Người ấy (bạn, thầy, người thân,...) sống mãi trong lòng tôi

Người ấy (bạn, thầy, người thân,...) sống mãi trong lòng tôi


Người láng giềng quý hoá

        Bác Lý là người bạn láng giềng của bà ngoại em. Bà em vẫn gọi một cách thân mật là Chú Lý.

        Cùng ở trong xóm Cây Bàng xã Đông Tiến, qua ngõ nhà bác Lý mới tới nhà bà ngoại em. Gia đình bác có 3 người con. Anh Hùng là con đầu của hai bác đang học trường sĩ quan Đà Lạt. Chị Liên đang học lớp 11. Cậu Khanh 15 tuổi học lớp 10 Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt. Vợ bác là hộ lí bệnh viện Phụ sản huyện.

        Một ngôi nhà ngói 5 gian, một sào vườn, một giếng nước tự đào, nước trong vắt. Cậu Khanh học trên em hai lớp. Cậu rất quý em. Hè nào đến chơi nhà bà ngoại,
cậu cũng rủ em đi thả diều, rủ em sang tắm mát ở giếng bác Lý. Kéo gầu nước từ giếng sâu lên dội vào đầu vào người, mát lạnh, thích thú lắm.

        Bác Lý là sĩ quan công binh, 56 tuổi. Bác về hưu với quân hàm trung tá. Bác bị thương ở trận Đường 9 - Nam Lào. Lưng và vai bác đầy thương tích. Bác vẫn nói vui với mọi người: 'Thần Chết thấy người xấu đã tha cho. Nhờ thế mới được trở về, sống với vợ con và anh em làng nước,...”

        Dáng người cao to, vạm vỡ. Khuôn mặt chữ điền phúc hậu. Tính tình bác vui vẻ, cởi mở. Về hưu được 2 năm, bác được bầu làm hội trưởng hội cựu chiến binh của xã. Bác rất có uv tín. Nhân dân, cán bộ trong xã, ai cũng kính trọng và quý mến bác. Bí thư Đảng ủy xã. Chủ tịch xã vẫn gọi bác bằng “chú” rất thân tình; hễ gặp việc gì khó khăn đều đến hỏi ý kiến bác.

        Nhờ bác Lý mà xóm Cây Bàng có đường sá đi lại sạch đẹp như ngày nay. Bác đứng ra lo liệu, tổ chức. Người góp công sức, người góp tiền của, gia đình nào cũng tích cực tham gia, đoàn kết nhất trí, chỉ sau 2 tuần, làm ngày làm đêm, các trục đường đã được xi măng hóa. Những ngày mưa gió cũng không phải đi lại vất vả trong cảnh bùn lầy nước đọng như ngày xưa nữa.

        Bác giàu tình tương thân tương ái. Gia đình nào trong xóm có người đau ốm hoặc gặp khó khăn hoạn nạn bác đi lại thăm hỏi, an ủi động viên. Bà con vẫn nhắc lại chuyện anh Chuẩn. Nhà nghèo lại mê cờ bạc, anh Chuẩn dây vào vụ trộm cắp trâu bò, bị tù 3 năm. Bác LÝ đã cho anh Chuẩn vay 3 triệu đồng để bồi thường cho gia đình mất bê. Bác Lý đã khuyên nhà chủ mất bê xin tòa giảm án tù ngồi thành án tù treo cho anh Chuẩn. Bác Lý đã cứ anh Chuấn đi học lớp kĩ thuật “VAC" và trồng hoa, cây cảnh. Bác giúp vốn, bác động viên hai vợ chồng vượt qua mọi khó khăn về kinh tế, vượt lên mặc cảm về cảnh ngộ. Hai sào vườn của anh Chuẩn trước đây chỉ có vài ba luống rau cằn cỗi lưa thưa, mọc toàn cỏ dại Trong nhà lộn xộn đủ thứ; chăn chiếu áo quần vứt lung tung. Thế mà chỉ 5, 6 năm sau, vườn anh Chuẩn thay đổi hẳn. Rau xanh 4 mùa. Sáng nào chị Chuẩn cũng gánh một gánh rau non lên bán ở thị trấn. Anh Chuẩn trồng nhiều giống hoa và cây cảnh. Vườn nhà anh trở thành một địa chỉ về cây giống rất nổi tiếng trong huyện. Trong chuồng lợn, lúc nào cũng có 5, 6 con. Anh đã trả được nợ, xây được nhà, mua được xe máy,... Bà ngoại em nói:

- Không có bác Lý thì anh Chuẩn đi tù mọt xương. Nhờ bác Lý mà vợ chồng con cái anh Chuẩn mới được như ngày nay...

        Nghe nhiều người nói, Tết nào vợ chồng anh Chuẩn cũng đem gà trống thiến và gạo nếp sang biếu bác Lý. Nhưng bác không nhận, chỉ cảm ơn và nói: “Bao giờ vợ chồng cô chú trở thành triệu phú xóm Cây Bàng thì tôi đưa hai tay ra nhận quà...”

        Xóm Cây Bàng có 80 hộ thì tất cả đều là gia đình văn hóa mới; trong đó có gia đình anh Chuẩn.

        Đối với bà ngoại em, bác Lý như người nhà. Bác giúp đỡ bà em từ việc lớn đến việc nhỏ. Bà em bị ốm, con cháu đi xa, vợ chồng bác Lý đã đưa bà em đi bệnh viện và săn sóc tận tình chu đáo. Bác đã gọi điện cho bố mẹ em biết để sớm trở về chăm sóc bà.

        Hè nào, em về chơi nhà bà ngoại, bác Lý và cậu Khanh cũng làm cho một con diều giấy, bay tới tận trời cao, nhiều lúc em bâng khuâng nhớ cánh diều tuổi thơ, nhớ bác Lý, nhớ cậu Khanh, con út của bác. Mỗi lần mẹ em về thăm bà, sang nhà bác Lý chơi, vợ chồng bác rất vui, đón tiếp chuyện trò thân tình. Vài quả mướp dáng, quả bầu, quả bí,... vợ chồng bác cho mẹ em và nói: “Cây nhà lá vườn đấy cô Thoa ạ ..."

        Tục ngữ có câu như: "Bán anh em xa mua láng giềng gần ", hoặc “Tắt lửa tối đèn có nhau". Bác Lý là người láng giềng quý hóa của bà em. Quê bác ở miền Trung, bác đi bộ đội, lấy vợ rồi ở rể xóm Cây Bàng hơn 30 năm nay. Là dân ngụ cư nhưng ai cũng kính trọng và quý mến bác. Bác Lý là “anh bộ đội cụ Hồ". Bác Lý là người cán bộ chân đất nông thôn. Mỗi lần bác Lý ra thành phố chơi, bố mẹ em, chị em em đều hết sức mừng rỡ.

        



Từ khóa phổ biến