Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài Tự Tình (II) của Hồ Xuân Hương.

Tác giả đã sử dụng biệp pháp đảo ngữ nhằm nhấn mạnh hành động dữ dội trong cái nỗi bi phẫn sâu xa của thân phận làm lẽ của người phụ nữ.


Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm bài thơ Tự tình 2

- Giới thiệu vị trí của đoạn trích (2 câu luận và 2 câu kết bài Tự tình)

II. Thân bài

1. Hai câu luận

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

+ Những sinh vật bé nhỏ như đám rêu kia mà vẫn không chịu phận nhỏ bé, hèn mọn, không chịu yếu mềm. Tất cả như đang muốn bứt thoát hẳn lên: rêu phải mọc "xiên ngang mặt đất", đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt để "đâm toạc chân mây".

+ Nghệ thuật đảo ngữ càng làm nổi bật sự phẫn uất của đá, của rêu và cũng là sự phẫn uất của tâm trạng con người.

+ Kết hợp với việc sử dụng những động từ mạnh (xiên, đâm) với các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) thể hiện rất rõ sự bướng bỉnh và ngang ngạnh => Đá, rêu như đang oán hờn, như đang phản kháng quyết liệt với tạo hoá.

=> Có thể nói, trong hoàn cảnh bi thảm nhất, thơ Hồ Xuân Hương vẫn ẩn chứa mạnh mẽ một sức sống, một khát khao.

2. Hai câu kết

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

+ "Ngán" là chán ngán, là ngán ngẩm. Xuân Hương ngán nỗi đời éo le, bạc bẽo bởi xuân đi rồi xuân lại lại, tạo hoá đang chơi một vòng quay nhàm chán như chính chuyện duyên tình của con người.

+ Từ xuân vừa chỉ mùa xuân, vừa được dùng với nghĩa chỉ tuổi xuân. Với thiên nhiên, xuân đi rồi xuân lại nhưng với con người thì tuổi xuân đã qua không bao giờ trở lại.  Hai từ "lại" trong cụm từ "xuân đi xuân lại lại" cũng mang hai nghĩa khác nhau. Từ "lại" thứ nhất là thêm một lần nữa, trong khi đó, từ "lại" thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi, đó là cái gốc sâu xa của sự chán ngán.

+ Trong câu thơ cuối, nghệ thuật tăng tiến làm cho nghịch cảnh của nhân vật trữ tình càng éo le hơn: mảnh tình - san sẻ - tí - con con. Mảnh tình - vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải "san sẻ" thành ra gần như chẳng còn gì (tí con con) nên càng xót xa, tội nghiệp => Câu thơ nói lên cả nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi cảnh chồng chung vợ chạ đối với họ không phải là xa lạ.

III. Kết bài

- Nêu cảm nhận chung





Bài mẫu

        Trong hệ thống những bài thơ mang chứa tâm sự của Hồ Xuân Hương, “Tự tình” là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn thấm thía của người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng chỉ gặp toàn dang dở, bất hạnh. Đó còn là sự bất hạnh của một mơ ước không thành

        Hai câu luận là hình ảnh của tâm tư dậy sóng:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

        Tác giả đã dùng động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc để miêu tả một thiên nhiên đầy sức sống. Biện pháp đảo ngừ đã nhấn mạnh hành động dữ dội trong nỗi bi phẫn sâu xa. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi khao khát bứt phá cái giới hạn của người phụ nữ và muôn xé toạc cái thành kiến đóng váng cả ngàn năm phong kiến để tự khẳng định mình, để tìm đến chân trời dân chủ và hạnh phúc. Cái “tôi” không chịu an phận, chủ động đi tìm hạnh phúc thật là mới mẻ. Tính cách này còn được thể hiện ở bài thơ khác:

Giơ tay với thử trời cao thấp,

Xoạc cẳng do xem đất vắn dài.

        Khát khao cũng chỉ là khao khát, nhà thơ quay về thực tại để đối diện với thân phận:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con.

        Những người có ý thức về giá trị sự sống thường rất sợ thời gian. Thời gian qua mau mà cuộc đời mãi quạnh hiu chẳng có thay đổi gì, cơ hội tìm kiếm hạnh phúc càng khó. Từ xuân có hai nghĩa: mùa xuân và tuổi xuân. Mùa xuân của đất trời tuần hoàn lặp lại còn tuổi xuân sẽ mãi ra đi. Trong tình cảnh này, lòng người càng thêm chán ngán:

Ngày xuân tuổi hạc càng cao

Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng

                                           (Nguyễn Khuyến)

        Từ ngán đặt ở đầu câu với trọng âm của nó có ý nghĩa nhân mạnh tâm trạng chán chường. Từ lại thứ nhất là trợ từ có nghĩa là thêm lần nữa, từ lại thứ hai là động từ, nghĩa là trở về. Cụm từ xuân lại lại mang ý nghĩa biểu cảm tâm trạng đang bị dày vò, day rứt. Trong khi ấy mảnh tình đã nhỏ mà cũng phải san sẻ nên chi còn tí con con. Từ láy cỏn con là quá nhỏ còn điệp từ con con là nhỏ dần, đến lúc sẽ chẳng còn thấy nữa. Nên biện pháp tăng tiến trong câu thơ cho thấy thân phận làm lẽ thật tội nghiệp, hạnh phúc đang hao mòn dần và dự báo sẽ chẳng còn.

        Qua bài thơ này, ta càng thấy rõ Hồ Xuân Hương đã đưa ngôn ngữ dân gian, tiếng nói đời thường vào lời ca, bình dị hoá và Việt hoá thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bà xứng đáng là "Bà chúa thơ Nôm" của nền thi ca dân tộc.

 



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến