Soạn bài Lòng dân (tiếp theo) trang 31 SGK Tiếng Việt 5 tập 1

Giải câu 1, 2, 3 bài Lòng dân (tiếp theo) trang 31 SGK Tiếng Việt 5 tập 1. Câu 3. Vì sao vở kịch được đặt tên là Lòng dân?


Câu 1

An đã làm cho bọn giặc mừng hụt như thế nào?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc lời đối thoại của An với tên cai ở đầu truyện.

Lời giải chi tiết:

An đã làm cho bọn giặc mừng hụt bằng cách:

Khi chúng hỏi An: "Ông đó có phải tía mày không?" An trả lời: "Hông phải tía" làm chúng hí hửng tưởng An đã sợ nên khai thật. Không ngờ An thông minh làm chúng phải mừng hụt, tẽn tò: "Dạ, cháu... kêu bằng ba, chứ hổng phải tía."


Câu 2

Những chi tiết nào cho thấy dì Năm ứng xử rất thông minh?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn dì Năm vào buồng lấy giấy tờ, chỉ ra chi tiết cho thấy sự nhanh trí của dì.

Lời giải chi tiết:

Dì Năm ứng xử với tên cai rất thông minh, qua các chi tiết: Dì vờ hỏi chú cán bộ để giấy tờ chỗ nào, rồi nói tên, tuổi của chồng, tên bố chồng, qua đó người cán bộ sẽ biết để trả lời với tên Cai trùng khớp với ý dì Năm.


Câu 3

Vì sao vở kịch được đặt tên là Lòng dân?

Phương pháp giải:

Qua tình cảm của mẹ con dì Năm với cán bộ và bản lĩnh dũng cảm của dì trước quân giặc, em hãy giải thích tên của nhan đề.

Lời giải chi tiết:

Vở kịch được đặt tên là "Lòng dân" vì thể hiện được tấm lòng của người dân với cách mạng. Vì tin yêu cách mạng nên người dân sẵn sàng xả thân bảo vệ cách mạng. Lòng dân là chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng.


Nội dung

Ca ngợi mẹ con dì Năm dũng cảm trong cuộc đấu trí để lừa giặc, cứu cán bộ cách mạng; thể hiện tấm lòng son sắt của người dân Nam Bộ đối với cách mạng.

Bài đọc

Lòng dân

(Tiếp theo)

Cai:       - Hừm! Thằng nhỏ, lại đây. Ông đó phải tía mầy không? Nói dối tao bắn.

An:        - Dạ, hổng phải tía...

Cai:       - (hí hửng) Ờ giỏi! Vậy là ai nào?

An:        - Dạ, cháu ... kêu bằng ba, chứ hổng phải tía.

Cai:       - Thằng ranh! (ngó chú cán bộ) Giấy tờ đâu, đưa coi!

Cán bộ: - (Giọng miễn cưỡng) Để tôi đi lấy (chú toan đi, cai cản lại)

Cai:        - Để chị này đi lấy. (Quay sang lính). Mở trói tạm cho chị. (Dì Năm vào buồng)

Dì Năm: - (Nói vọng ra) Ba nó để chỗ nào?

Cán bộ:  - Thì coi đâu đó.

Cai:        -Trời ơi, con ruồi bay qua là tao biết ngay con đực hay cái mà. Qua mặt tao không nổi đâu!

Cán bộ : - Có không, má thằng An?

Dì Năm: - Chưa thấy.

Cai:        - Thôi trói lại dẫn đi (lính toan trói chú cán bộ thì dì Năm trong buồng nói to).

Dì Năm: - Đây rồi nè. Mấy cậu coi. Làng này ai hổng biết Lâm Văn Nên, 31 tuổi, con ông Dừa (đưa giấy cho cai, cai chuyển cho lính).

Cai:        - Nè đọc coi! - Lính (đọc): Anh tên ...

Cán bộ: - Lâm Văn Nên, 31 tuổi, con ông ...

Cai:       - (vẻ ngượng ngập) Thôi... Thôi được rồi.

(Ngó dì Năm) Nhà có gà vịt gì không chị Hai? Cho một con nhậu chơi hà!

Theo NGUYỄN VĂN XE

Tía (tiếng Nam Bộ): cha.

Chỉ (tiếng Nam Bộ): chị ấy.

Nè (tiếng Nam Bộ): này.