Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 2 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức
Những nỗi niềm xúc cảm của người chinh phụ (Chinh phụ ngâm) và khách tha hương (Tiếng đàn mưa) có điểm chung nào không? Vì sao?
Câu 1
Trả lời Câu hỏi 1 trang 61 SGK Văn 9 Kết nối tri thức
Những nỗi niềm xúc cảm của người chinh phụ (Chinh phụ ngâm) và khách tha hương (Tiếng đàn mưa) có điểm chung nào không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Gợi nhớ kiến thức để nhận xét về điểm chung
Lời giải chi tiết:
Điểm chung của hai nhân vật này đó là đều mang nỗi buồn da diết, đau xót. Ở người chinh phụ thì đó là nỗi niềm đau buồn khi phải tiễn người chồng ra chiến trường còn người khách tha hương thì đó là nỗi nhớ thương về quê hương
Câu 2
Trả lời Câu hỏi 1 trang 61 SGK Văn 9 Kết nối tri thức
Điều gì khiến thể thơ song thất lục bát có thế mạnh khi thể hiện những nỗi niềm xúc cảm, những khát vọng riêng tư của con người?
Phương pháp giải:
Gợi nhớ kiến thức phần đọc về thể thơ song thất lục bát để nhận xét về đặc điểm của thể thơ này.
Lời giải chi tiết:
Thể thơ song thất lục bát có câu song thất vần trắc xen câu lục bát vần bằng; có vần chân và vần lưng khiến cho âm điệu xoắn xuýt, thích hợp với tình cảm ai oán, thương xót của thể loại ngâm khúc hơn bất cứ thể loại nào khác.
Câu 3
Trả lời Câu hỏi 2 trang 61 SGK Văn 9 Kết nối tri thức
Tìm đọc một tác phẩm thơ song thất lục bát có nội dung đề cập tới thân phận người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ trong tác phẩm đó có điểm gì giống với thân phận người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm?
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết của bản thân để tìm đọc tác phẩm thơ thuộc thể loại song thất lục bát.
Lời giải chi tiết:
- Bài thơ Ai tư vãn
Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.
Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.
Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.
Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
Miếu thần đả đảo, thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.
Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,
Kể sum vầy đã mấy năm nay?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?
- Điểm giống: Bài thơ cũng thể hiện cảm xúc của người phụ nữ. Là tiếng khóc xót thương của người vợ khi người chồng mất đi.
Câu 4
Trả lời Câu hỏi 4 trang 61 SGK Văn 9 Kết nối tri thức
Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích
Phương pháp giải:
Dựa vào những kiến thức đã gợi ra để phân tích một tác phẩm thuộc thể loại thơ song thất lục bát.
Lời giải chi tiết:
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) để lại khoảng 800 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trong đó có ngót một trăm bài thơ viết về tình bạn. Có bài như "Bạn đến chơi nhà" thì hầu như ai cũng biết. Viết về Dương Khuê (1839 - 1902) bạn chí thân của mình, Nguyễn Khuyến đã có bốn bài thơ chữ Hán. Riêng bài thơ thứ tư "Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư" (Viếng bạn đồng khoa là Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư) được tác giả dịch ra chữ Nôm thành bài "Khóc Dương Khuê".
Đây là bài thơ khóc bạn rất tha thiết cảm động của Nguyễn Khuyến cũng là bài thơ khóc bạn rất nổi tiếng trong nền thơ ca dân tộc. Dương Khuê là bạn đồng khoa với Nguyễn Khuyến tại khoa thi Hương năm 1864. Dương Khuê đỗ tiến sĩ, làm quan to, để lại nhiều bài thơ hát nói tuyệt bút. Từ bạn đồng khoa đã phát triển thành bạn tri âm tri kỉ nên Nguyễn Khuyến mới có thơ khóc bạn cảm động và tha thiết như vậy. Có thể xem đây cũng là một bài văn tế được viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt thấm đầy lệ, gồm có 38 câu thơ. Hai câu thơ mở đầu:
"Bác Dương thôi đã thôi rồi.
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta"
Phong cách và bút pháp Nguyễn Khuyến vốn thâm thuý, cảm xúc lắng đọng. Tất cả nỗi đau mất bạn dường như dồn nén vào câu thơ lực bát mở đầu này. Dòng lục (Bác Dương thôi đã thôi rồi) ngắn gọn cất lên tiếng kêu thương đột ngột. Tin dữ về người bạn tri âm tri kỉ đến bất ngờ quá khiến cho Nguyễn Khuyến bàng hoàng, đau đớn và thất vọng. Biện pháp nghệ thuật nói giảm “thôi đã thôi rồi”, với từ “thôi” được lặp lại hai lần có tác dụng gợi nỗi đau đột ngột, sự thảng thốt, sự trống vắng không gì bù đắp nổi.
Dòng bát (Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta) dàn trải, diễn tả về sự mất mát đau thương ấy của Nguyễn Khuyến. Từ láy “man mác” đã diễn tả được cả không gian cũng nhuộm màu tang tóc. Có lẽ, lòng người đau đến quặn thắt như đứt ra từng khúc ruột “ngậm ngùi” nên nỗi đau ấy lan toả cùng mây trời non nước. Người bạn tri âm tri kỉ vừa ra đi làm cho nhà thơ thấy hẫng hụt, trống vắng đến khôn cùng.
Tác giả nhắc lại, nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc với người đã quá cố. Với nhà nho thì bạn đồng khoa là bạn đẹp nhất, tự hào nhất. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ đạt, cùng làm quan, tình bạn ấy là "duyên trời" tác hợp nên:
"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời"
Các từ ngữ "sớm hôm", "cùng nhau", "từ trước đến sau" thể hiện một tình bạn vô cùng thân thiết, chung thuỷ. Mỗi một kỉ niệm là một mảnh tâm hồn của nhà thơ được nhắc lại với bao nhiêu giọt lệ. Nguyễn Khuyến như vẫn thấy Dương Khuê đang cùng mình hiển hiện. Phải là bạn tâm đầu ý hợp, phải là những tao nhân mặc khách mới có những kỉ niệm cầm ca, thi tửu đẹp và đáng nhớ như vậy.
Nhớ những cuộc du ngoạn, thăm thú nơi "dặm khách" chan hoà với thiên nhiên, thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền: "Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo". Nhớ những lần cùng nhau đi hát ả đào nơi lầu cao, thưởng thức cung đàn, giọng hát:
"Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang"
Nguyễn Khuyến và Dương Khuê không chỉ chuyên cần học tập mà hai người cùng có những thú vui thật tao nhã: cầm, kì, thi, hoạ... Tình bạn ấy thật trong sáng và cao đẹp. Đó là tình bạn của những nhà nho chân chính. Cả hai ông đều là những người chăm chỉ dùi mài kinh sử mong được ghi tên vào bảng vàng bia đá, lưu danh muôn thuở. Cả hai ông đều đậu đại khoa dưới triều Nguyễn. Với biết bao kỉ niệm êm đẹp như vậy nên khi nhận tin Dương Khuê mất tâm trạng nhà thơ thảng thốt và đau đớn đến bàng hoàng.
Có kỉ niệm vui, có kỉ niệm buồn. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng làm quan to dưới thời nhà Nguyễn. Nhưng rồi đất nước ta bị xâm lăng, dân tộc ta bị giặc Pháp thống trị, là kẻ sĩ, là nhà nho "cùng nhau hoạn nạn". Cách ứng xử của mỗi người đểu có chỗ khác nhau. Nguyễn Khuyến đã cáo bệnh, từ quan về sống cuộc đời bình dị giữa xóm làng quê hương. Không tham miếng "đẩu thăng", lương bổng của triều đình. Còn Dương Khuê vẫn làm quan. Trong bài thơ chữ Hán "Gửi thăm quan Thượng thư họ Dương", Nguyễn Khuyến tỏ ra rất thông cảm với bạn: "Tôi biết bác vì cha mẹ phải làm quan để lấy tấm lụa - Bác biết tôi nghèo phải làm quan để kiếm đấu gạo lương". Cảnh ngộ và cách ứng xử tuy có khác nhau, kẻ làm quan, người từ quan, nhưng Tam nguyên Yên Đổ vẫn tỏ ra bao dung bạn, vẫn "kính yêu từ trước đến sau", không bao giờ thay lòng đổi dạ:
"Bác già tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế, thì thôi, mới là"
Chữ "rồi" vần với ba chữ "thôi" liên tiếp như một tiếng thở dài, tự an ủi mình, như muốn quên đi thật nhanh những điều bất đắc chí. Không nỡ, không muốn nhắc đến nữa mới là bạn bè tâm giao! Lời than khóc trở nên xót xa khi nhà thơ nhắc lại điển tích Tử Kỳ - Bá Nha và Trần Phồn - Từ Trĩ. Chiếc giường dành riêng tiếp bạn nay đã trở nên "hững hờ". Tiếng đàn cũng "ngẩn ngơ" mất hồn vì lẻ bạn. Một cách nói thậm xưng để cực tả nỗi đau tê tái khi bạn thân qua đời. Khi còn sống thì đôi bạn cùng đi chơi "dặm khách", cùng "lựa chiều cầm xoang", "rượu ngon cùng nhắp", cùng "bàn soạn câu văn"... Lúc bạn qua đời chẳng còn người tri âm tri kỉ để cùng nhau uống rượu, làm thơ, nghe đàn, năng lui tới thăm nom, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Nguyễn Khuyến đã có nhiều cách nói rất sâu sắc, cảm động diễn tả sự thương xót bạn và nỗi buồn cô đơn của mình.
Trải qua bao mưa nắng, bao thăng trầm hoạn nạn, Tam nguyên Yên Đổ còn đâu nhiêu nước mắt để khóc bạn, chí còn biết "lấy nhớ làm thương". Tuy nhiên cả bài thơ, nhất là bốn câu kết đã "chứa chan" nước mắt đau xót. Hai câu thơ: "Bác chẳng ở dẫu vẫn chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương" với cách diễn đạt trùng điệp và tăng cấp đã tạo nên giọng thơ buồn thê thiết, Nguyễn Khuyến để lại nhiều tiếng khóc: khóc cho đất nước và dân tộc, khóc vợ, khóc con, khóc bạn,… Tiếng khóc nào cũng xúc động, tê tái, nặng tình, nặng nghĩa. Riêng bài "Khóc Dương Khuê" lại được viết bằng thể thơ song thất lục bát, lời khóc bạn càng trở nên thiết tha, não nùng, lúc thì nức nở, thảng thốt, lúc thì kể lể thở than, lúc thì phân trần, lúc thì trách móc, lời thơ thủ thỉ như nói với người còn sống, rất cảm động. Giọng thơ liền mạch, lời thơ tinh tế, biểu cảm đã thể hiện nghệ thuật vừa bình dị, vừa điêu luyện.
Qua bài thơ, ta thấy Nguyễn Khuyến không chỉ là người tài cao học rộng mà còn là người rất nghĩa tình. Ông thuỷ chung trong tình bạn. Tình cảm đối với bạn của tác giả thật đáng trân trọng, đáng cho chúng ta học tập.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 2 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức timdapan.com"