Phân tích bài thơ Tây Tiến
Kháng chiến chống Pháp đã đi qua, nhưng qua những vần thơ, bài hát, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được một quá khứ đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Mẫu 1
Lời giải chi tiết:
Kháng chiến chống Pháp đã đi qua, nhưng qua những vần thơ, bài hát, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được một quá khứ đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Quang Dũng với tác phẩm "Tây Tiến" đã đưa vào văn chương kháng chiến một luồng gió mới. Thông qua việc phân tích bài thơ Tây Tiến, ta sẽ thấy được hình ảnh quả cảm, đau thương nhưng đầy mộng mơ của những người lính tri thức bấy giờ.
Quang Dũng thuộc lớp nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Không chỉ viết thơ hay, ông còn được biết đến là một nghệ sĩ tài năng với khả năng viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tâm hồn nhà thơ vì thế cũng đầy mơ mộng. Cũng bởi thế mà thơ của ông phóng khoáng mà hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
Mở đầu bài thơ, Quang Dũng đã tập trung khắc họa lại núi rừng Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến. Điều đặc biệt là khung cảnh ấy hiện về trong ký ức của người lính trẻ:
" Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
Qua hồi ức của tác giả, hình ảnh "Sông Mã", "Tây Tiến" giờ đây đều như trở thành những người thân thương ruột thịt. Mà với nơi đây, Quang Dũng dành trọn vẹn tình cảm nhớ thương của mình. Cụm từ "nhớ chơi vơi" gợi tả một nỗi nhớ rất lạ lùng. Đó là nỗi nhớ của những người lính đến từ phố thị xa hoa, nỗi nhớ làm tim như chững lại, chơi vơi, không có điểm dừng. Nỗi nhớ ấy vừa nhẹ nhàng, lại vừa mãnh liệt đến lạ. Dường như núi rừng Tây Bắc đã khắc sâu vào tâm hồn những người lính trẻ biết bao điều. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời và hơn cả, đó cũng là nỗi trống trải, lạc lõng, đậm nỗi nhớ và nỗi buồn man mác trong lòng thi sĩ Quang Dũng.
Sau hai câu thơ đầu miêu tả nỗi nhớ, hình ảnh núi rừng Tây Bắc và con đường hành quân gian khổ của những người lính được miêu tả rõ nét. Qua ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, không gian hiện lên đầy chất thơ:
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Mường Lát hoa về trong đêm hơi."
"Sài Khao", "Mường Lát" đều là những địa danh gợi nhắc về địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến. Nó càng làm nhân lên nỗi nhớ "chơi vơi" của tác giả với hình ảnh "sông Mã" ở đầu. Thế nhưng đến đây, không gian đã được mở rộng hơn, với nhiều chi tiết khơi gợi kỉ niệm hơn. Vùng núi Sài Khao sương giăng kín lối, dường như chôn lấp đi hình ảnh "đoàn quân mỏi" sau chặng đường dài. Cùng với sự "mỏi" sau chặng hành quân, ngọn đuốc hoa bập bùng trong đêm tối đều là những kỉ niệm khơi gợi và chứng minh nỗi nhớ vô cùng của tác giả. Quang Dũng đã sử dụng động từ "hoa về" thay vì "hoa nở", "đêm hơi" chứ không phải "đêm sương". Cách kết hợp từ này gợi tả không gian đầy trữ tình, huyền ảo, lung linh như không có thực. Giờ đây, nỗi nhớ của nhà thơ như dàn trải khắp không gian rộng lớn. Mỗi nơi mà bước chân người lính đã đi qua, họ đều dành những tình cảm yêu thương đặc biệt, khiến chúng trở thành những kỷ niệm khắc sâu trong lòng mãi mãi không thể quên.
Địa hình núi non hiểm trở "dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" đoạn đường đi cũng chẳng bằng phẳng dễ dàng, có đoạn lên cao gập ghềnh khúc khuỷu, có khi lại "thăm thẳm" như vực sâu chỉ cần một phút lơ đãng người lính có thể mất đi mạng sống của mình. Sương dày che lấp tầm nhìn, đường đi nhỏ quanh co lại thêm sự trơn trượt của mặt đất, đoàn quân vẫn đi trong gian khổ từng hạt mưa phùn rơi xuống phảng phất cái lạnh buốt. Quang Dũng vận dụng nghệ thuật đối lập một cách tài tình để miêu tả sự sáng tạo gợi ra trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang vắng, bí hiểm với đầy rẫy những hiểm nguy "oai linh thác gầm thét", đêm đêm "cọp trêu người".
Quả là một nơi "rừng thiêng nước độc" thế nhưng những khó khăn đó không thể cản bước chân người lính, họ vẫn đi với sự anh dũng kiên cường và trong đôi mắt người lính thì miền Tây Bắc lại là một vùng đất rất đỗi trữ tình và chan chứa tình người. Những hình ảnh "hoa về trong đêm hơi", "mưa xa khơi" thật huyền ảo tạo xúc cảm thư thái, nhẹ nhàng cho người đọc. Người dân miền Tây hiện lên thật giản dị, nghĩa tình, họ gắn bó với cách mạng, yêu thương che chở cho những người lính Tây Tiến.
Bằng bút pháp tài hoa, lãng mạn, thi trung hữu nhạc, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp giàu bản sắc văn hóa, phong tục của đồng bào vùng biên giới cùng tình cảm quân dân thắm thiết và tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống của người lính Tây Tiến.
Tiếp theo, đoạn thơ thứ 3 của bài thơ Tây Tiến đã dựng lên bức tượng người lính Tây Tiến bất tử với thời gian. Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng. Hình ảnh những người chiến sĩ sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật: thân hình tiều tụy vì sốt rét rừng của người lính Tây Tiến "không mọc tóc, xanh màu lá". Trong gian khổ, hình tượng người lính Tây Tiến vẫn hiện ra với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, vẫn toát lên cốt cách, khí phách hào hùng, mạnh mẽ "xanh màu lá, dữ oai hùm". Mặc dù, chiến đấu trong gian khổ nhưng các anh quân dân vẫn hướng về nhiệm vụ chiến đấu, vẫn "mộng qua biên giới" - mộng chiến công, khao khát lập công; "mơ Hà Nội dáng kiều thơm" , mơ về, nhớ về dáng hình kiều diễm của người thiếu nữ đất Hà thành thanh lịch. Những hình ảnh thơ thể hiện tâm hồn mộng mơ, lãng mạn của người lính - những chàng trai ra đi từ đất Hà Nội thanh lịch. Những giấc "mộng" và "mơ" ấy như tiếp thêm sức mạnh để các anh vượt gian khổ để lập nên nhiều chiến công. Những người lính trẻ trung, hào hoa đó gửi thân mình nơi biên cương xa xôi, sẵn sàng tự nguyện hiến dâng "đời xanh" cho Tổ quốc mà không hề tiếc nuối. Hình ảnh người lính Tây Tiến phảng phất vẻ đẹp lãng mạn mà bi tráng của người tráng sĩ anh hùng xưa.
Khổ thơ cuối cùng, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp tinh thần của người vệ quốc quân thời kì đầu kháng chiến: một đi không trở lại, ra đi không hẹn ngày về. Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến sẽ còn mãi với thời gian, với lịch sử dân tộc, là minh chứng đẹp đẽ của thời đại chống thực dân pháp. Cụm từ người đi không hẹn ước thể hiện tinh thần quyết ra đi không hẹn ngày về. Hình ảnh đường lên thăm thẳm gợi lên cả một chặng đường gian lao của đoàn quân Tây Tiến. Vẻ đẹp bất tử của người lính Tây Tiến được thể hiện ở âm hưởng, giọng điệu của cả 4 dòng thơ. Chất giọng thoáng buồn pha lẫn chút bâng khuâng, song chủ đạo vẫn là giọng hào hùng đầy khí phách.
Qua bìa thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã khắc họa được thiên nhiên Tây Bắc với đầy đủ sắc thái khác nhau. Từ đó làm nổi bật hình tượng người lính Tây Tiến nói riêng và những người lính trẻ nói chung. Họ sẵn sàng từ bỏ ánh điện phố thị, buông bút nơi giảng đường để cầm súng chiến đấu. Dù khó khăn, gian khổ chất chồng thì sự quyết tâm, tinh thần lạc quan và tâm hồn mơ mộng vẫn không hề vơi bớt.
Mẫu 2
Lời giải chi tiết:
Quang Dũng là một nhà thơ có tâm hồn hào hoa, lãng mạn. Thơ của ông thường viết về thời kỳ kháng chiến với sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp con người, đặc biệt là vẻ đẹp của người lính. Bài thơ Tây Tiến chính là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.
Tây Tiến sáng tác năm 1948 gợi cảm hứng từ nỗi nhớ về thiên nhiên và người chiến binh Tây Tiến. Gợi tả về những vẻ đẹp ấy, ngòi bút Quang Dũng đã thể hiện rất xuất sắc với sự chan chứa về cảm xúc.
Ngay tại đoạn mở đầu bài thơ, tiếng lòng của những chàng tuổi vừa đôi mươi đã thốt lên bởi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dấu ấn kỷ niệm đọng lại qua câu chuyện đời bao tâm hồn yêu nước thầm lặng:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
....
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Một bài thơ viết về nỗi nhớ Tây Tiến, thế mà hai câu mở đầu của đoạn lại có ý nhắc về "sông Mã" trước nhất. Phải chăng dòng sông Mã uốn quanh nơi đại ngàn Tây Bắc là hình ảnh đã đi sâu vào lòng người chiến sĩ?
Đây chắc hẳn là nơi đã gắn bó với các anh bằng những kỉ niệm đẹp nhất của thời trai trẻ, nơi mở đường cho những chiến dịch yêu thương, thắp cháy lên ngọn lửa của khát vọng tự do dân tộc hào hùng. Tiếng gọi nơi mái trường xin dừng lại, dấu chân ai in dày trên những đỉnh núi cao. Đoạn hành trình trước mắt còn nhiều gian truân, khó khăn và thử thách. Ở nơi xa, chỉ có tình đồng chí sống mãi.
Vần "ơi" như mở ra mênh mông bất tận khoảng lặng của nỗi nhớ, để gửi nó về phương xa, nỗi nhớ vô hình mà nay lại như bật thành hình khối, thành âm vang. Nhớ chơi vơi là một cách diễn đạt là về nỗi nhớ, dân gian ta có câu "nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa như ngồi đống than". "Chơi vơi" của Quang Dũng vừa như đang ngân dài nỗi nhớ, mà cũng như đang làm vang xa nỗi nhớ vào cái điệp trùng bất tận của không gian. Nỗi nhớ giăng giăng cả đoạn thơ, dẫn dắt người đọc vào những miền cảm xúc dạt dào bất tận. Quang Dũng đã thổi vào tâm hồn người đọc những điệu nhạc, điệu thơ bất tận. Hình ảnh đầy chất thơ thấm đượm trong từng ý thơ. "Sương lấp, hoa về", những từ ngữ gợi cảm giác về sự mơ hồ, huyền diệu và như đang hàm chứa những khoảng vô ngôn rất đỗi trữ tình là vì thế. Những câu thơ của Quang Dũng như đưa người đọc vào đường biên khá giải, bất khả giải, để rồi cứ một nét mờ, lại một nét đậm, sau những cảnh tượng đầy thơ mộng trữ tình, lại là hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội.
Các từ láy "khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút" như những nét vẽ sắc đã lột tả hết toàn bộ cảnh tượng núi rừng hiểm trở, hoang vu, heo hút thăm thẳm. Từ "khúc khuỷu" gợi cái gập ghềnh, trúc trắc của những cung đường. "Thăm thẳm" lại gợi lên chiều sâu hun hút và sự nguy hiểm của nơi rừng thiêng nước độc. Tiếp đó từ "heo hút" như vẽ cả cái ngút ngàn của rừng thiêng, lại cũng vừa gợi ra cái ớn lạnh của đường rừng mà ở câu thơ tiếp theo đó Quang Dũng đã hé lộ "đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người". Thiên nhiên thì hùng vĩ nhưng đầy chông gai, lại ẩn tàng những con thú hoang dữ, nguy hiểm chập chùng như đang thách thức bước chân những người lính. Nhịp thơ nhanh, ngắn, dồn dập, như đang vẽ nên những cung đường hành quân trúc trắc, gập ghềnh, mà cũng như đang phổ một bản nhạc với nhịp điệu trên cung đường lính đã qua.
Điều đặc biệt trong bài thơ, tác giả Quang Dũng đã không hề né tránh hiện thực, mà tái hiện thực tế chiến trường và nỗi nhọc nhằn gian truân của những người lính, nếu câu thơ trên gợi sự mệt mỏi, uể oải, thì đến câu thơ thứ hai cụm từ "bỏ quên đời", như thấy được khí phách ngang tàn, đậm chất lính của những người chiến sĩ nơi đây. Trong khó khăn gian khổ, vẫn luôn ung dung tư thế tâm thế anh lính đất Hà thành, không chỉ hiên ngang giữa thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, dữ tợn, mà cũng thả hồn mình vào cái thơ mộng nơi đất rừng Tây Bắc.
Giữa cái heo hút, lạnh lẽo trên kia, thì phía dưới lại là hình ảnh khói lam chiều của cuộc sống dân dã ấm áp, đượm hương, đượm tình người của đồng bào miền núi. Đặc biệt trong câu thơ dưới, hồn thơ lãng mạn, đa tình của Quang Dũng như đã ngỏ hết vào hai chữ "mùa em", vừa gợi sự trẻ trung, tươi mới, vừa có chút gì đó đa tình, lãng mạn, tình tứ, mộng mơ. Chính những ranh giới và những nét pha trộn, đối kháng giữa hùng vĩ và thơ mộng đã làm cho bài thơ Tây Tiến trở nên đặc sắc, thú vị.
Khổ thơ cuối Quang Dũng đã thành công khắc họa chân dung đoàn quân mang tinh thần bi tráng, vừa anh dũng vừa lãng mạn hào hoa. Trên cái nền hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, người lính hiện lên với tư thế, tầm vóc tương xứng. Ngoại hình được gợi tả bởi những nét bút chân thực, ấn tượng "không mọc tóc" nước da xanh mét như tàu lá đó chính là di chứng của những trận sốt rét rừng. Tương phản với hình ảnh xanh xao là tinh thần oai hùng xông trận "dữ oai hùm". Bút pháp lãng mạn, tác giả phi thường hóa phẩm chất anh hùng, thể hiện sức mạnh chiến đấu vô địch, rung chuyển núi rừng, áp đảo kẻ thù. Bên cạnh sức mạnh chiến đấu là tâm hồn chiến sĩ trong những giờ phút thảnh thơi nơi chiến trường. Hình ảnh "mắt trừng gửi mộng" đã thể hiện tâm trạng tập trung, có cái nhìn vào sâu tâm tưởng, trong giấc mộng đắm chìm, hiện ra trong giấc mơ đó là "dáng kiều thơm", một nỗi nhớ người yêu tràn về cho thấy tâm hồn chiến sĩ trẻ trung, hào hoa, thanh lịch. Hình ảnh giấc mơ đẹp còn thấp thoáng tình yêu quê hương, đất nước. Cùng tinh thần hy sinh, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc là một vẻ đẹp nổi bật của người chiến sĩ cụ hồ. Khép lại bài thơ bằng hình ảnh thiên nhiên "gầm" hình tượng hóa dòng sông, vừa diễn tả nỗi đau cuồn cuộn mà cũng mang tinh thần bi tráng. Sự âm vang của sông nước như khúc nhạc tiễn đưa linh hồn chiến sĩ, núi sông đồng cảm với nỗi đau con người.
Tây Tiến là cuộc sống, là tấm lòng, là con người thật của nhà thơ Quang Dũng. Với những cảm xúc mãnh liệt, chân thật, thơ có cả họa và nhạc cho thấy ngòi bút tài hoa của tác giả đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ mà chan hòa, vừa diễn tả tinh thần chiến đấu, vừa nói lên nỗi đau thương chiến tranh.
Mẫu 3
Lời giải chi tiết:
Một bài thơ để lại nhiều cảm xúc cho người đọc bởi nét tài hoa và anh dũng của những người chiến sĩ cách mạng, họ anh dũng luôn kiên cường bất khuất trên mọi chặng đường, hình ảnh đó đã thể hiện cho chúng ta thấy được một tâm hồn giàu lòng yêu thương và tinh thần anh dũng, tác phẩm đó chính là Tây Tiến của Quang Dũng. Tây tiếng là một địa danh mà tác giả đã từng gắn bó cuộc đời của mình để chiến đấu và gian nan vất vả trên từng chặng đường ở đây tác giả đang phải sống những năm tháng khó khăn và nguy hiểm nhất.
Tây Tiến là cái tên một đoàn quân được thành lập năm 1947, mang một nhiệm vụ kết hợp với bộ đội Lào để thực hiện việc bảo vệ biên giới Việt - Lào, làm hao mòn lực lượng quân giặc. Xuất thân của những người lính Tây Tiến là đa số người Hà Nội, trong đây có rất nhiều học sinh, sinh viên. Nhà thơ Quang Dũng viết bài thơ để diễn tả mọi nỗi nhớ với đoàn quân Tây Tiến sau khi chuyển sang công tác ở đơn vị khác.
Hai câu thơ đầu, nhà thơ đã thể hiện nỗi nhớ thốt lên thành lời "Tây Tiến ơi" là tiếng gọi thân thương, "nhớ chơi vơi" là nỗi nhớ không thôi cho người thân, bao trùm không gian. Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ và dữ dội. Những địa danh được nhà thơ nhắc đến trong bài "Sài Khao, Mường Lát" gợi tới không gian rất hẻo lánh, xa xôi. Những từ láy giàu sự tạo hình: "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút", điệp từ "dốc", nghệ thuật điệp "Dốc lên ... dốc lên" gợi địa hình vô cùng hiểm trở, quanh co, gập ghềnh.
Hình ảnh "súng ngửi trời" thể hiện sự nguy hiểm, cao của núi non mà người lính phải vượt qua nhưng cũng có cái vui tính dễ thương của người lính trong đó. Nhịp thơ bẻ đôi "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" diễn tả sự nguy hiểm của núi rừng Tây Bắc mà người lính phải đối mặt. Hình ảnh nhân hóa "cọp trêu người", "thác gầm thét" gợi đến không gian của sự hoang sơ, man dại; thời gian "chiều chiều", "đêm đêm" mọi người lính phải thường xuyên đối mặt với điều kiện nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc. Quang Dũng đã sử dụng những thanh trắc nhằm nhấn mạnh sự trắc trở, gập ghềnh của địa hình. Khung cảnh thiên nhiên có sự êm dịu, mang đậm hương vị cuộc sống: "nhà ai Pha Luôn...", thanh bằng tạo cảm giác thực sự nhẹ nhàng, yên bình. HÌnh ảnh bi hùng về những người lính Tây Tiến "dãi dầu không bước nữa", "gục lên súng mũ bỏ quên đời"; có thể hiểu hai câu thơ đơn giản nhất miêu tả khoảnh khắc nghỉ ngơi của người lính sau những cuộc hành quân dài vô cùng mệt mỏi, cũng có thể hiểu như sự nghỉ ngơi nằm xuống của những người chiến sĩ anh hùng.
Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng nhưng cũng có vô vàn sự hiểm nguy, đấy như thử thách đối với những người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân.
Bên cạnh những lúc hành quân gian khổ, thì các anh chiến sĩ cũng có những kỉ niệm rất cảm động, đẹp đẽ về tình quân dân, vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Không khí đêm liên hoan tưng bừng với bao màu sắc độc đáo, đáng yêu, lộng lẫy: "bừng lên", "hội đuốc hoa",...
Tâm hồn người lính mang hồn nhà thơ, say đắm không thôi trong không khí ấm áp tình người: "Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ". Một vẻ đẹp huyền ảo đến xao xuyến, hoang dại, thiêng liêng: "Chiều sương", "hồn lau nẻo bến bờ". Con người lao động bình dị, mộc mạc đáng yêu Tây Bắc "dáng người trên độc mộc", cảnh vật có sự đáng yêu, đầy sức sống: "trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
Hình tượng người lính Tây Tiến được nhà thơ tập trung miêu tả trong khổ cuối. Chân dung người lính được miêu tả chân thực: "đoàn binh không mọc tóc", "xanh màu lá", họ sống và chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước dù có trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn mạnh mẽ "dữ oai hùm". Những con người mang một tâm hồn nhà thơ và một trái tim đầy sự yêu thương "mắt trừng gửi mộng", "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", lấy hình bóng dáng của người thương, nơi quê nhà sẽ thành động lực chiến đấu. Vẻ đẹp bi tráng thể hiện qua sự hi sinh anh dũng của họ dành cho dân tộc và con người Việt Nam.
Hình ảnh người lính sẵn sàng cống hiến hết mình tuổi trẻ của bản thân cho đất nước "rải rác biên cương mồ viễn xứ" đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Cái chết đã được lí tưởng hóa qua những hình ảnh những tráng sĩ xưa: "áo bào", "khúc độc hành"; thiên nhiên cũng cảm thấy đau đớn thay cho nỗi đau họ phải chịu.
Quang Dũng đã viết về người lính tây tiến với tất cả nỗi nhớ, niềm thương, sự ngưỡng mộ, sự tự hào xen lẫn niềm xót xa tiếc nuối. Nhà thơ viết bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn nhưng nghiêng nhiều về lãng mạn.Bài thơ là một dòng chảy dài da diết cháy bỏng của Quang Dũng nhớ về đồng đội thân yêu. Với âm hưởng thơ hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn cùng hình ảnh phong phú sinh động. Quang Dũng đã không chỉ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hoang sơ, hiểm trở lại vừa thơ mộng trữ tình mà ông còn chạm khắc vào lịch sử bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hoa, bi tráng. Chính vì vậy mà bài thơ mãi mãi là một hoài niệm không thể quên trong lòng người đọc bây giờ và mãi mãi về sau.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Phân tích bài thơ Tây Tiến timdapan.com"