Phân tích hình ảnh người mẹ trong tác phẩm Mẹ tôi
Phân tích hình ảnh người mẹ trong tác phẩm Mẹ tôi
Dàn ý
1. Mở Bài
- Giới thiệu sơ lược tác giả, tác phẩm.
- Dẫn dắt hình tượng nhân vật người mẹ.
2. Thân Bài
a. Giới thiệu về người mẹ
- Hình ảnh người mẹ hiện lên thông qua lời kể và cảm nhận của người bố.
- Không được đặc tả diện mạo, xuất thân, không có lời thoại, hình ảnh bà hiện lên thông qua những tình cảm, sự hi sinh dành cho con.
b. Là người yêu thương con vô bờ bến
- "Mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con,..."
- Hình ảnh người mẹ hiện lên thật thật tội nghiệp, đó là một người mẹ đang đau khổ, đang trằn trọc lo lắng đến mất ăn mất ngủ cho đứa con bé bỏng, và có lẽ rằng con đau một nhưng có khi mẹ còn đau gấp trăm lần con.
c. Sẵn sàng hy sinh tất cả vì con
- "Người mẹ sẵn sàng bỏ một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hy sinh tính mạng để cứu sống con".
- Con chính là hạnh phúc là niềm tin là ánh sáng của cuộc đời người mẹ, mất con dường như cả thế giới tối lại. Vì con mẹ có thể hy sinh tất cả, dẫu điều đó có khiến mẹ đau đớn, mệt mỏi.
3. Kết Bài
- Lá thư là một bài học cảm động của người cha dành cho con về việc đối xử với mẹ mình.
- Thông qua đó hình ảnh một người mẹ bao dung, yêu thương con vô bờ bến, thậm chí có thể hy sinh tất cả vì con hiện lên thật sâu sắc và cảm động.
Bài mẫu
Mẹ từng giấu vào đêm nghìn giọt khóc
Quả bàng khô chờ rụng lúc không người
Khi nhớ về mẹ, dường như ai trong chúng ta cũng rưng rưng nghĩ về một tượng đài sừng sững của yêu thương, hi sinh và vị tha cao cả. Người mẹ trong tác phẩm Mẹ tôi của nhà văn Ét-môm-đô đơ A-mi-xi là một người mẹ như vậy. Đây là tác phẩm thể hiện tấm lòng cao cả của ngưởi mẹ đối với đứa con thân yêu của mình, bởi những giá trị nhân văn cao cả mà nó trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn.
Lấy tình huống cậu con trai không hiểu chuyện, đã có thái độ vô lễ với mẹ, Ét-môm-đô đơ A-mi-xi đóng vai người bố, viết nên bức thư với những từ ngữ chân thành, đầy cảm xúc nói về công lao và tình cảm của đấng sinh thành, giúp En-ri-cô suy nghĩ, nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.
Để En-ri-cô nhận ra lỗi lầm của mình, trước hết người cha thể hiện thái độ đau buồn, giận dữ và có phần thất vọng. Thái độ đó được thể hiện rõ qua những lời văn gay gắt, từ ngữ mạnh mẽ: “con đã thiếu lễ độ với mẹ” “bố không thể nén cơn tức giận”. Trong đoạn đầu bức thư ông đã hết sức nghiêm khắc trước những lỗi lầm của con, thậm chí ông còn cảnh cáo: “Việc như thế con không bao giờ được tái phạm nữa”. Lời lẽ nghiêm khắc, thái độ dứt khoát dù có đôi chút nặng nề nhưng đã tác động phần nào đến nhận thức của En-ri-cô. Nếu mẹ là dòng suối hiền thì cha được ví như ngọn núi cao sừng sững với tình yêu nghiêm khắc, cứng rắn dành cho những đứa con bé nhỏ.
Để En-ri-cô nhận ra sự thiếu lễ độ với mẹ là hoàn toàn sai trái, bức thư đã gợi lên hình ảnh dịu dàng, hiền hậu của mẹ, một hình ảnh bình dị mà vô cùng lớn lao. Ét-môm-đô đơ A-mi-xi đã thật khéo léo khi để người cha đóng vai trung gian, giảng giải cho con trai hiểu về mẹ của cậu. Vì người cha ấy đủ tình yêu và sự thấu hiểu với người vợ của mình, người cha ấy cũng đủ tình thương, lòng vị tha và cả nghiêm khắc để dạy dỗ đứa con ruột thịt. Ông chính là ngọn nến vàng đang cố gắng thắp sáng nên các ngọn nến còn lại để tỏa hơi ấm cho cả gia đình.
Trước hết, mẹ của En-ri-cô có tình yêu thương con sâu sắc, cao cả. Bà tận tụy, lo lắng cho En-ri-cô suốt ngày đêm trong những ngày cậu ốm: “thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con” bà cũng giống như bao bà mẹ khác, luôn quan tâm, săn sóc và hết mình vì con. Thậm chí bà còn có thể hi sinh vì con “bỏ hết một năm hạnh phúc” để “tránh cho con một giờ đau đớn” hình ảnh tương phản kết hợp với “mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con” càng làm nổi bật rõ hơn sự hi sinh, tình yêu thương của bà dành cho đứa con yêu quý của mình.
Không chỉ yêu thương con, mẹ còn có vị trí vô cùng quan trọng với con. Mẹ là điểm tựa, là sự cưu mang, che chở trong suốt cuộc đời con: “mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay đón vào lòng”, dù có khôn lớn trưởng thành thì cũng sẽ cảm thấy yếu đuối nếu không có mẹ ở bên che chở. Nỗi bất hạnh, đau đớn nhất đối với con là không còn mẹ: “ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ”. Bằng những lời lẽ vừa tha thiết, xúc động vừa nghiêm khắc, cảnh tỉnh người cha đã cho thấy vai trò to lớn của mẹ trong cuộc đời mỗi con người và “thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó”.
Văn bản đã cho thấy chân dung của một người mẹ có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng mà thầm lặng và vị tha. Qua hình ảnh người mẹ của En-ri-cô, ta càng thấy yêu mẹ hơn vì tình yêu thương vô bờ bến của người dành cho ta. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần phải yêu quý, kính trọng cha mẹ, cố gắng thành người để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục lớn lao của cha mẹ đối với mình. Và hơn lúc nào, ta càng thấm thía lời đức Phật dạy:
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Phân tích hình ảnh người mẹ trong tác phẩm Mẹ tôi timdapan.com"