Ánh Vàng.
3
Câu 3 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Theo dõi phần (2) thuộc Chương 2 và cho biết Sói Lam đã cứu Ánh Vàng như thế nào. Qua hành động đó, em hãy nhận xét về tính cách nhân vật Sói Lam.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ phần (2) để giải đáp Sói Lam đã cứu Ánh Vàng như thế nào. Sau đó, nêu ra nhận xét của mình về tính cách nhân vật Sói Lam.
Lời giải chi tiết:
Ánh Vàng bị nhốt trong lưới, bộ lông lấp lánh những ánh chớp vàng trong màn đêm; Sói Lam tung người bay trên làn không khí bỏng rát, nó dùng răng cắn đứt sợi dây, hét: “Chạy đi, Ánh Vàng!”; Đầu Sói Lam như nổ tung, Sói Lam ngã xuống, ngã xuống, cứ xoay tròn và rơi mãi trong màn đêm đầy tia lửa,...
=> Qua hành động trên, có thể thấy Sói Lam là một con sói dũng cảm và rất yêu gia đình, yêu thương đứa em gái bé bỏng. Khi biết em bị nạn, nó đã không chút do dự lao đến cứu em, không màng đến mạng sống và sự an nguy của bản thân - một con sói không bao giờ đùa, “nghiêm túc”, “uyên bác”, tính cách “vô cùng là sói”.
4
Câu 4 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Sói Lam nhìn vào mắt Phi Châu và nhận ra những điều gì? Trong mắt cậu bé, kí ức nào đã hiện lên?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Các chi tiết miêu tả mắt người ở phần (3): con mắt như một ánh sáng vụt tắt, như một đường hầm bị sập dưới lòng đất – một đường hầm giống một cái hang cáo mà Sói Lam từng chui vào, mờ mịt, tối om, không còn giọt nắng nào,… Những chi tiết này cho thấy mối đồng cảm sâu sắc, sự thấu hiểu của sói với nỗi buồn đau của cậu bé Phi Châu. Trong mắt cậu bé, kí ức hiện lên là câu chuyện tình bạn giữa Phi Châu với lạc đà Hàng Xén và Báo.
5
Câu 5 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Nêu cảm nhận của em về nhân vật Phi Châu. Chỉ ra những chi tiết giúp em có cảm nhận đó
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản và nêu lên những cảm nhận của em.
Lời giải chi tiết:
Phi Châu là một cậu bé có tâm hồn trong sáng, sâu sắc, tinh tế, có tấm lòng nhân hậu, trân trọng tình bạn, yêu thương loài vật, tôn trọng thiên nhiên. Điều đó được thể hiện qua chi tiết Phi Châu “mất hàng giờ” để tìm lạc đà Hàng Xén – người bạn đầu tiên của cậu bé. Hay chi tiết Phi Châu suy nghĩ về các loài động vật trong thế giới tự nhiên bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, tôn trọng: “Cậu là một người chăn cừu tốt, chỉ có vậy thôi. Cậu đã hiểu ra một điều rất đơn giản: Đàn cừu và dê không có kẻ thù. Nếu thi thoảng có sư tử hay báo ăn thịt một con dê cái thì chỉ vì nó đói”. Hoặc chi tiết Phi Châu kết bạn với Báo bằng tâm hồn tinh tế, tĩnh lặng, sự thấu cảm sâu sắc.
6
Câu 6 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Nhận xét về vai trò của hình ảnh mắt sói, mắt người trong việc tổ chức các sự kiện của cốt truyện.
Phương pháp giải:
- Xác định ngôi kể; vị trí người kể dựa vào để quan sát, kể lại các nhân vật và sự kiện
- Hình ảnh mắt sói, mắt người có ý nghĩa như thế nào trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn?
Lời giải chi tiết:
Mắt sói được đánh giá là “Một cuộc gặp gỡ kì lạ, được kể lại một cách xuất sắc” (Astrapi). Trong tác phẩm, câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba nhưng có lúc được chuyển sang ngôi thứ nhất qua lời của nhân vật. Ở đoạn trích, câu chuyện được kể bằng lời ngôi thứ ba nhưng chủ yếu theo điểm nhìn bên trong (kể qua cảm nhận của nhân vật). Nhà văn Pennac đã xây dựng câu chuyện với cốt truyện đa tuyến mới lạ và đầy tính sáng tạo, truyện lồng truyện. Đan xen trong cốt truyện chính kể về cuộc gặp gỡ của Phi Châu và Sói Lam là cốt truyện riêng về cuộc đời của từng nhân vật. Lời kể của nhiều nhân vật tạo nên những góc nhìn đa chiều, gợi sự tò mò và hứng thú nơi người đọc. Ngôn ngữ kể chuyện trong sáng, phù hợp với lứa tuổi của trẻ thơ.
7
Câu 7 (trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Theo em, qua câu chuyện của Sói Lam và cậu bé Phi Châu, tác giả muốn ca ngợi hay phê phán điều gì? Câu chuyện đã tác động đến suy nghĩ và tình cảm của em như thế nào?
Phương pháp giải:
Dựa trên nội dung câu chuyện để tìm ra điều tác giả muốn ca ngợi và phê phán. Chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của em sau khi đọc xong văn bản
Lời giải chi tiết:
Theo em, qua câu chuyện của Sói Lam và cậu bé Phi Châu, tác giả muốn ca ngợi tình yêu thương động vật, tình cảm anh em, tình bạn, sự hi sinh, thái độ tôn trọng thiên nhiên,... của cậu bé Phi Châu và Sói Lam. Đồng thời phê phán cách ứng xử thô bạo, tham lam của con người với thế giới tự nhiên.
=> Qua câu chuyện, em thấy được rằng không chỉ con người mà loài vật cũng có quá khứ, có những tình cảm gắn bó sâu sắc và thiêng liêng. Con người phải biết yêu thương động vật và sống hòa thuận với chúng. Đồng thời biết mở lòng đón nhận những tình cảm, những người bạn mới, cùng bạn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Viết
(trang 13, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) kể lại sự kiện “Phi Châu và Báo đã trở thành đôi bạn thân thiết” (bằng lời của nhân vật Báo)
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản và viết đoạn văn theo yêu cầu đề bài.
Lời giải chi tiết:
Phi Châu là một cậu bé mồ côi, vì chiến tranh mà phải rời xa quê hương lưu lạc khắp đó đây. Tuy rằng cuộc sống của cậu rất khổ sở và đáng thương, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cậu than trách nửa lời. Cậu có những tình cảm chân thành và rất biết yêu thương các loài vật, cũng bởi vậy mà tôi và cậu ta đã trở thành những người bạn thân thiết. Trước khi trở nên thân thiết với tôi, cậu bé có một người bạn là lạc đà Hàng Xén. Nhờ cu cậu lạc đà ấy mà Phi Châu đã không bị lão Toa buôn bỏ lại giữa đường. Nhưng sau đó, cậu vẫn bị lão buôn bán cho vua Dê. Tại đây, cậu thông minh và yêu thương động vật nên chăn cừu rất giỏi. Phi Châu cũng dành nhiều thời gian bên tôi và chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân thiết. Chúng tôi cùng nhau chăn dê và cừu cho vua Dê, sống những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc.
Bài đọc
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Mắt sói SGK Ngữ văn 8 tập 2 Kết nối tri thức - chi tiết timdapan.com"