Một nhà văn Nga đã nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương". Suy nghĩ về câu nói trên - Ngữ Văn 12

Câu nói của nhà văn Nga về sự thiếu tình thương có giá trị giáo dục lòng nhân ái cho bất cứ ai.


Tại sao “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương?” Phải là một con người từng trải mới nói được những lời mang ý nghĩa sâu sắc như thế.

Qua sách báo, qua những bài học địa lí, ta mới biết được Bắc Cực lạnh lắm. Băng tuyết bao phủ quanh năm. Những ngọn núi băng cao chọc trời bao phủ cả một vùng mênh mông, kéo dài hàng nghìn hải lí. Lạnh dưới độ âm năm, sáu mươi độ. Phải là những nhà thám hiểm, nhà khoa học... mới đến được Bắc Cực. Chỉ có loài gấu trắng, hải cẩu. Chim cánh cụt... mới sống ở Bắc Cực.

Nghe nói đến hai tiếng Bắc Cực mà ghê người. Nhưng nhà văn Nga lại nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”.

Nơi không có tình thương hoặc thiếu tình thương là một xã hội mà chế độ bóc lột, áp bức ngự trị. Nơi đó, con người sống đau khổ trong thù hận, máu và nước mắt. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết:

        Bát cơm chan đầy nước mát

         Bay còn giằng khỏi miệng ta

           Thằng giặc Tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da

(Ðất nước)

Nơi không có tình thương thì quvền sống của con người bị chà đạp, bị tước đoạt. Nơi ấy, có kẻ ngồi mát ăn bát vàng, kẻ ăn không hết, người lần không ra, có kẻ không có cháo cầm hơi, không có manh áo che thân giữa những ngày đông tháng giá.

Nơi không có tình thương, lòng người, trái tim người khô héo, băng giá. Sự cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau không có. Sống chết mặc bay. Dửng dưng trước sự đau khổ của đồng loại. Con người khác nào cầm thú! Đọc Đám tang lão Gô-rỉ-ô của văn hào Ban-dắc mà ta thấy hãi hùng. Cha già yếu, ốm đau, hai cô con gái chẳng đoái hoài. Cha chết trong cô đơn, tủi nhục, nghèo khổ... nhưng hai người con gái giàu sang không thèm đến, không một giọt nước mắt. Tiền bạc trong xã hội tư sản đã làm băng giá tim người. Tình cha con mẹ con, tình anh em, tình bè bạn, tình đồng loại không còn nữa. Người ta tôn thờ thần tiền. Đúng là nơi không có tình thương còn lạnh hơn Bắc Cực.

Xã hội thực dân nửa phong kiến là nơi không có tình thương. Vì thế mới có hiện tượng như nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã khinh bỉ đả kích: “Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi! Dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà ”một người làm quan, một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai”. (Về luân lí xã hội ở nước ta)

Nơi không có tình thương thì không có đạo lí, con người trở nên tham lam, ích kỉ, độc ác, ti tiện. Sự chênh lệch quá lớn về giàu, nghèo trong xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự băng giá tình người. Nơi không có tình thương, chế độ không có tình thương không thể tồn tại được. Khi dân chủ và công bằng xã hội đã bị tước đoạt, chà đạp thì nơi đó làm gì có tình thương. Nơi đó là địa ngục, còn lạnh hơn cả Bắc Cực.

Nói đến tình thương là nói đến đạo lí, là nói đến lòng nhân ái. Nhân dân ta luôn luôn nhắc nhở nhau: “Thương người như thể thương thân”. Gia đình là cái nôi của tình thương: tình cha con, mẹ con, tình anh em, tình ông bà con cháu. Dân tộc là nơi phát triển tình thương: tình đồng bào, tình yêu quê hương, đất nước. Dưới mái trường, tuổi trẻ được giáo dục và phát triển tình thương: tình thầy trò, tình bằng hữu, tình yêu Tổ quốc.

Phải sống nơi thiếu tình thương là điều bất hạnh. Được sống trong tình thương là hạnh phúc.

Các phong trào như giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào nghèo, đồng bào vùng bão lũ... là những hành động thiết thực để xây dựng tình thương cho con người và cho xã hội.

Câu nói của nhà văn Nga về sự thiếu tình thương có giá trị giáo dục lòng nhân ái cho bất cứ ai.

 

Bài giải tiếp theo
Bình luận về gương, noi gương và nêu gương - Ngữ Văn 12
"Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết". Suy nghĩ về ý kiến trên - Ngữ Văn 12
Tiền - không là tất cả. Suy nghĩ về ý kiến này - Ngữ Văn 12
Một số thanh niên hiện nay vẫn cho rằng: "Chỉ có tiền tài và địa vị thì mới có hạnh phúc". Hãy dùng lập luận bác bỏ để phản bác tư tưởng đó - Ngữ Văn 12
Bình luận về ứng xử lịch sự, văn minh - Ngữ Văn 12
Trước cái đói nghèo và những cuộc đời bất hạnh vẫn còn trong xã hội nước ta - Ngữ Văn 12
Bình luận câu nói sau đây: "Có nhân hậu mới biết đồng cảm và sẻ chia" - Ngữ Văn 12
Khi bàn về phương pháp học tập, trau dồi văn hóa, có người cho rằng: "Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả". Hãy giải thích câu trên - Ngữ Văn 12
Suy nghĩ gì về một thói quen trong xã hội: sự nịnh bợ - Ngữ Văn 12
Khi bàn về chủ đề: Quan niệm về hạnh phúc của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay có ý kiến cho rằng: "Muốn có hạnh phúc thì phải kiếm được nhiều tiền, vì có tiền là có tất cả". Anh (chị) có ý kiến gì về quan niệm trên? - Ngữ Văn 12

Video liên quan



Bài giải liên quan

Từ khóa