Nêu suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thế hệ trẻ lớp 6

1. Dàn ý chi tiết Mở bài - Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. - Từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ.


Dàn ý chi tiết

Mở bài

- Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới.

- Từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ.

- Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đó còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” trong giới trẻ làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt.

Thân bài

Giải thích:

- Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội.

- Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nhân cách và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu.

- Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý.

Kết bài

- Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay đã trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội.

- Chủ thể của nhận thức và hành động, giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…”


Mẫu 1

Mỗi một quốc gia, có một thứ tiếng, thứ ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp. Như ở nước ta, tiếng Việt là thứ tiếng phổ biến nhất, rộng rãi nhất. Tiếng Việt vô cùng đặc sắc và nhiều điểm hấp dẫn. Và để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một điều vô cùng khó với xã hội hiện nay.

Sự trong sáng của tiếng Việt là sự kết hợp hài hòa của tiếng Việt về mọi mặt. Nó đi đúng với truyền thống đạo lí của dân tộc ta. Nói nghe dễ hiểu, viết dễ nhớ là cách mà chúng ta vẫn hay thực hiện.

Nhưng thực tế hiện nay, khi sự hội nhập kinh tế, văn hóa một cách nhanh chóng. Tiếng Việt của chúng ta đang có nhiều biến đổi đáng lo ngại. Cách xưng hô giao tiếp giữa người với người đã thay đổi không ngừng. Những câu chào hỏi phép lịch sự đã biến mất, thay vào đó là những câu chào không có chút gì tử tế. Nhất là việc thay đổi bởi thế hệ trẻ, những người dễ tiếp thu những kiến thức mới của nhân loại.

Việc văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta, các ngôn ngữ khác cũng trở lên phổ biến hơn. Giới trẻ đã chế tạo ra rất nhiều loại kí hiệu ngôn ngữ khác nhau của tiếng Việt. Những ngôn từ sáng chế ấy, được sử dụng hàng ngày và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiếng Việt truyền thống.

Những câu nói không hề có âm sắc, những từ ngữ mà chỉ có giới trẻ mới hiểu. Đang tràn lan trên mạng xã hội, hay đôi khi mang ra cả cuộc sống hàng ngày. Giới trẻ không nói chuyện, nhắn tin với nhau bằng tiếng Việt chuẩn nữa, mà thay vào đó là những từ không có dấu. Mà đọc qua thì chẳng ai hiểu là gì. Nhưng với giới trẻ, việc sáng tạo ra các kí hiệu nhắn tin không dấu này lại được họ hết sức hứng thú.

Họ không hề biết rằng, bởi vì những loại kí hiệu không thuần chủng, chính thống này. Làm cho tiếng Việt trong mắt nhiều người trở lên không thuần khiết, mất đi bản sắc thực sự của nó. Chỉ có giới trẻ giao tiếp với nhau có thể hiểu được kí hiệu ấy. Còn những người khác, nếu không tiếp xúc với nó, sẽ chẳng hiểu là gì.

Hành động này của giới trẻ làm cho tiếng Việt bị chia cắt về nội dung và ý nghĩa. Có đôi khi chúng ta không thể hiểu nổi những kí tự mà người khác đang viết muốn nói điều gì. Thay vì hỏi “ Bạn ngủ chưa” lại bằng “ ban ngu chua”. Nếu là người không biết, có khi còn xem như là đang chửi mình vậy.

Sự trong sáng của tiếng Việt bị đánh mất thay bằng thứ ngôn ngữ chẳng có hệ thống mạch lạc nào cả. Sự thay đổi này làm cho con người khó có thể tiếp thu được. Và hậu quả là sự chia cách về việc giao tiếp giữa người với người diễn ra. Người thế hệ trẻ với người thế hệ sau nói chuyện qua tin nhắn bị hạn chế hơn.

Tiếng Việt là một chỉnh thể toàn vẹn về mọi mặt của ngôn ngữ nước ta. Không thể pha tạp những thứ khác vào trong đó được. Việc pha tạp sẽ làm ảnh hưởng tới sự thuần khiết của tiếng Việt. Bởi tiếng nói là thể hiện văn hóa của một đất nước. Cho nên, để giữ gìn, nâng cao văn hóa. Thì trước hết, con người phải tự làm giàu đẹp thứ tiếng của dân tộc mình. Chứ không phải lai tạp nhiều thứ và coi đó là sáng tạo.

Trách nhiệm của mỗi công dân, là phải giữ gìn và phát huy truyền thống của quốc gia nơi mình sinh sống. Đem tiếng Việt trở thành thứ tiếng đẹp, trong sáng, thuần túy và hấp dẫn đến bạn bè năm châu. Bằng việc có ý thức tôn trọng và yêu quý tiếng Việt. Chúng ta sẽ có định hướng rõ ràng để sử dụng và phát huy những cái tinh túy của thứ tiếng ấy.

Sự trong sáng của tiếng Việt là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển. Dân tộc Việt sử dụng tiếng Việt là một điều vô cùng đúng đắn. Thay vì theo trào lưu học tập những thứ tiếng nước ngoài rồi khoe khoang. Thì không bằng chúng ta đem tiếng Việt ra ngoài thế giới. Để cho họ biết, tiếng Việt của chúng ta đẹp như thế nào.


Mẫu 2

Mỗi một người khi sinh ra đều có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ ta biết nói đầu tiên. Tiếng Việt là ngôn ngữ trong sáng, đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hiện nay việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại trở thành một vấn đề tương đối phức tạp và khó khăn, cùng với đó là việc học tập tiếng nước ngoài cũng khiến cho ngôn ngữ nước nhà có phần thay đổi.

Tiếng Việt của chúng ta vốn là một ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú. Trong tiếng Việt có rất nhiều cách nói đa thanh, đa nghĩa, chỉ cần trong câu văn đảo trật tự từ hoặc thay đổi cách ngắt nghỉ hay thêm bớt một từ thôi là nghĩa của câu có thể hoàn toàn thay đổi. Tiếng Việt cũng giống như linh hồn của đất nước vậy, nó là bản sắc, là hồn túy của dân tộc. Tiếng Việt chất chứa bề dày lịch sử, nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Người Việt sử dụng tiếng Việt mới thẩm thấu được nhiều những lớp ý nghĩa trong cách nói năng của mọi người.

Còn tiếng Việt là còn đất nước. Thế nhưng hiện nay, tiếng Việt lại ngày một trở nên mai một, biến chất. Con người sử dụng tiếng mẹ đẻ không còn khéo léo, phong phú như trước nữa. Nếu để ý, bạn sẽ thấy thế hệ cha ông chúng ta dùng nhiều những từ cổ, cách nói có nhiều ca dao tục ngữ, lời lẽ đa dạng, muốn bay bổng có bay bổng, muốn hài hước có hài hước, muốn bi thương có bi thương. Còn giới trẻ hiện nay, không những không nắm bắt được ngữ nghĩa của nhiều từ mà cách sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng bó hẹp trong những từ thông dụng, căn bản, không thể hiện được sự đa dạng, nhiều sắc thái của tiếng Việt.

Thêm vào đó, việc sử dụng nhiều tiếng lóng, các từ ngữ nước ngoài, chữ cách tân khiến cho tiếng Việt bị biến chất. Việc học tập tiếng nước ngoài thì ngày càng trở nên phổ biến hơn, thông dụng hơn, dễ dàng hơn. Người Việt sử dụng tiếng Anh ngày càng nhiều và thông thạo. Không những thế tiếng tiếng Hàn, tiếng Trung quốc, tiếng Nhật Bản cũng ngày càng phố biến. Việc học tiếng nước ngoài và học tiếng Việt dường như tỉ lệ nghịch với nhau. Người Việt thì sử dụng tiếng nước ngoài ngày càng nhiều nhưng sử dụng tiếng Việt thì lại càng biến chất, nghèo nàn.

Có những thay đổi trên một phần là do sự phát triển của cuộc sống xã hội, sự hội nhập của nước ta với thế giới khiến cho các mặt của đời sống xã hội, kinh tế chính trị đều thay đổi trong đó có yếu tố văn hóa. Chúng ta đang đẩy mạnh giảng dạy tiếng nước ngoài trong giáo dục để phục vụ cho việc công tác sau khi ra trường. Các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Các bộ phim, chương trình truyền hình, làn sóng idol… đã khiến cho các bạn trẻ ngày càng sử dụng nhiều từ nước ngoài. Thay vào đó, việc vận dụng linh hoạt ngôn ngữ mẹ đẻ khá xa lạ và khó khăn với các bạn. Điều này dẫn đến tiếng Việt ngày càng bị mai một, biến chất, có nhiều từ ngữ thậm chí không còn được sử dụng trong giao tiếp, trong đời sống hàng ngày.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong đó có tiếng nước ngoài là rất tốt. Nhưng song song với đó, chúng ta phải có ý thức chủ động giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình bằng cách thường xuyên đọc sách, lắng nghe và sử dụng thường xuyên ngôn ngữ tiếng Việt một cách đa dạng, phong phú. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc chúng ta.


Mẫu 1

Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Đáng quan tâm nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng.

Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt, nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói và viết tiếng Việt như Internet, trang web..., song đáng chê trách nhất vẫn là việc dùng chữ viết nước ngoài (chủ yếu là chữ Anh) thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng như show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)... một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu. Có ý kiến ngụy biện cho rằng hiện tượng này nên khuyến khích vì đấy là một cách học và thực hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Nhưng thực ra, muốn thực hành ngoại ngữ, chúng ta hoàn toàn có thể nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc tạo cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam. Còn khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng" và có câu nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có học sinh - những người thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp xã hội, trong học tập, nghiên cứu. Công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đòi hỏi phải có sự nỗ lực trên các phương diện: tình cảm, nhận thức và hành động. Trước hết mỗi học sinh cần có tình cảm yêu mến và có ý thức quý trọng tiếng Việt. Mỗi người cần thấm nhuần và khắc sâu lời dặn của Hồ Chủ Tịch “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng đòi hỏi mỗi người cần có những hiểu biết cần thiết về tiếng Việt. Đó là hiểu biết về chuẩn mực và quy tắc tiếng Việt ở các phương diện phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản, tiến hành giao tiếp. Muốn có hiểu biết, người học cần tích lũy kinh nghiệm từ thực tế giao tiếp, qua sách báo, học tập ở trường.

Có thể tìm hiểu và học tập tiếng Việt ở mọi lúc mọi nơi. Sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng. Tuy nhiên cần tiếp nhận những yếu tố tích cực từ tiếng nước ngoài để làm giàu ngôn ngữ mình, đồng thời tránh cách nói thô tục, kệch cỡm để nói “lời hay, ý đẹp”.

Đồng thời, các trường học cũng phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta có thể loại trừ sự lố bịch trong việc dùng tiếng lai dường như cũng chính là một khía cạnh thể hiện niềm tự hào và ngoài ra đó cũng chính là sự tôn trọng ý thức dân tộc trong ngôn ngữ, nó dường như cũng đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.


Mẫu 2

Tiếng Việt - ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, là tiếng mẹ đẻ của hơn 85% dân cư, từ khi ra đời tiếng Việt của chúng ta đã mang những bản sắc riêng, vẻ đẹp riêng và trong quá trình con người sử dụng đã làm giàu có thêm vốn tiếng Việt. Trước sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập ra thế giới, tiếng Việt cũng cần phải đổi mới hơn, đa dạng và phong phú hơn đáp ứng yêu cầu của thời đại, tuy nhiên việc quan trọng hàng đầu chính là dù trong hoàn cảnh nào của xã hội cũng phải gìn giữ được sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài. Biểu hiện dễ thấy nhất là việc sử dụng thường xuyên những từ như: show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)… thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng. Cách diễn đạt này đôi khi sẽ gây nên sự khó hiểu, làm mất đi tính mạch lạc của đoạn hội thoại. Đồng thời, do ngôn ngữ còn tác động đến quá trình hình thành nhân cách, sử dụng tràn lan các từ ngữ nước ngoài không tránh được việc tạo ra tâm lí sính ngoại, coi nhẹ văn hóa cũng như đồ dùng Việt Nam.

Mỗi đất nước, mỗi quốc gia đều có những niềm tự hào dân tộc. Tiếng Việt cũng là một niềm tự hào của dân tộc. Nhưng ngày nay, xã hội càng phát triển thì sự du nhập của nhiều ngoại ngữ khiến cho chúng ta bị lạm dụng quá nhiều vào từ nước ngoài. Vậy nên đối với giới trẻ thì việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như là giữ gìn lại bản sắc của dân tộc. Hãy luôn sử dụng những từ ngữ thuần Việt, hạn chế những từ không trong sáng hay là làm sai lệch đi nghĩa của những từ đã có. Những người trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước nên có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.