Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của văn bản “Đi san mặt đất”

Văn học là những gì tinh tuý nhất được sáng tạo ra trên cuộc đời này nhằm phục vụ tinh thần và đời sống tâm hồn của con người.


Văn học là những gì tinh tuý nhất được sáng tạo ra trên cuộc đời này nhằm phục vụ tinh thần và đời sống tâm hồn của con người. Sức mạnh nội tại của văn học xuất phát từ bản chất của con người, họ sáng tác ra những tác phẩm văn chương để hỗ trợ họ trong những nhu cầu thực tiễn, quan trọng nhất vẫn là những giá trị giáo dục, thẩm mĩ, và nhận thức mà nó mang lại. Trải qua hàng ngàn năm kiến tạo đất trời, từ khi con người xuất hiện trên đời này thì văn chương đã có rồi, nó là một trong những công cụ đắc lực của đời sống con người, là một phần “Thực phẩm” thiết yếu để nuôi dưỡng họ. Văn chương, nghệ thuật không chỉ mang những giá trị giải trí đơn thuần mà nó chứa đựng nhiều giá trị nhân bản có ý nghĩa vô cùng to lớn tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống, những tư tưởng mà nó mang lại góp phần làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên đa dạng và phong phú hơn. Có vô vàn những thể loại từ khoa học, nghệ thuật, lịch sử, .. đều lấy vấn đề Tạo lập thế giới để làm những chủ đề chính trong các sản phẩm sáng tạo, nhưng về vấn đề ấy không một lĩnh vực nào có thể đưa ra những giả thuyết thiết thực và thuyết phục hoàn toàn, bởi vậy từ xa xưa khi mà các lĩnh vực khác chưa phát triển văn học đã là nguồn tri thức đầu tiên, ban sơ nhất mà con người tạo ra để giải thích cho các hiện tượng ấy. Đặc biệt là các tác phẩm thần thoại với những chi tiết kì ảo, không chỉ chứa đựng những điều thú vị về chuyển biến của loài người thuở hồng hoang mà còn thể hiện những ý nghĩa giá trị khác. Giai thoại “Đi san mặt đất” trích từ thần thoại “Mẹ trời mẹ đất” của người dân tộc Lô Lô đã phần nào thể hiện được những đặc điểm ấy.

       Thể loại thần thoại đã không quá xa lạ với bạn đọc chúng ta hiện nay, bởi những điều kì thú và hấp dẫn trong những chi tiết kì ảo và nhiệm màu, mang những kiến thức thú vị đến với người đọc một cách dễ hiểu. Những câu chuyện ấy thường kể về các vị thần với những công việc phi thường, nhưng đối với đoạn trích Đi san mặt đất, nhân vật chính được thể hiện ở đây là các loài vật gần gũi với con người, nhưng không vì thế mà trở nên tầm thường. Chúng được nhân hoá, thổi hồn vào để thay con người thực hiện việc cải tạo lại thế giới sống, đó cũng là điều khác biệt mà ở những câu chuyện khác không có. Qua nhiều lần truyện miệng, câu chuyện vốn đã không còn giữ những nét cơ bản mà nó vốn được sinh ra, nhưng vẫn còn giữ nguyên những giá trị nội dung và nghệ thuật, những bài học giá trị về đời sống trong thế giới loài người. Tại sao mặt đất lại bằng phẳng như thế, ai đã làm ra điều đó. Chẳng ai có thể lí giải một các thuyết phục hoàn toàn, nhưng đến với câu chuyện của người Lô Lô ta lại có một cái nhìn mới mẻ về vấn đề ấy, dù phi thực tế nhưng lại vô cùng lí thú, đáng để ta suy ngẫm và tiếp nhận trong quá trình thưởng thức nghệ thuật. Đoạn trích Đi san mặt đất thuộc nhóm thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên, bởi nó được sáng tạo ở một khoảng thời gian rất xưa cổ, thuở con người vừa được các vị thần ban cho sự sống, nó giải thích vì sao mặt đất lại bằng phẳng. Truyện đã nêu ra một thông điệp vô cùng to lớn và nhân bản, ứng nghiệm cho đến thời hiện đại bây giờ đó là khát vọng chinh phục thiên nhiên, vũ trụ của con người và công lao to lớn của họ trong việc cải tạo thiên nhiên. Ở các tác phẩm thần thoại khác việc cải tạo lại thiên nhiên, đời sống có các loài sinh vật đều là việc làm của các vị thần phi thường, nhưng trong đoạn trích này đó là công lao của loài người, điều đó cho ta thấy loài người cũng có những sức mạnh tiềm ẩn phi thường mà khi cần thiết chắc chắn sẽ được bộc lộ ra ngoài.

   Ngay từ đầu tác phẩm, cũng giống như mô tuýp viết của các câu chuyện thần thoại khác, khoảng thời gian không xác định thuở xưa vô tận hiện lên qua lời dẫn chuyện :

       “Ngày xưa, từ rất xưa

         Người già không nhớ nổi

         Mấy trăm, mấy nghìn đời

         Ngày xưa, từ rất xưa

         Người trẻ không biết tới

         Mấy nghìn mấy vạn năm”

Khác với những câu chuyện như Thần trụ trời,… đều giới thiệu qua khoảng thời gian mênh mông vô tận, lấy vũ trụ làm trung tâm để thể hiện thời gian không gian, Đi san mặt đất lấy hình ảnh con người làm trung tâm. “Người già, người trẻ”, trải qua bao nhiêu thế hệ rồi cũng không thể nhớ nổi khoảng thời gian ấy, điều đó đã thể hiện đậm nét phong cách thể loại thần thoại, không gian và thời gian bất định. Trong thuở ấy con người sống chung hoà thuận với nhau, Đoạn lời kể thể hiện sự gần gũi bằng cách gọi họ là Người mặt đất :

         “Người mặt đất ăn chung

          Cùng đi và cùng ở

          Trồng bắp trên núi cao

 

           Uống nước từ bụng đá

           Người mặt đất sống chung

           Cùng ở và cùng đi”

 Đời sống sinh hoạt của người mặt đất hiện lên một cách chân thực, gợi sự gần gũi, họ sống với nhau chan hoà, “Cùng ở và cùng đi”, đó là tinh thần đoàn kết giúp họ vượt qua những gian khó thử thách của tạo hoá. Họ sản xuất ở trên núi cao, uống nguồn nước từ bụng đá, họ sử dụng những nguồn tài nguyên mà các vị thần ban cho để tồn tại, sinh hoạt và lao động, chính vì vậy đó là một cuộc sống yên bình và hạnh phúc. Đó là những bước đầu để khởi nguyên cho các triều đại của loài người sau này.

Nhưng đã là con người, có suy nghĩ, có tư duy và họ luôn muốn cải thiện đời sống của mình, mặc dù đã bằng lòng với những gì mình có nhưng họ muôn hơn thế nữa, họ muốn cải tạo lại nơi mình sinh sống trở nên hoàn thiện nhất có thể :

   “Bầu trời nhìn chưa phẳng

    Mặt đất còn nhấp nhô

    Phải đi san bầu trời

    Phải đi san mặt đất”

Người mặt đất mong muốn cải tạo lại thế giới xung quanh mình, họ nhận thấy rằng bầu trời còn chưa phẳng, mặt đất nhấp nhô, gồ ghề quá, không thích hợp để họ phát triển, lao động và sáng tạo trên đó. Chính vì vậy họ tìm cách san bằng mặt đất ấy, để thuận tiện cho quá trình sản xuất, tạo ra miếng ăn một cách thuận lợi và dễ dàng hơn, đem lại cuộc sống ấm nó và văn minh. Mặt đất rộng bao la, không phải muốn san bằng nó là được, nhưng họ vẫn quyết định thực hiện công việc phi thường ấy, bởi sức mạnh con người là vô hạn, không có gì là không thể trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, thể hiện quyền làm chủ của mình.

      “Kiếm con trâu sừng cong

       Chọn con trâu sừng dài

       Đẽo cho trâu cái ách

       Đục lỗ ách luồn dây

       Chão dẻo làm dây cày

      Thừng dài làm dây bừa”

Không phải sử dụng phép nhiệm màu hay quyền năng như các vị thần, người mặt đất sử dụng những thứ gần gũi với cuộc sống của họ để làm nên những điều phi thường, đây là điểm sáng khiến cho câu chuyện trở nên đăc biệt hơn. Họ chọn con trâu, biểu tượng cho quá trình lao động sản xuất ra miếng ăn của họ, chọn con trâu có sừng cong, dài, chọn những vậ liệu tốt nhất để cho nó cày, cho nó bừa, đi san bằng mặt đất này. Con trâu sở hữu sức mạnh của thần thánh, làm việc không biết mệt, làm việc không biết nhọc, cứ thế siêng năm làm công việc của mình, điều đó thể hiện một đức tính quý giá của con người, đó là sự chăm chỉ. Chăm chỉ, cần cù và chịu khó là những giá trị mà con người Việt ta đã có từ thời xưa, đó là truyền thống quý báu để tạo nên những nét đẹp trong văn hoá dân tộc, họ lấy hình ảnh con trâu để ẩn dụ cho sức mạnh của loài người, con người có thể thực hiện những công việc khó khăn nhưng không quản mệt nhọc, bởi nó đem lại niềm vui và thành quả. Công việc san bằng mặt đất không phải của riêng loài nào, đó là công việc chung của toàn thể những sinh thể sống trên mặt đất này :

“San đất là việc chung

Người gọi nhau làm lấy

Nhiều sức chung một lòng

San mặt đất cho phẳng

Nhiều tay chung một ý

San mặt đất làm ăn”

Đoàn kết là một yếu tố cốt lõi để làm nên một tập thể, một cộng đồng, chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh cho mỗi cá thể, giúp họ có thể vượt qua những thử thách, khó khăn, ra sức làm lụng để có những thành quả xứng đáng. Không bó hẹp trong phạm vi câu chuyện, mà trong bât kì một thời đại nào, sự đoàn kết luôn là điều then chốt để quyết định những việc lớn lao, phi thường. Không chỉ là một câu chuyện thần thoại mà còn là những triết lí vô cùng sâu xa và giá trị.

Không chỉ con trâu mà những loài vật khác cũng được thổi hông vào để cùng góp phần làm công việc săn bằng mặt đất :

“Người tìm hang chuột chuỗi

Người lại tìm cóc ếch”

Giống loài nào cũng được kêu gọi để ra sức thực hiện công việc chung này nhưng chỉ có loài trâu là gắn liền với công việc của con người, còn những loài khác ai ai cũng đều kiếm cớ để từ chối. Chi tiết này thể hiện nhiều ý nghĩa sâu xa và thiết thực. Đi san mặt đất là công việc của chung, bất kể giống loài nào cũng đều tham gia góp phần gầy dựng nên môi trường sống tốt đẹp hơn, nhưng những loài vật ấy đều không góp công sức của mình, chi tiết châm biếm những người lười biếng, thụ động, không có tinh thần hăng say lao động và đoàn kết trong một tập thể, những người như vậy không đáng để được nhận thành quả chung của mọi người.

Truyện thần thoại “Đi san mặt đất” của người Lô Lô đã xây dựng nên một bức tranh đẹp về sức mạnh của loài người và các đức tính tốt của họ trong quá trình cải tạo lại thiên nhiên, qua đó đề cao sức mạnh tiềm ẩn của con người và ý chí chinh phục thiên nhiên của họ. Truyện sử dụng những yếu tố hoang đường kì ảo đậm bản chất của yếu tổ thần thoại, có tác dụng lôi cuốn và hấp dẫn người đọc. Các nhân vật không phải là các vị thần mà thay vào đó là con người và các loại vật, những con vật được nhân hoá để làm công việc giống như con người, giúp sức với họ làm việc chung. Không những vậy truyện còn sử dụng các biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hoá, … để châm biếm những bộ phận người có đức tính xấu trong xã hội, thể hiện giá trị giáo dục của văn học trong đời sống hàng ngày. Không dài dòng và dễ gây chán như các câu chuyện khác, Đi san mặt đất của người Lô Lô được viết theo kiểu truyện thơ, vừa ngắn gọn súc tích nhưng cũng thể hiện rõ rành những ý nghĩa nội dung vốn có của một câu truyện bình thường. Tất cả những đặc sắc nghệ thuật ấy đã làm nên một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc và đầy tính nhân văn.

Văn học mang những giá trị vô cùng nhân bản, từ đời sống con người, trải qua một quá trình chọn lọc và sáng tạo, những bài học ý nghĩa được ra đời từ đó và bắt đầu truyền bá trong xã hội. Chỉ những tác phẩm văn học chân chính mới có được sức mạnh đó, vòng lặp cứ thế lặp đi lặp lại đến khi cuộc sống này được thanh tẩy một cách sạch sẽ và chỉ còn hạnh phúc. Câu chuyện Đi san mặt đát của người Lô Lô không chỉ đơn giản là một câu chuyện thần thoại mang tính giải trí mà nó còn thể hiện những ý nghĩ sâu xa mà một tác phẩm văn học chân chính sở hữu.

Bài giải tiếp theo



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến