Phân tích văn bản đất rừng phương Nam
Đất rừng phương Nam là một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người hiếu khách, yêu nước, kiên cường, bất khuất vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ.
Mẫu 1
Lời giải chi tiết:
Đất rừng phương Nam là một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người hiếu khách, yêu nước, kiên cường, bất khuất vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Quyển sách đã để lại cho em biết bao những suy nghĩ về vùng đất phương Nam thân yêu. Chỉ khi đọc hết quyển sách, chúng ta mới cảm nhận được cái đẹp và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Với nhân vật chính là một cậu bé tên An.
Trong quyển sách này, Đoàn Giỏi đã kể theo ngôi thứ nhất, hóa thân chân thật về cả tính cách lẫn cảm xúc của An. Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2-9-1945. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại các thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Tại những chi tiết này, tác giả đã miêu tả một cách chân thực hoàn cảnh và cuộc sống khốn khổ của nhân dân ta lúc chạy trốn giặc Pháp, khiến cho một đứa bé lớn lên trong hòa bình, độc lập như em cũng phải xót xa cho những thiếu thốn, thiệt thòi của nhân dân ta khi chiến tranh. Tác giả đã gợi cho em hình ảnh của những con người kiên cường, họ đã phải rời bỏ quê hương để chạy thoát khỏi tay bọn giặc Pháp.
Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có một cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang. Trong những tháng ngày lưu lạc nơi đất khách quê người, tác giả đã dùng tài năng của mình để gợi tả một cách chân thật quang cảnh và những sản vật trù phú của rừng U Minh và vùng đất Cà Mau. Từng nghề nghiệp, ánh mắt, cách ăn nói, chào mời; những chi tiết thể hiện sự trù phú về động và thực vật nơi đây của người dân nơi đây được tác giả vẽ lại thật chân thật và đầy cảm xúc; khiến cho chúng ta dù chỉ cần đọc quyển sách này cũng có thể hình dung ra quang cảnh tươi đẹp và trú phú ấy. Sau khi được bà Tư Béo, chủ một quán rượu nơi đây nhận nuôi, An đã vô tình biết được vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, chúng biết được và đốt quán bà Tư Béo, còn An đã may mắn chạy thoát và được một gia đình người đàn ông bán rắn tốt bụng nhận nuôi.
Trong khoảng thời gian sống cùng gia đình của ông bán rắn, An đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức chỉ có người dân ở đây lưu truyền với nhau, trong sách vở ở thành phố mà An theo học không hề nhắc đến. Trong những cuộc đi bắt rắn giữa An và gia đình, tác giả đã cho em nhìn thấy được sự dũng cảm, sự kiên nhẫn của những người làm nghề này. Từng cách bắt mồi nhử, cách móc mồi, cách... đuổi muỗi, sự chờ đợi, kiên nhẫn và quang cảnh của rừng U Minh vào ban đêm đã được hiện lên thật sắc nét dưới từng con chữ của tác giả. Còn trong những lần đi lấy mật ong, quyển sách đã mang lại cho em những hình ảnh chân thật nhất về cách dựa vào hướng gió, địa điểm, thời tiết mà đoán chỗ ong mật làm tổ để gác kèo lấy mật. Còn trong lần An chạm trán với hổ, em đã có thể phần nào hình dung ra sự hoang sơ, sự hoang dã của thiên nhiên rừng U Minh.
Sau khi chú Võ Tòng hi sinh vì phục kích giặc, gia đình bố nuôi An phải di cư đến nơi khác cùng người dân trong làng. Đến chợ Năm Căn. Tiếp tục sử dụng ngôi kể của mình, tác giả lại khiến cho đọc giả cảm giác thích thú say mê trước quang cảnh vui nhộn nhưng cũng không kém phần êm đềm. Cái quang cảnh tấp nập, người mua kẻ lại lại viển vông trong đầu em, nghĩ lung tung như muốn nhảy vào quyển sách để thăm thú cái nơi ấy. Rừng đước trù phú kia đang ôm lấy những con người chân chất của đất Cà Mau...
Kết thúc truyện, là cái lúc mà tất cả người dân đứng lên, đã sẵn sàng cho cái tư tưởng chiến đấu của họ, lý bất khuất cùng lòng dũng cảm, đứng hẳn lên, trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, bắt đầu cuộc chiến với quân địch, quân Pháp xâm lăng. Chỉ biết một điều, cái kết thúc dang dở thế này, kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bởi con người Việt Nam không bao giờ khiếp sợ trước quân thù, họ luôn đấu tranh để giành lại độc lập tự do vì trong họ luôn luôn tồn tại một tinh thần kiên cường, bất khuất
Qua cách dùng từ điêu luyện; sự miêu tả chân thật trong từng chi tiết, cảm xúc; sự tâm huyết của tác giả Đoàn Giỏi, quyển sách đã mang lại cho người đọc không chỉ là sự trù phú của thiên nhiên Cà Mau, mà còn là cảm xúc tự hào về tinh thần cao đẹp chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đó là một cảm xúc mà em sẽ luôn nhớ đến và tự hào.
Mẫu 2
Lời giải chi tiết:
Nhận xét về nhà văn phương Nam Đoàn Giỏi, Chế Lan Viên từng nói: "Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ.". Quả thực như vậy, đọc "Đất rừng phương Nam", ta như được hòa mình vào không gian rộng lớn nơi rừng tràm U Minh. Bằng ngòi bút tài hoa, tâm hồn thi vị, Đoàn Giỏi đã vô cùng thành công trong việc miêu tả cuộc sống, công việc của con người Nam Bộ.
Văn bản "Đất rừng phương Nam" là một trích đoạn thuộc chương 9 "Đi lấy mật". Văn bản đơn thuần kể về việc cậu bé An theo chân tía nuôi, Cò vào rừng để lấy mật. Trong chuyến đi, An đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị liên quan đến công việc dựng kèo nuôi ong mà má nuôi hay nói tới. Đồng thời, được tận mắt chứng kiến cảnh sắc đất rừng. Như vậy, chủ đề mà đoạn trích này hướng đến là tái hiện cuộc sống, công việc thường ngày của người dân phương Nam. Từ đó, ngợi ca thiên nhiên, con người nơi đây.
Đầu tiên, tác giả hướng ngòi bút vào việc khắc họa công việc dựng kèo nuôi ong. Công việc này được miêu tả gián tiếp qua lời kể tỉ mỉ của má nuôi An. Để có thể định chỗ gác kèo, con người phải thực sự hiểu biết và giàu kinh nghiệm. Giữa núi rừng mênh mông, người nuôi ong lấy mật cần "chọn được vùng rừng tốt, biết rằng đến mùa xuân tràm sẽ kết nhiều hoa". Chưa dừng lại ở đó, người dân phải tiếp tục quan sát hướng gió, lường tính trước các đường bay của ong mật. Như vậy, đây là công việc đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ, cẩn thận ở con người.
Tiếp đến, nhà văn tập trung làm nổi bật công việc đi lấy mật. Ngay từ sáng sớm, tía nuôi, An và Cò đã mang theo biết bao dụng cụ rồi đi vào rừng. Quãng đường tới địa điểm gác kèo khá xa xôi, trắc trở. Thế nhưng, chẳng ai lấy làm mệt nhọc hay vất vả. Dường như, con người đã quá quen với công việc thường ngày, với tình cảnh đàn ong vỡ tổ, bay vù vù trong rừng sâu. Công việc đi lấy mật không được miêu tả cụ thể như dựng kèo mà chỉ hiện lên qua một vài chi tiết, hình ảnh. Đó là cảnh tượng tía nuôi "rướn chân lên, gượng nhẹ đỡ nhánh kèo xuống" rồi vắt mật vào gùi, đựng sáp ở một thúng riêng. Như vậy, công việc này không quá cầu kì như việc làm kèo ong song cũng đòi hỏi con người cần tận tâm.
Có thể thấy, thông qua việc dựng lên hai công việc, nhà văn ca ngợi thiên nhiên đất rừng, con người phương Nam chân chất, thật thà. Các công việc đều gắn liền với tự nhiên, với rừng tràm "Gác chiếc kèo chênh chếch lên cây tràm", "Trên nhánh kèo khô còn trơ lại cái tàn ong sáp trắng to bằng chiếc nón, nặng trĩu những mật vàng". Từ đây, Đoàn Giỏi mở ra khung cảnh nên thơ, hùng vĩ và hình ảnh người lao động chăm chỉ, cẩn thận. Con người đã biết tận dụng tài nguyên quanh mình để lao động sản xuất, phục vụ đời sống. Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự am hiểu sâu sắc, người dân có thể tự cung, tự cấp một nguyên liệu cần thiết mang tên "mật ong".
Bằng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đậm chất Nam Bộ, hình ảnh giàu sức gợi, nhà văn Đoàn Giỏi đã mang đến cho người đọc những hình dung cụ thể về công việc quen thuộc của người dân phương Nam thời bấy giờ. Các công việc ấy được thực hiện trong một không gian rộng lớn nơi rừng tràm bạt ngàn, được hoàn thành nhờ đôi tay khéo léo, cần mẫn của người dân. Ngoài ra, việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, nhiều điểm nhìn kể chuyện cũng giúp văn bản trở nên hấp dẫn và sinh động hơn.
Qua "Đất rừng phương Nam", ta lại càng hiểu thêm về cuộc sống của con người Nam Bộ, về thế giới bên ngoài, về những con người phóng khoáng, giàu tình cảm. Đồng thời, cảm nhận được vẻ đẹp trù phú, thơ mộng nhưng không kém phần kì vĩ ở vùng U Minh.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Phân tích văn bản đất rừng phương Nam timdapan.com"